Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chơi khăm chữ nghĩa

Lâm Viên

(VNTB) – Nếu ‘nhận hối lộ’ là ‘tham nhũng’, và lời nhận xét của Tổng bí thư, Chủ tịch nước mà báo Tuổi Trẻ đã trích dẫn là đúng, thì cả nền pháp chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã bị ‘troll’ một cú quá mạng…

Chơi khăm là khẩu ngữ, có nghĩa bày ra những trò ác ngầm để hại, hoặc trêu ghẹo người khác, kiểu như bị chơi khăm một vố. Đồng nghĩa với ‘chơi khăm’ là ‘chơi xỏ’.

Nói theo ngôn ngữ thế giới mạng hiện nay, thì ‘chơi khăm’ có nghĩa là ‘troll’ một ai đó thông qua trích dẫn lời nói, hình ảnh… nhằm đem lại tiếng cười cho mọi người. ‘Troll’ theo nghĩa tiếng Anh có nghĩa là người khổng lồ độc ác, hoặc trong thần thoại Bắc Âu là chú lùn ranh mãnh. Trong truyện cổ tích Anh-Mỹ, ‘troll’ lại là một con vật thường sống dưới gầm cầu, và thường nhảy ra đòi ăn thịt người qua đường.

Trở lại với Việt Nam.

“Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Lần đầu tiên xử được tội nhận hối lộ” là tựa một bài báo trên tờ Tuổi Trẻ Online, phát hành vào đầu giờ chiều ngày 30/12/2019. Ngay sau phần tít, bài báo viết: “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định như vậy tại hội nghị Chính phủ với các bộ ngành, địa phương sáng 30-12” – [https://tuoitre.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-lan-dau-tien-xu-duoc-toi-nhan-hoi-lo-20191230124935204.htm].

Với nhận định trên của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, cho thấy lâu nay có lẽ cả nền luật pháp của Việt Nam đã bị bởn cợt, nhất là ở tội danh nhận hối lộ.

“Ngày 25-1, tại trại giam B34 Bộ Công an (Q.1, TP.HCM), Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông – Tây và môi trường nước TP.HCM) về tội “nhận hối lộ” theo điều 279 Bộ luật hình sự”, phần mở đầu của bài báo có tựa “Khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ về tội nhận hối lộ” trên tờ Tuổi Trẻ Online, phát hành lúc gần nửa đêm 25/1/2010 – [https://tuoitre.vn/khoi-to-ong-huynh-ngoc-si-ve-toi-nhan-hoi-lo-360611.htm].

Ngày 18/10/2010, tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ án tù chung thân với tội danh “nhận hối lộ”. Sau đó, ngày 1/9/2011, Tòa phúc thẩm tòa án Nhân dân Tối cao tại TP.HCM đã tuyên giảm hình phạt từ chung thân xuống còn 20 năm đối với ông Huỳnh Ngọc Sỹ – [https://vnexpress.net/phap-luat/huynh-ngoc-si-duoc-giam-an-con-20-nam-tu-2204312.html].

“28 tháng tù cho các kiểm toán nhận hối lộ” là tựa của bài báo trên tờ Nhân Dân Online, phát hành lúc hơn 11 giờ ngày 29/06/2012. Đoạn kết bài báo viết: “Đây là vụ án được đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay tại Quảng Ngãi” – [https://www.nhandan.com.vn/phapluat/item/1671002-.html].

“Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Lần đầu tiên xử được tội nhận hối lộ” là tựa một bài báo trên tờ Tuổi Trẻ Online, phát hành vào đầu giờ chiều ngày 30/12/2019, có đoạn dẫn lời trực tiếp của ông Nguyễn Phú Trọng: “Chưa bao giờ chúng ta xử được tội nhận hối lộ, như trước đây toàn là thiếu trách nhiệm và vi phạm việc nọ việc kia, gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng chưa bao giờ chúng ta thu được tài sản lớn như thế. Vụ AVG thu được cho Nhà nước số tròn là 8.500 tỉ đồng”.

Như vậy, không dám ‘hỗn hào’ và ‘phản động’ gọi đó là chứng ‘lú lẫn của tuổi già’, tạm coi như nhận xét của ông Trọng chỉ đúng ở mỗi phần ‘thu được tài sản lớn như thế’. Bởi ông Trọng không bị ‘lú lẫn’ nên điều này còn cho thấy ở Việt Nam, việc ‘nhận hối lộ’ không hẳn là ‘tham nhũng’.

Chuyên trang giáo dục đào tạo phòng chống tham nhũng của cơ quan Thanh tra Chính phủ, có dẫn định nghĩa về tham nhũng (trích): “Theo nghĩa rộng, tham nhũng được hiểu là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi. Tài liệu hướng dẫn của Liên hợp quốc về cuộc đấu tranh quốc tế chống tham nhũng (năm 1969) định nghĩa tham nhũng trong một phạm vi hẹp, đó là sự lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng…

Theo nghĩa hẹp và là khái niệm được pháp luật Việt Nam quy định (tại Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005), tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Người có chức vụ, quyền hạn chỉ giới hạn ở những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống chính trị; nói cách khác là ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách, vốn, tài sản của Nhà nước” – [http://thanhtra.gov.vn/ct137/Lists/LTaiLieu/View_Detail.aspx?CatID=-1&ItemId=9&LVC=6&CapChaId=4]

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy, năm 2019 đã có 30 người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và có 3 người đứng đầu bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 423 vụ án với 1.073 bị can phạm tội về tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 220 vụ với 515 bị can – [http://www.thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/ThongBao/View_Detail.aspx?ItemId=323]

Nếu ‘nhận hối lộ’ là ‘tham nhũng’, và lời nhận xét của Tổng bí thư, Chủ tịch nước mà báo Tuổi Trẻ đã trích dẫn là đúng, thì cả nền pháp chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã bị ‘troll’ một cú quá mạng…

Nếu không phải ‘troll’ thì nội dung ở bản tin trên tờ Hà Nội Mới, số phát hành ngày 3/12/2019, “Hà Nội: Xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều án trọng điểm, án tham nhũng”, không khéo sẽ là chuyện đơm đặt, tâng bốc nhau cho kiểu báo cáo thành tích lúc năm hết, tết đến -[ http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/951949/ha-noi-xet-xu-kip-thoi-nghiem-minh-nhieu-an-trong-diem-an-tham-nhung]

Tin bài liên quan:

VNTB – Có thật là ông Nguyễn Phú Trọng ‘nói đi đôi với làm’?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tập Cận Bình đắc cử Chủ tịch nước Trung Quốc nhiệm kỳ 3

Do Van Tien

VNTB – Làm sao chia sẻ khi không tương đồng về thể chế chính trị?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo