Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chính quyền nên đối thoại với người dân!?

Trúc Ngọc

(VNTB) – Đây là một vấn đề được không ít người ủng hộ. Bởi trên hết, cho dù là một nông dân, một công nhân, một trí thức… cũng mong được tự do bộc lộ ý kiến cá nhân mà không bị quy kết bởi các tội khác nhau. 

 

Sự việc chính quyền hỏi và tiếp thu ý kiến từ người dân là một điều hoàn toàn không xa lạ. Theo dòng lịch sử, chúng ta có còn nhớ về hội nghị Diên Hồng ở đời Trần? Đó chẳng phải là một cuộc đối thoại giữa vua và dân hay sao? Một khi người lãnh đạo và dân ‘đồng lòng’, thì mọi việc ắt hẳn sẽ được giải quyết dễ dàng hơn – như trong việc cùng nhau phòng, chống dịch Covid19 vậy.

Tuy hiệu quả chưa được cao cũng như chưa tìm được phương thức giải quyết một cách rõ ràng, song với chính quyền TP.HCM thì cũng có đó ít nhất một cuộc đối thoại với người dân – ví dụ vấn đề về Thủ Thiêm. Nói gì thì nói, điều này cũng đáng nên ghi nhận. Bởi ở một vụ tương tự được người dân vườn rau Lộc Hưng yêu cầu được đối thoại với chính quyền TP.HCM, về vấn đề pháp lý của chuyện cưỡng chế thô bạo, xâm hại tài sản bất động sản hợp pháp của người dân, song chính quyền vẫn chọn sự im lặng.

“Đúng là có những cái tôi toàn nghe nói không thôi. Nhưng nói gì thì nói, cái nào làm được chúng ta cũng cần phải ghi nhận. Như trường hợp cụ thể của tôi đây. Tôi có thằng cháu học đại học năm cuối, tức là nó vẫn đi học. Vậy mà chính quyền xã ở TP.HCM đã gửi cho nó cái giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Nhờ quen biết với một luật gia, họ gửi một lá thư lên Bộ Tư lệnh Thành với phía Nghĩa vụ quân sự huyện. Họ mời lên, hỏi sự tình, tiếp thu ý kiến của mình, đồng thời kêu mình cứ đi học đi, để họ liên lạc với xã. Tôi không biết những trường hợp khác như thế nào chứ riêng tôi thấy gửi thư lên được trả lời vậy. Tôi ưng”, bác Tám, một người dân sinh sống ở Sài Gòn chia sẻ.

Việc chấp nhận đối thoại với người dân có thể nói sẽ giúp cho dân cảm thấy an tâm hơn trong các vấn đề xảy ra. Lúc còn đi học, tôi được thầy cô giáo và cả hiệu trưởng của trường rao giảng rằng: “Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Nếu không lắng nghe ý kiến của người dân thì điều dạy trong trường đó có còn đúng?

Lẽ dĩ nhiên, chấp nhận ngồi đối thoại với người dân cũng là một điều hoàn toàn không dễ dàng. Tuy nhiên, khi giữa dân với “quan” đạt được một đồng thuận nhất định, có lẽ sẽ dễ hơn trong việc giải quyết vấn đề.

Nói đi cũng nói lại, cũng nên có sự chọn lọc người để đối thoại với chính quyền.

Dĩ nhiên, ở đây tôi không nói đến những trường hợp có “chức sắc” sẽ đại diện cho người dân đối thoại như mấy anh Hội đồng nhân dân hay mấy bác tổ trưởng, mấy chị hội phụ nữ… này nọ.

Người nông dân có thể chữ nghĩa không nhiều nhưng họ cũng có những bức xúc, những chèn ép từ chính quyền địa phương mà không dám thể hiện ra. Vì vậy, với những trường hợp như thế này, cũng nên khéo léo trong việc lấy ý kiến. Tâm thế của không ít bà con nông dân “tắt lửa tối đèn có nhau”, mình ở khu vực “xa mặt trời” quá nên thôi “một điều nhịn là chín điều lành”. Chính vì điều này, không ít những người “cầm lông gà tưởng là lệnh tiễn” được quyền ra lệnh này nọ cho bà con như lấy giấy tờ, lấn đất…

Nếu chính quyền TP.HCM tiếp tục thực hiện được những cuộc đối thoại với người dân thì sẽ quá tốt – dĩ nhiên ở đây không phải chiêu trò của mị dân.

Có thể đối thoại bằng nhiều cách, không nhất thiết phải thiết lập một căn phòng rồi mời người dân vào, hỏi và trả lời. Xã hội phát triển, công nghệ cũng theo đó mà tiến bộ hơn, chính quyền thành phố cũng có thể tiếp nhận ý kiến rồi trả lời bằng email, bằng các trang thông tin điện tử.

Dĩ nhiên, nói là một chuyện, thực tế hành động lại là vấn đề khác. Nhưng nếu thật sự được như vậy, thì dân sẽ mừng và ủng hộ lắm.

Trước mắt, giả dụ, phía chính quyền TP.HCM ‘thử’ một giải pháp bằng việc ‘mời’ sự cộng tác của Việt Nam Thời Báo, trong việc mở chuyên mục, ví dụ như “Tiếng Dân” chẳng hạn. Nơi đó sẽ ghi nhận ý kiến, những bức xúc đa chiều của dân chúng, của những nhà hoạt động xã hội dân sự, những người yếu thế, người thân cô, thế cô…

Chính quyền TP.HCM sẽ lần lượt ‘đối thoại tử tế’ với từng ý kiến, cái nào góp ý đúng, chính quyền cần cầu thị tiếp thu; cái nào còn nhầm lẫn giữa đôi bên, thì sẽ ‘nói lại cho rõ’, tuyệt đối không sử dụng quyền lực chính trị để đẩy lên mức căng thẳng, hoặc đối kháng mang tính thù địch…

Tin bài liên quan:

VNTB – Ai đang đốt lửa?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đối thoại Thủ Thiêm: Vì sao vẫn chưa tìm được tiếng nói chung?

Phan Thanh Hung

VNTB – Các cuộc khảo sát ý kiến bỏ túi ở Việt Nam có thể không chính xác

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo