Vi Tiểu Bảo
(VNTB) – Nếu quả quyết đây là cuộc “cải triều hoán đại”, thì phải suy lý để bảo vệ người ngay, không phải cậy tình mà đòi thắng được Ma quân.
Xoay quanh vấn đề “hũ cốt – di ảnh” ở chùa Kỳ Quang 2, có nhiều ý kiến dư luận trái chiều. Có người phản ứng vô cùng gay gắt (điều này cũng dễ hiểu vì họ cảm thấy thật xót xa, đau đớn khi người thân mình đang nằm trong chùa lại bị như vậy); có người không có người thân nằm trong chùa cũng bức xúc; cũng có ý kiến bênh vực vì không tin được với một người có tấm lòng nuôi dạy trẻ mồ côi như sư Thích Thiện Chiếu, không thể làm như vậy được…
“Tôi thì không biết thế nào nhưng tôi cũng từng đi nhiều chùa có nuôi dạy trẻ mồ côi; những người già lang thang, cơ nhỡ, không có gia đình. Có đi, có tiếp xúc, mới cảm nhận được tấm lòng Bồ tát của các vị sư, ni, thầy. Có ý kiến cho rằng việc làm thế là để kiếm tiền. Tạm cho là đúng đi nhưng dân gian có câu “của một đồng, công một lượng”.
Cái công chăm lo mấy trường hợp ấy, có lẽ là hơn giá trị của một lượng nhiều. Trẻ em, nhất là những bé khuyết tật, có bé đâu biết gì, đâu tự ăn được, càng không thể tự vệ sinh. Người già cũng vậy thôi, người già có khi còn thêm các khoản “vệ sinh không tự chủ” nữa. Lúc đó như thế nào? Những cái xuất hiện trước ống kính, có thể là diễn đó, diễn sao cho đẹp khuôn hình. Còn những việc làm như dọn mấy cái dơ, có xuất hiện không? Tôi nghĩ là không ưu tiên, vì đó còn là cái tâm, làm vậy tội nghiệp cho mấy em cũng như mấy người già”, bà Út, một người dân sinh sống ở Bình Dương chia sẻ cảm xúc.
Có ý kiến cho rằng dưới cái ngòi bút siêu tưởng, sư trụ trì chùa Kỳ Quang 2 thành nạn nhân. Tôi không nghĩ là vậy. Có thành nạn nhân hay không, thật sự phải là người trong cuộc mới biết. Tuy nhiên, thật sự mà nói, tôi chưa từng nhìn thấy một sư trụ trì nào ngồi vệ sinh từng hũ cốt, trong khi chùa có nhiều đệ tử cũng như Phật tử.
“Ở góc độ tâm lý thế gian, phản ứng của đám đông là điều dễ hiểu. Đám đông- mà ở đây là thân nhân của những hình hài dầu là tro cốt ấy – không đáng trách. Quên hay không quên cũng không phải vấn đề luận bàn ở đây. Đòi hỏi phàm nhân thế gian điểm nhìn giải thoát ngay trong trường hợp này là đòi hỏi phi lý và vô nhân. Cái cần đòi hỏi ở đây, nếu sư ông vô can, vậy ai là người hữu trách. Nếu quả quyết đây là cuộc “cải triều hoán đại”, thì phải suy lý để bảo vệ người ngay, không phải cậy tình mà đòi thắng được Ma quân. Thân ái!”, một facebooker chia sẻ về vấn đề chùa Kỳ Quang 2.
Tôi cũng có người thân mất, cũng gửi cốt vào nhiều chùa khác nhau (dĩ nhiên không phải chùa Kỳ Quang 2). Chắc là do mình không có duyên hay sao mà không có lần nào tôi được tiếp xúc với thầy trụ trì hay viện chủ, để hỏi về việc chi phí gửi cốt vào chùa là bao nhiêu hết. Nếu đúng như trường hợp ở chùa Kỳ Quang 2, một người dân bình thường, xa lạ đến xin gửi cốt vào chùa mà được gặp ngay chính sư trụ trì thì có lẽ chắc là có duyên, hoặc sư trụ trì vô cùng thân thiện.
Tôi nhớ, trong nhiều bộ phim hay có câu “ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục”. Việc đứng ra nhận hết mọi tội lỗi như vậy sẽ làm cho dư luận hướng hết mọi “mũi dùi” về mình, thậm chí những việc làm tốt đẹp lúc trước cũng sẽ bị người đời đem ra soi mói xem có thật lòng hay đang “đóng phim trước ống kính”? Là người ngoài cuộc, không dám đưa ra nhiều lý do để phán xét, chỉ biết một điều rằng, “vàng thật sẽ không sợ lửa”, dù có bị ai gọi là “ma tăng” hay “bọn trọc” gì đi chăng nữa, giá trị vốn có cũng sẽ mãi trường tồn.
Có thể nói, hành động đứng ra nhận hết mọi tội lỗi về mình tuy dễ nhưng mà khó. Không khó sao được khi có người làm sai, biết sai, nhưng lại không dám đứng ra nhận lỗi.
Thay lời kết, xin được nói rõ, ở đây không phải là sư trụ trì hoàn toàn không có lỗi. Cái lỗi ở đây là ông quản giáo không nghiêm, lơ là trong việc kiểm tra vấn đề vệ sinh hũ cốt. Và cũng chính vì cái “từ bi” mà ông đứng ra nhận hết mọi trách nhiệm.
“Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật!” – Có lời thệ nguyện nào lớn lao hơn lời nguyện của Bồ-tát Địa Tạng.
Xin mượn lời thệ nguyện trên để tri ân sư Thiện Chiếu, chùa Kỳ Quang 2.