Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chương V của Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam đã viết gì?

Mai Lan 

 

(VNTB) – Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài

 

Truyền thông của Nhà nước Việt Nam viết rằng, “Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Từ Hiệp định này, quân xâm lược Mỹ đã phải cuốn cờ rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng Việt Nam, dẫn đến ngày toàn thắng 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”.

Từ đầu năm 2023, báo chí tại Việt Nam cũng như báo chí nước ngoài phiên bản Việt ngữ đều có những tuyến bài kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris (1973 – 2023). Một lễ kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris cũng đã được tổ chức tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn đã có bài diễn văn với những đoạn trích như sau tại lễ kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris:

Hiệp định Paris được ký kết cách đây tròn nửa thế kỷ đã kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20. Thắng lợi này có ý nghĩa chiến lược, tạo nên cục diện mới để quân và dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào” với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam.

Chiến thắng vĩ đại này là kết tinh thành quả đấu tranh kiên cường, bất khuất và hy sinh vô cùng to lớn của quân và dân ta trên mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đồng khởi Bến Tre năm 1960, đến Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Tiến công chiến lược Xuân – Hè năm 1972 và chiến thắng vang dội 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Ngoại giao đã trở thành một mặt trận tiến công, kết hợp nhuần nhuyễn và chuyển hóa hoàn toàn thắng lợi trên mặt trận chính trị, quân sự thành thắng lợi trên bàn đàm phán, thể hiện sáng ngời bản lĩnh, cốt cách và trí tuệ Việt Nam, thấm đượm tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

… Phát huy truyền thống vẻ vang của ngoại giao cách mạng Việt Nam và tinh thần Hội nghị Paris, toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao Việt Nam chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra” (dừng trích).

Bài diễn văn trên sẽ dẫn đến một mặc định về chuyện “đánh cho ngụy nhào”; và qua đó đã gián tiếp nhìn nhận khi Hiệp định Paris chưa ráo mực, thì “Nam tiến” chính là tên gọi về một cuộc xâm lăng của Hà Nội đối với người dân miền Nam Việt Nam.

Chương V của Hiệp định Paris đã nói lên rất rõ về chuyện lẽ ra đã không có bi kịch “sinh Bắc tử Nam” của cái gọi là Cộng sản Bắc Việt – trích nguồn từ trang Thư viện Pháp luật:

“Chương 5

VẤN ĐỀ THỐNG NHẤT NƯỚC VIỆT NAM VÀ VẤN ĐỀ QUAN HỆ GIỮA MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM VIỆT NAM

Điều 15

Việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thoả thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam không bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thoả thuận.

Trong khi chờ đợi thống nhất:

a) Giới tuyến quân sự giữa hai miền tại vĩ tuyến 17 chỉ là tạm thời và không phải là một ranh giới về chính trị hoặc về lãnh thổ, như quy định trong đoạn 6 của Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ ne vơ năm 1954.

b) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ tôn trọng khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời.

c) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ sớm bắt đầu thương lượng nhằm lặp lại quan hệ bình thường về nhiều mặt. Trong các vấn đề sẽ được thương lượng, có vấn đề thể thức đi lại dân sự qua giới tuyến quân sự tạm thời.

d) Miền Bắc và miền Nam Việt Nam sẽ không tham gia bất cứ liên minh quân sự hoặc khối quân sự nào và không cho phép nước ngoài có căn cứ quân sự, quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự trên đất mình, như Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 về Việt Nam quy định”.

…Lịch sử cần được tôn trọng, dù đó là bên “thắng cuộc” như cách nói lâu nay của Hà Nội.


Tin bài liên quan:

VNTB – Ly nông và giờ cũng buộc đành phải ly hương

Phan Thanh Hung

VNTB – Phiên bản 50 năm sau của Hiệp định Paris

Do Van Tien

VNTB – Nhân ngày “Quốc tế lao động”, lại nói quyền tự do công đoàn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.