VNTB- Chính quyền vi phạm luật trong bồi thường, cưỡng chế dân Phường 22, Quận Bình Thạnh: Bí thư Đinh La Thăng làm gì?

Nguyễn Thiện Nhân
(VNTB) – 29 hộ dân còn lại ở khu đất cạnh Sài Gòn Pearl thấp thỏm lo âu vì UBND Quận Bình Thạnh đang có những động thái để tiếp tục cưỡng chế nhằm lấy nốt đất đai nhà cửa của họ giao cho chủ đầu tư kinh doanh cao ốc siêu lợi nhuận. Trước đó, vào tháng 12 năm 2015, chính quyền xua lực lượng 300 quân xuống đập nát dãy nhà 30 hộ liền kề trong đó có những hộ chưa chấp nhận đền bù.
Dãy nhà sắp bị cưỡng chế cạnh cao ốc Sài Gòn Pearl

Dự án xây nhà ở cao tầng Lô 13-14 tại phường 22, quận Bình Thạnh thực chất là dự án kinh doanh cao ốc được UBND Tp.HCM ra quyết định 1365/QĐ-UB ngày 02/04/2007 điều chỉnh quyết định 2720/QĐ-UB, giao dự án xây dựng nhà ở cao tầng cho Công ty Vinh Phát làm chủ đầu tư.
Chủ đầu tư không lộ diện, chính quyền thay mặt đứng ra “cướp đất”
Từ năm 2007 đến nay, chủ đầu tư vẫn giấu mặt, không lộ diện để tiếp xúc thỏa thuận với dân theo luật định. Thay vào đó là chính quyền năm nào cũng lập cái gọi là “ban vận động” nhiều thành phần đến nhà dân để thuyết phục ký nhận đền bù giá rẻ mạt. Sau đó là những lời đe dọa “không ký sẽ cưỡng chế”.
Đáng lưu ý là chính quyền cưỡng chế từng đợt, sau mỗi đợt lại tiếp tục đi “vận động” và “hù dọa” người dân, khiến người dân nản chí, mất niềm tin, đành cắn răng chịu thiệt thòi ra đi trong uất ức. Sự việc lập đi lập lại cho đến khi những kẻ nhân danh chính quyền “cướp” được toàn bộ đất đai, nhà cửa giá rẻ bèo giao cho “kẻ giấu mặt” xây cao ốc kinh doanh.
Chính quyền tiếp tục gây sức ép lên 29 hộ còn lại
Ông Trương Văn Chẳng

Ông Trương Văn Chẳng cho biết ông bị chính quyền hăm dọa: “không đi sẽ bị cưỡng chế thôi”, công an khu vực cũng đến bảo ông “nhận rồi đi đi, lo chỗ ở, nếu không sẽ bị cưỡng chế”. 


Video phỏng vấn ông Trương Văn Chẳng: https://www.youtube.com/watch?v=DScB7DW2Ggw&feature=youtu.be 


