Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chờ đến bao giờ?

Diệp Chi

 

(VNTB) – Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, hàng nghìn nhân sự đã và đang đứng trên bờ vực của việc thanh lý hợp đồng. Những cụ già U90 vẫn phải miệt mài kiếm sống…

 

Số liệu chính thức rất đẹp

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2024 vừa diễn ra vào tuần trước, các chuyên gia của VEPR đánh giá, nửa đầu năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam phục hồi khá, quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, dự báo quý II/2024 đạt 6% và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,8%. Tuy nhiên, tốc độ vẫn chậm và thấp hơn khoảng 1% so với mức tăng trưởng tiềm năng trước đại dịch Covid-19.

Dựa trên phân tích dữ liệu quá khứ và mô hình lập trình tài chính, VEPR dự báo 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2024. Cụ thể, theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP 2024 ở mức 5,85%, lạm phát ở mức 4,5%, VND bình quân năm mất giá ở mức 5-6%, giải ngân đầu tư công đạt mục tiêu đề ra, đầu tư nước ngoài không có biến động bất thường trong nửa cuối năm.

Theo kịch bản điều chỉnh chính sách, tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 6,01% với điều kiện có chính sách giảm chênh lệch lãi suất VND trong nước và các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch lãi suất huy động giữa VND và USD, tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD, tăng trưởng đầu tư công và tư tốt hơn nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 5%.

 

Người lao động bế tắc

“Em nằm trong danh sách bị sa thải nè. Trước đó, là giảm lương, lương 6.5 triệu, có người giảm 1.2 triệu, có người giảm 1.5 triệu. Chị nghĩ coi, với mức lương 5 triệu mấy, sống phải tiết kiệm chi li từng chút một, mà có việc thì cũng còn hơn thất nghiệp. Bởi vì quá khó khăn, có hơn hàng ngàn nhân viên cũng bị cho nghỉ, không tái ký hợp đồng lại. Nghĩ thì buồn nhưng nếu nghĩ tích cực thì đây cũng là tình trạng chung của nhiều nơi, người ta cho nghỉ cả chục ngàn nhân viên, bên mình có một ngàn là cũng đỡ hơn nhiều rồi”, một nhân viên làm việc trong nhà máy bộc bạch chia sẻ trong lúc nghỉ ngơi.

“Lúc trước là làm gần như full luôn, thậm chí còn có cả tăng ca, giờ ngày làm ngày nghỉ. Mà mình còn gia đình, còn vợ con, cũng phải lo. Đã nghèo còn mắc cái eo, vợ làm công nhân, cũng nằm trong diện danh sách bị thất nghiệp luôn. Mà đủ thứ chi phí sinh hoạt nên giờ ngoài việc làm ở xưởng, mình làm thêm công việc chạy Grab để kiếm sống. Được nhiêu hay nhiêu”, anh Ba chia sẻ.

“Công nhân bị cho nghỉ việc, rồi họ về quê, họ kiếm sống. Mình buôn bán ở đây cũng bị ảnh hưởng. Mình bán theo công nhân mà. Có công nhân mình mới bán được. Càng nhiều công nhân thì mình bán càng dễ hơn. Thành ra, nhiều lúc, nghe mấy đứa công nhân quen ở đây nó tâm sự dù được đền bù cũng khá nhưng buồn vì thất nghiệp, vợ sắp sinh nữa. Mình cũng buồn lây luôn, vừa buồn cho hoàn cảnh của tụi nó, vừa buồn cho những ngày sắp tới của mình”, bà Út, buôn bán gần khu công nghiệp chia sẻ.

Ở lứa tuổi 85, vẫn chăm chỉ mưu sinh kiếm sống, bà Hoa nói rằng, nếu không làm, lấy gì mà sống? “Thời buổi giờ không làm lấy gì mà sống? Lấy tiền đâu mà trả mấy cái chi phí? Nên già cũng phải ráng buôn bán. Cũng có người hỏi tui, sao không cậy nhờ bà con, họ hàng? Người khác thì tui không biết chứ như tui, họ hàng có tiền thì họ đến, còn không tiền thì họ chẳng thèm đếm xỉa gì mình đâu”.

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn do sức cầu tiêu dùng suy yếu, hàng nghìn nhân sự đã và đang đứng trên bờ vực của việc thanh lý hợp đồng. Một số chọn phương án về quê với mức sống thấp hơn, tạm rời xa nơi xô bồ của phố thị. Một số khác cố gắng bám trụ chờ ngày kinh tế hồi phục.

Chờ hoài, chờ mãi, cũng chẳng biết chờ đến bao giờ…

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Định hình việc hỗ trợ người lao động

Phan Thanh Hung

VNTB – Cắt chức vài người để cắt lỗ?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đội quân “rớt mồng tơi” ở nhiệm kỳ 3 của Nguyễn Phú Trọng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo