Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chống đại dịch virus corona: Đóng cửa biên giới là vấn đề sống còn

Nguyễn Tường Thụy

 

(VNTB) -Chỉ đến khi ông Phạm Bình Minh ngoại trưởng giải thích lý do tại sao không thể đóng cửa biên giới Việt Trung, dân chúng mới ngã ngửa ra là VN (Việt Nam) đã buông bỏ chủ quyền. Ông ta giải thích việc đóng cửa biên giới phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương.

Ông nói trong bối cảnh báo chí và dư luận yêu cầu chính phủ đóng cửa biên giới Việt Trung và trong khi một loạt nước đã đóng cửa biên giới với TQ (Trung Quốc) hoặc cấm công dân TQ hay công dân nước nào đã từng ở TQ trong thời gian gần đây nhập cảnh vào nước họ. Đó là các quốc gia  Nepal, Singapore, Mông Cổ, Malaysia, Philippines, Kazakhstan, Nga, Mỹ, New Zealand, Nhật. Triều Tiên là nước có nhiều thâm tình nhất với TQ lại là nước đóng cửa biên giới với TQ sớm nhất, ngay từ hôm 22/1/2020.

Ông Phạm Bình Minh giải thích phải có thỏa thuận với TQ, còn dân thì không biết phía VN đã “đề nghị” phía TQ chưa, hay “đề nghị” rồi mà TQ chưa chấp thuận?.

Tại sao VN lại phải ký một hiệp ước tự trói buộc mình như thế? Trong khi các nước kể trên họ thấy cần là đóng, chẳng phải xin phép ai cả. Nếu thế, đây là hiệp ước cực kỳ vô nguyên tắc.

Ngược lại, giả sử TQ muốn đóng cửa biên giới với VN thì có khó khăn như vậy không, có cần xin ý kiến phía VN không? Nếu họ có hỏi ý kiến, phía VN có đủ can đảm lắc đầu nếu không muốn không?

Ông Phạm Bình Minh giải thích thì thế. Tuy nhiên tìm hiểu Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc,  khoản 3 điều 5 qui định: “Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ”.

Như vậy, Hiệp định không có chuyện phải “thỏa thuận” với phía bên kia như ông Phạm Bình Minh nói mà chỉ phải “thông báo”.

Điều này có thể giải thích như sau:

Hoặc là Phạm Bình Minh lơ mơ không hiểu rõ Hiệp định;

Hai là vì nhún nhường quá mà phía VN không dám áp dụng đúng tinh thần của Hiệp định, tự mình lùi xuống  mức phải xin ý kiến TQ và đợi TQ đồng ý.

Để ngăn chặn dịch bệnh lan từ quốc gia nọ sang quốc gia kia, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là đóng cửa biên giới. Còn trong phạm vi một quốc gia, việc đầu tiên là cách ly người bệnh. Đó là biện pháp hàng đầu và hiệu quả nhất. Việc vẫn để ngỏ biên giới không phải là chuyện nhường cơm sẻ áo, không giúp được bạn bớt đi số người nhiễm bệnh mà chỉ giúp virrus conosa phát tán qua biên giới mà thôi. Không giống như trong chiến đấu, sống cùng sống, chết cùng chết. Trong chiến đấu vào lúc hiểm nguy, không bỏ đồng đội là để tăng cường thêm sức kháng cự, còn trong dịch bệnh ôm nhau để cùng chết chỉ là rồ dại.

Với việc đóng cửa biên giới, không cần phải e ngại quá mức như thế. Chắc phía TQ cũng hiểu và không nỡ cho rằng VN “hai lòng” dù họ có hẹp hòi đến mấy, vì đây là vấn đề dịch bệnh. Không hiểu vì yêu quá hay vì sợ quá mà nhà phía VN không dám?.