Ông kể rõ rằng ngày 9.8.2016 Ban vận động có đến gặp ông thuyết phục ông nhận đền bù giá khoảng 17trđ/m2 trong khi thị trường 100trđ/m2 nên ông không chịu, ông nói Ban bồi thường GPMB áp đặt giá bồi thường theo đơn giá năm 2009, tổng số tiền đền bù chỉ 1,2 tỷ đồng không đủ cho ông mua nhà nơi khác ổn định cuộc sống. Buổi làm việc có ghi biên bản nhưng chính quyền chưa giao biên bản cho ông.
Theo Báo cáo số 330/BC-UBND của UBND Phường 22 ngày 11/08/2016 thì kết quả vận động có 3/29 hộ đồng ý giao mặt bằng, 1/29 hộ đồng ý giao kèm điều kiện tái định cư, 25/29 hộ không đồng ý.
Động thái trên là một sự lập lại của thủ đoạn trước đây của chính quyền nhằm gây sức ép các hộ dân nhận bồi thường với mức giá áp đặt không thỏa đáng để sau cùng cưỡng chế những hộ còn lại.
Một đoạn video clip mà người dân ghi lại cho thấy hồi tháng 12/2015 một lực lượng cưỡng chế hàng trăm người rầm rập đổ xuống đập nát dãy nhà 30 căn để giao chủ đầu tư kinh doanh ao ốc, dãy nhà 30 căn đã bị đập này đối diện với dãy nhà 29 hộ dân còn lại đang bị vận động.
Ông Nguyễn Văn Ân cho biết trước khi cưỡng chế hồi tháng 12/2015, chính quyền Quận Bình Thạnh đã lập ra cái gọi là “Ban vận động” đi từng nhà để thuyết phục các hộ dân nhận tiền đền bù, thành phần “Ban vận động” gồm cán bộ MTTQ, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, chi bộ đảng, công an. Sau khi vận động nhiều lần kéo dài nhiều năm kèm theo những lời hăm dọa thì có 18/30 hộ đồng ý di dời, còn 12 hộ trụ lại, đến gần ngày cưỡng chế, tiếp tục có 8 hộ nữa đồng ý di dời, chỉ còn 4 hộ bị chính quyền đem lực lượng xuống cưỡng chế ngày 15/12/2015. Hiện tại, 30 căn nhà đã bị san bằng, chỉ còn bãi đất trống bị chính quyền rào lại.
Tháng 8/2016, áp dụng thủ đoạn cũ, chính quyền Quận Bình Thạnh giao cho UBND Phường 22 tiếp tục đi vận động và hăm dọa hòng chuẩn bị cưỡng chế nốt những hộ không chịu nhận tiền bồi thường, đẩy họ ra đường như đã từng làm với 30 hộ dân phía đối diện trước đó.
UBND Quận Bình Thạnh vi phạm pháp luật và bất chấp truyền thông báo chí

UBND Quận Bình Thạnh có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, móc ngoặc với nhà đầu tư để “cướp đất” đẩy 138 hộ dân ra đường. Sự việc đã được VNTB vạch trần đưa lên công luận ngày 15.2.2016 qua bài: “Bình Thạnh – Tp.HCM ức hiếp dân oan: Trăm tỷ chênh lệch chui vào đâu?” tại link: http://www.ijavn.org/2016/02/vntb-binh-thanh-tphcm-uc-hiep-dan-oan.html

