VNTB – Chủ nghĩa Cộng sản không phù hợp với thời đại

VNTB – Chủ nghĩa Cộng sản không phù hợp với thời đại

 

Hạo Nhiên

 

(VNTB) – “Sai lầm lớn nhất của những người theo chủ nghĩa Marx và của cả thế kỷ 19 là nghĩ rằng cứ đi thẳng về phía trước thì sẽ bay lên thiên đàng cộng sản”.

 

Cho đến nay người ta không còn nghi ngờ về việc Chủ nghĩa Cộng sản không phù hợp với thời đại và thật sự là một tệ nạn nguy hiểm.

Ngay từ Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917, tiếp theo là những cuộc khủng bố do Lenin phát động và Stalin làm bùng lên thêm sự khiếp sợ với sự giết hại hoặc bỏ đói hàng triệu người dân Nga hiền lành,kèm theo là sự điều hành quốc gia theo kiểu bảo thủ, kém thông minh, tệ hại, tham nhũng dẫn đến sự sụp đổ của khối Xô Viết, lại nữa, những thay đổi bắt buộc của Trung Quốc, Việt Nam để duy trì đảng dưới mặt nạ cộng sản và ghế ngồi của các lãnh tụ khiến cho phần còn lại của thế giới xác định sự kết thúc phải đến của Chủ nghĩa Cộng sản.

Nhiều nhận định tốt về Chủ nghĩa Cộng sản đã được chia sẻ, không chỉ bởi những người theo chủ nghĩa xã hội, mà thậm chí bởi một số người bảo thủ, vào những năm 1940 khi chủ nghĩa cộng sản lan rộng, phổ biến hầu hết châu Âu, và nhiều nước có khuynh hướng, hay theo cộng sản. Kết luận lúc đó thừa nhận rộng rãi vai trò của Nhà Nước phải bảo đảm công bằng xã hội và kinh tế cũng như lập kế hoạch phát triển xã hội theo nguyên tắc tiến bộ và bình đẳng hơn.

Ngày nay, chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử mới. Bất bình đẳng đã tái xuất hiện. Trong khối Tư Bản cũng đang xảy ra nhiều vấn đề khiến xã hội bất ổn,sợ hãi, tuy nhiên cũng kèm theo hy vọng. Trong khối cộng sản bây giờ, Trung quốc, Việt Nam, Cuba và đặc biệt tại Bắc Hàn tình trạng xã hội còn tệ hại hơn nữa. Tại Trung quốc, Việt Nam nhờ phát triển kinh tế theo hướng tư bản, người dân bình thường khó nhìn thấy những băng hoại xã hội và các thay đổi của chế độ theo hướng tiêu cực.

Lý thuyết Cộng sản tóm tắt trong một câu duy nhất: Xóa bỏ chế độ tư hữu.

Tuyên bố táo bạo và đơn giản này được chi tiết khi Marx và Engels đưa ra một loạt đề xuất chính sách trong tuyên ngôn mà, như họ nói, là thực tế và được điều chỉnh cho phù hợp với thời gian và hoàn cảnh địa phương.

Những biện pháp sau đây áp dụng khá phổ biến khi cộng sản chiếm được quyền cai trị:

1.Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao tô vào ngân sách nhà nước.

2. Áp dụng thuế luỹ tiến cao.

3. Xoá bỏ quyền thừa kế.

4. Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và những kẻ phiến loạn.

5. Tập trung tín dụng vào tay nhà nước thông qua một ngân hàng quốc gia với tư bản của nhà nước và ngân hàng này sẽ nắm độc quyền hoàn toàn.

6. Tập trung tất cả các phương tiện vận tải vào trong tay nhà nước.

7. Tăng thêm số công xưởng nhà nước và công cụ sản xuất; khai khẩn đất đai để cấy cầy và cải tạo ruộng đất trong một kế hoạch chung.

8. Thực hành nghĩa vụ lao động đối với tất cả mọi người, tổ chức các đạo quân công nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp.

9. Kết hợp nông nghiệp, thi hành những biện pháp nhằm làm mất dần sự khác biệt thành thị và nông thôn.

10. Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xoá bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất.

Tại Việt Nam, những biện pháp này được áp dụng triệt để khi cộng sản chiếm miền Bắc và sau đó tại Miền Nam. Ký ức và kinh nghiệm đau đớn này hiện còn tươi rói với người trưởng thành.

Lạc quan của những nhà lãnh đạo cộng sản khi thi hành 10 điều Marx dậy được Simone Weil chỉ ra, “Sai lầm lớn nhất của những người theo chủ nghĩa Marx và của cả thế kỷ 19 là nghĩ rằng cứ đi thẳng về phía trước người ta sẽ bay lên thiên đàng cộng sản”.

