Võ Hàn Lam
(VNTB) – Cần hiểu chống Covid-19 không chỉ đơn thuần là bài toán dịch tễ mà còn là bài toán kinh tế và quản lý hệ thống xã hội trong điều kiện rất phức tạp mà không thể giải quyết bởi tư duy phong trào hay theo thói quen cháy nhà mới lo dập lửa.
Ông Nguyễn Hùng Phong (Boristo Nguyen), một nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nga, có bài viết trên tài khoản cá nhân https://boristonguyen.wordpress.com/ của ông rằng “Dịch bệnh càng bùng phát thì càng phải siết chặt, nhưng ngược lại vẫn phải lo làm sao để hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế, không để nói rơi vào khủng hoảng trầm trọng, doanh nghiệp phá sản, dân nghèo vào chốn đường cùng không còn kế sinh nhai. Làm được điều này khó hơn rất nhiều với việc chỉ dập tắt dịch bằng mọi giá…”.
Có lẽ cùng nhìn nhận đó, tin tức cho hay ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM vừa ký quyết định thành lập Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM.
Tổ tư vấn gồm 8 thành viên do TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam làm Tổ trưởng. Tổ phó là TS Trương Minh Huy Vũ, Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Các thành viên gồm: PGS.TS Trần Hoàng Hải, giảng viên cao cấp, quyền Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM; PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM; TS Nguyễn Ngọc Nhã Nam, VNTI và Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM; PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam và PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM.
Tổ tư vấn có nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể cho Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong để lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác chống dịch, phục hồi sản xuất góp phần thực hiện “mục tiêu kép”.
Tổ tư vấn được tham dự các buổi họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM (trực tiếp hoặc trực tuyến) và dự một số cuộc họp cần thiết về công tác phòng, chống dịch. Tổ tư vấn cũng được cung cấp thông tin liên quan đến tình hình dịch, phối hợp với Trung tâm Phân tích dữ liệu của TP.HCM để chuẩn hóa dữ liệu và hoàn thiện hệ thống dữ liệu liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
Trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm, Tổ tư vấn bảo đảm tính độc lập, khách quan, khoa học và chịu trách nhiệm về nội dung, ý kiến tư vấn, đề xuất.
Như vậy, việc đưa ra yêu cầu “bảo đảm tính độc lập, khách quan, khoa học và chịu trách nhiệm” cho thấy đây sẽ là một trong những điều kiện cần thiết mà người đứng đầu cơ quan hành chính của TP.HCM hướng tới – đó là phòng chống Covid-19 không chỉ đơn thuần là bài toán dịch tễ, mà còn là bài toán kinh tế và quản lý hệ thống xã hội trong điều kiện rất phức tạp mà không thể giải quyết bởi tư duy phong trào hay theo thói quen cháy nhà mới lo dập lửa.
Không thể hô hào chung chung về cả “hệ thống chính trị” vào cuộc, mà là đòi hỏi phải có tư duy hệ thống, xác định chính xác bài toán, chỉ ra được những vấn đề cần giải quyết để bố trí nguồn lực thực hiện và tìm hướng giải quyết, một cách đồng bộ. Tất cả những yêu cầu này buộc phải cần đến những tham vấn từ các chuyên gia chuyên ngành hẹp, không phụ thuộc vào ràng buộc ý thức hệ chính trị.
Đơn cử, trước đây chính quyền TP.HCM từng sai lầm khi duy ý chí, bất chấp gần như mọi khuyến cáo, mà cứ rập khuôn như Trung Quốc áp dụng với Vũ Hán, đó là chuyện thay vì cách ly là ở cách xa ra, đàng này lại đưa cả đám tập trung lại cùng ă.n,ỉ.a, tắm giặt, ho, thở chung trong cái phòng 30m2, phòng nọ sát phòng kia thì dịch không bùng lên, bệnh không nặng lên mới là chuyện lạ.
Giờ thì chính quyền TP.HCM ‘bắt chước’ như các nước phương Tây rồi: F0 nếu bị nhẹ thì ở nhà, bác sĩ của các phòng khám tư nhân lập nhóm hỗ trợ cho đơn thuốc và theo dõi qua điện thoại, chỉ có những trường hợp nặng (xác định qua các triệu chứng) mới được đưa đi bệnh viện.
Các đối tượng cần cách ly gọi là F1 đều tự cách ly tại nhà…