Khoản 2a Điều 9 Nghị định 197/2004/NĐ-CP, qui định trường hợp thực hiện bồi thường chậm do lỗi của chính quyền thì giá bồi thường phải được tính tại thời điểm trả tiền bồi thường. Thế nhưng, tại thời điểm năm 2016 chính quyền vẫn vận động dân nhận bồi thường theo đơn giá phê duyệt năm 2009. Cộng với việc chính quyền chỉ bồi thường 60% nên chênh lệch giá bồi thường và giá thực tế đến hơn 5 lần.
Riêng những hộ có đất nông nghiệp không được bồi thường mà chỉ bồi thường phần thổ cư thì thiệt hại còn nhiều hơn.
Thống kê lại, UBND Quận Bình Thạnh đã vi phạm Luật đất đai 2003 và Nghị định 197/2004/NĐ-CP, những sai phạm cụ thể như sau:
          Không bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất như qui định của pháp luật.
          Không tái định cư cho dân theo đúng qui định của pháp luật.
          Dự án kinh doanh nhà ở cao tầng nhưng không yêu cầu nhà đầu tư gặp người dân, UBND Quận lại đứng ra quyết định giá bồi thường và tổ chức cưỡng chế.
          Năm 2011-2012, ra quyết định cưỡng chế khi còn 55/138 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng và đang trong quá trình khiếu kiện.
          Giải quyết khiếu kiện của người dân chưa tuân thủ đúng pháp luật (theo Báo thanh tra)
          Không tuân thủ công văn số 2111/TTCP-C.III ngày 27/8/2012 của Thanh tra chính phủ về việc giải quyết khiếu nại và tái định cư cho dân.
          Dự án kéo dài và bị dân khiếu kiện do lỗi của chính quyền nhưng tại các năm 2011 – 2016 lại áp giá bồi thường năm 2009 (vi phạm Nghị định 197/2004/NĐ-CP).
          Không bồi thường đất nông nghiệp và chỉ bồi thường 60% đất thổ cư là vi phạm pháp luật vì các hộ dân đều sử dụng đất ổn định từ những năm 80 (theo qui định của luật đất đai 2003, đất sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 chưa có sổ đỏ vẫn được bồi thường)
          Sai phạm kéo dài, không sửa sai lại sai phạm tiếp.
          Cho người hăm dọa người dân, ép nhận tiền bồi thường giá chỉ bằng khoảng 17% – 20% giá thị trường.
Sự bất minh và một số sai trái của chính quyền quận Bình Thạnh đã được Báo Pháp luật&đời sống, Báo thanh tra, Báo lao động đăng tải nhưng bị UBND Quận Bình Thạnh xem thường, không sửa sai, lại tiếp tục sai phạm.
Như vậy việc thông đồng “cướp đất” của dân giữa nhà đầu tư và chính quyền dưới hình thức thu hồi đất đền bù giá rẻ mạt diễn ra ngang nhiên, trắng trợn. Người dân khiếu nại kêu cứu nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng.
Bí thư Đinh La Thăng làm gì?
Ông Chẳng cho biết các hộ dân đã gửi đơn khiếu kiện lên UBND Quận Bình Thạnh, Thành Ủy Tp.HCM, MTTQ Tp.HCM và HĐND Tp.HCM nhưng chưa giải quyết.

Thực tế, những lá đơn khiếu nại của họ bị chuyển đi lòng vòng rồi chìm vào quên lãng. Việc sai trái của UBND Quận Bình Thạnh vẫn cứ tiếp tục diễn ra, kéo lê theo ngày tháng, và cuối cùng là cho lực lượng đến cưỡng chế từng đợt, từng đợt…những căn nhà của dân đổ xuống nát vụn, người dân bị đẩy ra đường, đất đai vào tay trọc phú, lợi nhuận được trích phần cho quan chức. Tiếng kêu oán than cùng những bước chân đi khiếu kiện, người dân mất đất sống mòn sống mỏi theo thời gian.

Qua báo chí, tivi, người dân biết được Bí thư Đinh La Thăng lập đường dây nóng và tiếp nhận các đơn kêu cứu do bị oan sai. Vì thế, những lá đơn kêu cứu được các hộ dân ký tên đã gửi đến Bí thư Đinh La Thăng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2016. Nội dung thư “Xin Bí thư Đinh La Thăng hãy cứu chúng tôi” và tố cáo lãnh đạo UBND Quận Bình Thạnh cấu kết với Công ty TNHH Nông Sản Vinh Phát cưỡng chế thu hồi đất trái luật. Thư có đề cập đến những sai trái của UBND Quận Bình Thạnh trong việc áp giá đền bù không đúng, không tái định cư cho dân, hăm dọa, tổ chức cưỡng chế sai luật…

Lời cuối trong một lá đơn viết: “Hãy cứu chúng tôi. Chúng tôi mong muốn được đối xử công bằng, đúng luật, mong muốn quyền lợi hợp pháp được chính quyền tôn trọng và bảo vệ. Cầu mong Bí thư Đinh La Thăng quan tâm giải quyết.

Người dân Phường 22 bị thu hồi đất đang sống trong tình trạng thấp thỏm lo âu. Nếu chính quyền làm đúng luật thì người dân đâu phải khổ đến như thế. Cùng đường, dân oan phải gửi thư kêu cứu đến Bí thư Đinh La Thăng với một sự hy vọng còn có thể.

Liệu công lý có được thực thi hay không? Câu hỏi đang chờ Bí thư Thăng trả lời.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)