Bây giờ, sau hơn 170 năm, rõ ràng nhiều đề xuất trong số này không thành hiện thực. Tệ hơn, có những đề xuất đã nắm được hoàn toàn, nhưng lại phải nhả ra, thí dụ như hệ thống ngân hàng. Lại nữa, có nhiều đề xuất không thể thực hiện nổi, phải trở lại như các định chế của xã hội cũ mà họ cố gắng phá bỏ, như bỏ độc quyền sở hữu công cụ sản xuất.

Các đề xuất khác, nếu cố gắng thực hiện thì tình hình lại trở nên phức tạp hơn, như mục 10, “Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xoá bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các khu công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất”. Dù Hiến pháp quy định vậy, nhưng ngược lại phụ huynh vẫn phải chịu học phí rất nặng, dù học trường công lập, và cộng với các đóng góp phải nộp cho nhà trường. Giáo dục con em đã trở thành gánh nặng cho toàn xã hội. Nhà nước dành cho mình vai trò kinh tế rất quan trọng, nhưng nó không đảm nhận vai trò phân phối nguồn lực một cách công bằng. Thay vào đó, nó có xu hướng phân phối lại các nguồn lực theo những cách có lợi về mặt chính trị cho đảng cầm quyền. 

Từ 170 năm qua các nhà nước cộng sản nói chung, Việt Nam nói riêng, không bảo đảm lợi ích của những người vô sản, nghèo đói mà họ luôn nhận là đồng minh vững chắc nhất và cần giải phóng. Mô tả của Marx về nhà nước tư sản thời cuối thế kỷ 19  trong bản tuyên ngôn thấy ra thì giống như nhà nước cộng sản ngày nay, đầy lạc hậu, bất công, vô lý.

Người Cộng sản không cần che giấu quan điểm và mục đích của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng vũ lực lật đổ mọi điều kiện xã hội hiện có. Họ lớn tiếng “Hãy để giai cấp thống trị run rẩy trước một cuộc cách mạng Cộng sản”. “Những người vô sản không có gì để mất ngoài xiềng xích”. “Đảng Cộng sản vô địch sẽ giành chiến thắng  toàn cầu”

Chia để trị, ngu dân và tráo trở luôn là một chiến lược thành công của cộng sản. Đảng cộng sản đang hết sức tuyên truyền, đổi trắng thay đen để đánh bóng hình ảnh của họ. Đảng đã thành công phần nào trong việc chia rẽ khiến người người đấu tranh với nhau, nghi ngờ người nghèo, ganh ghét người giầu, tạo ra một xã hội ích kỷ, ưa bạo lực, mất dần tính bác ái, hỷ xả.

Cuộc cách mạng Cộng sản theo lý tưởng của Marx đã không xảy ra, và không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ xảy ra. Trong khi giai cấp tư sản tại các nước tư bản tự do đã tìm ra những đường lối bình đẳng, dân chủ và tôn trọng lẫn nhau, thỏa hiệp với công nhân. 

Chiến lược của Tuyên ngôn cộng sản dựa vào niềm tin chông chênh của người đọc và nhất là người theo cộng sản rằng lịch sử sẽ đi theo con đường đã định trước mà Marx và Engels soạn ra. Thục ra tới nay niềm tin đó trong nhiều đảng viên kỳ cựu từng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa, với đảng đã suy giảm vì không nhìn thấy Chủ nghĩa Cộng sản mang lại những gì đã hứa, và  không đưa ra một tiêu chuẩn rõ ràng nào để đánh giá và cải thiện hiện tại. 

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản với những lời lẽ chau chuốt, được soạn thảo kỹ lưỡng, đẹp như một bài thơ chứa đầy căm thù.  Hận thù cháy trải dài trên các trang giấy trịnh trọng với giọng điệu khinh bỉ, trịch thượng, cay đắng và kiêu căng, nhưng khó lòng tìm ra tình yêu, lòng từ bi, bác ái hàm chứa trong đó. Chủ nghĩa cộng sản không cần đến những ‘xa xỉ’ đó. Marx, Engels viết Tuyên ngôn cộng sản áp dụng phong cách khoa học mang lại cho nó một lợi thế chiến thuật. Họ đặt sức mạnh vào đó bằng cách chỉ ra và thổi phồng thói đạo đức giả và sự bóc lột của Chủ nghĩa Tư bản. 

Tin vào bản tuyên ngôn một cách mù quáng kèm theo tư duy lỗi thời người ta dễ tin vào một thiên đường ảo tưởng được vẽ ra như những đám mây ngũ sắc hay cầu vồng sau mưa. Một thế giới tốt hơn ngày nay sẽ đến bởi những cọ xát đạo đức, luân lý phát sinh từ  kinh nghiệm thực tế cuộc sống và điều chỉnh chứ không phải với chủ nghĩa nghiệt ngã và không tưởng cộng sản.


 

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)