Út Sài Gòn
(VNTB) – Ngay cả bề trên chót vót đi nữa, xin đừng quên, quan nhất thời nhưng dân là vạn đại…
TP.HCM đã và đang giãn cách xã hội dài ngày. Dù chuẩn bị trước tinh thần cũng như lương thực, tiền bạc nhưng nhiều người dân rất ngán ngẩm trước tình hình này. Vòng tuần hoàn gia hạn giãn cách, xét nghiệm gần như là liên tục trong đợt này. Trong khi đó, tin tức vaccine cho mũi 2, càng đọc càng thấy lo lắng, không biết rằng sẽ có kịp vaccine để mà chích hay không?
Báo chí phản ánh lời của chuyên gia; truyền hình ghi nhận ý kiến của người dân; làng xóm người dân ca thán việc đi xét nghiệm kháng nguyên bằng phương pháp chọt lỗ mũi; facebooker lo ngại việc lây nhiễm thông qua công cuộc xét nghiệm; rồi chi phí xét nghiệm…. Thế mà “ai kia”, cựu trưởng ban phòng chống dịch Covid19 quốc gia vẫn làm… ngơ….
– Thiệt chán ơi là chán.
– Sao lại chán nữa rồi chị Bảy. Hết tiền mua đồ ăn hay sao vậy?
– Tiền hết thì cũng là lẽ đương nhiên rồi anh Út. Nói gì thì nói, từ tháng 7 tới giờ, cho dù có chuẩn bị 60 – 70 chục triệu đi chăng nữa, nhưng với gia đình 5 – 6 miệng ăn, ở nhà không ăn thì ngủ, có đi ra đường đi làm đâu, trụ được tới giờ, không xin xỏ Nhà nước một đồng nào, là cũng tốt lắm rồi. Mà giờ nếu mà 30 tháng 9 thật sự mở thì nhà tui ráng ăn nhín một tí cũng được. Biết rằng làm vậy sẽ suy giảm sức đề kháng, không Covid thì cũng bệnh khác, nhưng thôi, đành chấp nhận. Cái tui chán là chán cái khác.
– Thế chị chán cái gì?
– Thì ba cái vụ xét nghiệm chứ gì nữa, làm gì làm hoài.
– À, vụ xét nghiệm thần tốc mới phát động đây từ giờ tới 30 tháng 9. Hình như đâu chỉ thành phố mình, Đồng Nai, Bình Dương cũng có mà.
– Thì đó. Mắc giống ôn giống dịch gì mà xét xét hoài. Chọt người ta chưa đủ hay sao? Mà tui để ý nha, sao thằng cha Đam đi chỗ nào là chỗ đó chuẩn bị xét nghiệm thế? Ổng lên Bình Dương ngó ngó cái gì đó, rồi qua Đồng Nai, rồi lại không biết có nói gì không, thành phố đang từ không nên xét nghiệm diện rộng lại đi xét nghiệm đến 30 tháng 9? Lúc đầu thì cũng bình thường, càng lúc sao càng thấy trùng hợp đến mức lạ kỳ vậy nè.
– Chị nói tui cũng để ý. Quá rõ ràng, chính quyền thành phố hiểu rõ nhất tình hình như thế nào, người dân cần cái gì, nhưng nhiều lần đưa ra chính sách, rõ ràng có lợi cho dân. Tự dưng sau đó lại đổi 180 độ. Khó khăn hơn. Nhưng mà gì thì gì, tui thấy ông phó thủ tướng nhà mình cũng chịu khó đi thăm hỏi dân.
– Ờ, tiếp xúc với F0 còn đi lang thang, đi hết tỉnh này đến tỉnh khác. Đi sao mà người ta không tính xét nghiệm, thành xét nghiệm luôn. Để xét nghiệm tức là có nghi gì đó, hay có F0. Mà hình như tui thấy người dân mình có nói, cũng thừa thãi à anh Út ơi…
– Là sao chị?
– Anh không để ý hả, dân muốn mở cửa từ sớm, nhất là dân nghèo, chạy ăn từng bữa. Đồng ý là anh hỗ trợ nhưng nếu anh mở cửa, cho người dân tự đi kiếm cơm, còn hơn hỗ trợ nhiều. Thực tế thì sao, hai tuần thêm hai tuần.
Đồng ý, cố gắng một thời gian nữa. Vậy thì các chuyên gia kêu nên sống chung với dịch hay sống cùng với virus, mở cửa đi; không nên xét nghiệm diện rộng nữa, cũng chẳng có ích gì.
Nói theo kiểu dân gian, người dân nói như “chó sủa ma” ấy. Tất cả những cái góp ý như muối bỏ biển, cũng chẳng ai tiếp thu.
– Nhưng đến khi có thành tựu, chẳng biết có “anh hùng” nào đúng ra lãnh công không nhỉ?
– Thì đó. Cuối cùng thì dân nghèo, lao động bình dân vẫn là người thiệt thòi nhất xứ.
– Ui mà chị ơi, cũng chẳng có gì đáng buồn. Tui nhớ lúc trước báo có đăng, ngay cả phó chủ tịch thành phố nói mà cái ông không sinh ra và lớn lên ở thành phố còn không thèm nghe, cãi lại nữa mà. Huống hồ chi là dân.
– Anh nói sao, Việt Nam là đất nước của dân, do dân, vì dân mà. Và cũng đừng quên, quan nhất thời nhưng dân là vạn đại…