Triệu Tử Long
(VNTB) – Sở dĩ cần đến kênh truyền thông của báo chí tư nhân, là để phù hợp với mô hình quản trị “Chính quyền đô thị”.
Theo quyết định của Quốc hội, chính quyền TP.HCM sẽ không còn Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, phường, và sẽ có thành phố trong thành phố.
Nhà chức trách nói rằng việc không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của cử tri sẽ được mở rộng thông qua các kênh đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND TP, các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc…
Như vậy quyền đại diện của cử tri được nâng lên một mức cao, tạo điều kiện để chính quyền vận hành thể hiện sự công bộc, lấy hiệu quả cuộc sống, an lành, ấm no của người dân là thước đo hiệu quả bộ máy cấp cơ sở.
Việc giám sát của người dân thông qua các kênh mở rộng xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu của cử tri buộc cán bộ, công chức phải thực hiện trách nhiệm xây dựng chính quyền vững mạnh, bảo đảm cuộc sống yên bình của người dân. Bên cạnh đó đảm bảo tiết kiệm ngân sách có đủ điều kiện thêm lực cho chương trình đầu tư phát triển, chính sách dân sinh.
Trong bối cảnh dự kiến sẽ như trên, cho thấy để giúp cử tri có thêm kênh ghi nhận ý kiến đa chiều qua hình thức báo chí, và để tiết kiệm ngân sách, cần chấp nhận các tòa soạn báo chí tư nhân hoạt động độc lập, không còn phải buộc ‘liên kết’ như lâu nay với tờ báo nào đó thuộc nhà nước.
PGS. TS Nguyên Hữu Đổng, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích như sau:
“Các mặt đối lập cơ bản trong khái niệm báo chí là báo và chí. Nhìn từ góc độ các mặt đối lập song – hành, báo được nhìn nhận là hiện tượng thông tin của cộng đồng, quốc gia; còn chí là các tiêu chí thông tin của cộng đồng, quốc gia.
Nhìn nhận từ góc độ các mặt đối lập nhân – quả, báo được nhìn nhận là các mục tiêu thông tin của báo chí được thông báo trong cộng đồng, quốc gia; còn chí là các tiêu chí thực hiện mục tiêu thông tin của báo chí được thông báo trong cộng đồng, quốc gia.
Do vậy, khi nói đến báo chí là phải đề cập đến các mặt đối lập của chủ thể báo chí. Trong thể chế quốc gia hiện đại có các mặt đối lập chung là “nhà nước pháp quyền” và “xã hội dân sự”. Theo đó, thể chế báo chí quốc gia cũng có các mặt đối lập chung về chủ thể là báo chí của nhà nước và báo chí của xã hội – tư nhân.
Trong các thể chế quốc gia hiện đại, việc tồn tại báo chí tư nhân là một hiện tượng khách quan. V.I.Lênin – Người sau khi trải qua kinh nghiệm thực tiễn xây dựng xã hội mới ở nước Nga sau bốn năm cầm quyền nhận thấy có nhiều sai lầm, vào năm 1921, đã chỉ ra rằng: “… giai cấp vô sản chủ trương không phải là thủ tiêu báo chí tư nhân, mà là bắt báo chí tư nhân phải chịu một sự kiểm soát nào đấy của nhà nước, và là lái nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Sắc lệnh quy định việc nhà nước nắm độc quyền quảng cáo có nghĩa là trong nước vẫn còn có báo chí tư nhân như hiện tượng thông thường, có nghĩa là vẫn còn có chính sách kinh tế đòi hỏi phải có những quảng cáo tư nhân, vẫn còn có chế độ tư hữu, vẫn còn có cả một loạt những xí nghiệp tư nhân cần rao hàng và quảng cáo”. (V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M, tập 44).
Theo quan điểm của Lênin, báo chí tư nhân trong quốc gia được nhìn nhận như một yêu cầu không thể thiếu khi có tự do sản xuất kinh doanh, trao đổi mua bán hàng hóa. Theo ông, báo chí tư nhân là chỉ do nhà nước quản lý bằng luật pháp, thay cho các sắc lệnh cấm đoán khi nhà nước vô sản mới thiết lập mấy năm đầu; còn sự lãnh đạo của các đảng viên Đảng cộng sản Nga đối với báo chí cần được nhìn nhận là phải “phục vụ” các tờ báo nhà nước, tư nhân làm đúng trách nhiệm, chức năng của báo chí đối với đất nước, nhân dân.
Trong giai đoạn hiện nay, báo chí tư nhân ở Việt Nam có cần hay không? Câu trả lời là rất cần. Tuy nhiên, trong thực tế thì báo chí tư nhân lại đang bị “rào lại” đường đi của mình; tức báo chí tư nhân đang bị “cấm đường” (lề trái) – đường ngược chiều, mà lẽ ra nó phải được đi theo đúng quy luật khách quan.
Điều đó chỉ ra rằng, ở Việt Nam, cần phải hình thành và tôn trọng sự tồn tại của báo chí tư nhân. Báo chí tư nhân tương tự như “lề trái” của con đường; còn báo chí nhà nước tương tự như “lề phải” của con đường đi đến xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, con đường này được coi như “đường cao tốc” với hai bên đường ngược chiều nhau (đường của kinh tế “nhà nước” – công, và đường của kinh tế “xã hội” – tư nhân); còn dải ngăn cách ở giữa tượng trưng như luật pháp (công lý) của Quốc gia…”.
Như phân tích ở trên, cho thấy cùng với “Chính quyền đô thị”, cần đến sự chung sức phụng sự xã hội của kênh truyền thông báo chí tư nhân.