Đây là vấn đề toàn dân đang quan tâm lo lắng. Vào lúc này, những ai kêu gọi đóng cửa biên giới Việt Trung có thể bị cho là phản động, là phá hoại “tình hữu nghị Việt Trung” nhưng chắc nhà cầm quyền không thể trì hoãn được mãi.

*

Vào ngày 30/1 có một thông tin như sau:

“Nghiên cứu mới nhất của Liang Zhuowei, trưởng khoa Y của Đại học Y Hồng Kông, chỉ ra rằng coronavirus mới của bệnh viêm phổi Vũ Hán đang gia tăng với tốc độ tăng gấp đôi sau mỗi 6 ngày”.

Tuy nhiên, chu kỳ để số người nhiễm tăng gấp đôi qua thực tế tuần qua không đến 6 ngày. Hãy xem bảng theo dõi sau:

 

Số người nhiễm-tử vong vì virus corona

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Qua đó, có thể thấy chỉ sau 4 ngày số bị nhiễm tăng gấp đôi chứ không phải 6 ngày. Nếu lấy con số nhiễm của ngày 31/1 là 9816 người và làm một phép tính đơn giản thì để lây nhiễm toàn thế giới với số dân 7,7 tỉ người chỉ mất có 80 ngày.

Về số tử vong, qua bảng theo dõi thấy cũng sau khoảng 4 ngày ngày số tử vong tăng gấp đôi và với tốc độ như thế nếu làm một phép tính tương tự thì chỉ 100 ngày sau loài người bị tiêu diệt.

Trong khi qua theo dõi thì con số nhiễm bệnh hay số đã tử vong cứ lầm lũi tăng một cách khá “ổn định”, cứ 4 ngày tăng gấp đôi. Nó như những cấp số nhân mà công bội xoay quanh con số 1,2.

Lưu ý là số liệu do báo chí VN lấy thông tin do phía TQ công bố. Còn thực tế có thể bị giấu giếm đi rất nhiều.

Đọc thêm: Số ca nhiễm virus Vũ Hán chỉ là ‘phần nổi của tảng băng chìm’

Tính toán như thế để mọi người thấy tính vô cùng nguy hiểm của dịch Vũ Hán. Nếu không tìm ra được vắc-xin điều trị và có biện pháp ngăn ngừa thì hậu quả thật khủng khiếp.

*

Trở lại vấn đề đóng cửa biên giới, quan chức nhà ta cho rằng chưa đến lúc. Vậy lúc nào mới đến lúc khi thiên hạ đều đã đóng cửa biên giới? Đây là điều vô cùng lạ lùng từ phía VN.

Nếu vét hàng để tặng hàng vạn khẩu trang cho TQ, khiến mặt hàng này ở VN trở nên khan hiếm giá tăng cao còn chấp nhận được.

Nếu ủng hộ TQ 600 nghìn USD chống dịch trong khi VN còn rất nghèo, điều này còn chấp nhận được.

Nếu VN bị nhiễm 1 để bớt đi cho TQ 1 người bị nhiễm, điều này vẫn còn đỡ.

Nhưng nếu để toang cửa biên giới để cùng nhiễm dịch thì là tư duy điên rồ.

Khoanh vùng, cách ly dịch bệnh là biện pháp đầu tiên mỗi khi có dịch bệnh. Tính mạng con người quan trọng hơn tất cả, hơn lợi ích kinh tế và những lợi ích khác. Vì vậy, không thể dùng tính mạng con người phục vụ cho lợi ích kinh tế hay những lợi ích khác nếu không phải chiến tranh. Với đại dịch virus corona đang hoành hành thì đóng cửa biên giới là vấn đề sống còn đối với VN. Nhà nước Việt Nam không có lý do gì để chần chừ trong việc này.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Tội cho ông phó Hội đồng Lý luận Trung ương

Phan Thanh Hung

VNTB – Đối thoại nhân quyền có đem lại hiệu quả?

Phan Thanh Hung

VNTB – 9 Nạn nhân buôn người bị thiệt mạng ở Trung Quốc

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo