VNTB – Chuyện “cứu nước” chiều 30 tháng Tư

Giang Nam


(VNTB) – “Chống Mỹ cứu nước” là gì? Chống Mỹ thì đã đành rồi, còn “cứu nước”, cứu nước nào?
Chuyện bố tôi

Đến hẹn lại lên, mỗi năm từ tháng Ba đến hết tháng Tư, bộ máy tuyên truyền rầm rộ mở hết công suất các phương tiện hình – tiếng – chữ nhằm quảng bá “đại thắng 30/4 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Riêng tôi chỉ thấy rõ 8 chữ “thống nhất lãnh thổ, chấm dứt chiến tranh” và nhớ chuyện bố tôi thắp nhang bái tạ tổ tiên.
Hồi trẻ tôi nghe đài báo mỗi khi nhắc đến các nước Pháp Anh Mỹ người ta đều nói một danh từ chung là “các nước tư bản”, đôi khi “tư bản đế quốc”. Riêng bố tôi khi trò chuyện với khách khứa đến nhà hoặc với con cái, ông đều gọi là “các nước dân chủ” ([1]). Mỗi khi nhắc tới năm 1945, ông mở màn “Cái năm Việt Minh cướp chính quyền ấy mà, bố gánh hai thúng bột nếp đi tàu điện ra chợ Cửa Nam bán cho tiệm bánh…”. Ông biết rõ “cướp chính quyền năm 45” khác với “cách mạng tháng Tám” thế nào. Hồi đó tuổi trẻ chúng tôi cũng chẳng để ý lắm đến từ ngữ báo chí tuyên truyền kể cả bài học chính trị. Mãi về sau tôi mới biết rằng ông hiểu biết chính trị sâu sắc hơn hẳn các giáo sư tiến sĩ chính trị học, đương nhiên hơn cả tôi.

Nhưng ông học bằng cách nào? Ông chưa bao giờ đi học bất cứ lớp gì trong chế độ mới, đừng nói học chính trị. Chữ quốc ngữ của ông ở trình độ xóa mù, đủ viết cái đơn từ nôm na và ký tên, chữ Hán mới là sở trường của ông dùng đọc văn thơ cổ. Ngoài làm ruộng, ông thỉnh thoảng dẫn tốp thợ đi sửa nhà cửa theo lời mời của dân quanh vùng. Có lẽ gặp những chủ nhà là bậc trí thức hiểu biết, chủ khách thường mạn đàm chính trị thời cuộc trong những bữa cơm rượu đãi thợ buổi tối. Học tắt thế mà ông đạt đến chân lý. Khác hẳn những người học chính trị cả đời (lý luận trung cấp, cử nhân chính trị, cao cấp chính trị) vẫn dốt nát, ngẩn ngơ và sáo rỗng.
Đó là trưa ngả sang chiều ngày 30/4/1975. Nghe các bản tin liên tục của đài Tiếng nói VN, gia đình tôi nôn nao vui mừng khôn tả. Bố sửa soạn rượu, hoa, nải chuối xanh, đội khăn xếp nhiễu đen, rút mấy nén nhang, châm lửa, ra đứng trước bàn thờ. Ông khấn khứa rì rầm. Tôi đứng đằng sau, khấn vái xong, ông nói giọng chậm rãi giọng ngàn ngạt, trầm lắng: “Hai thằng anh mày sắp về rồi… Phen này đỡ khổ rồi, con ạ” (Sau bao nhiêu gia đình chờ đợi, anh cả về làng cuối năm 1976 sau khi đi tìm đủ hài cốt đại đội, còn anh hai phải lăn lộn ở biên giới Tây Nam và Cam pu chia đến năm 1990 mới được về hẳn quê nhà).
Chuyện hai ông anh cựu chiến binh
May mắn thay, hai anh tôi chỉ là thương binh, không là liệt sĩ. Tôi thấm thía nỗi vui mừng của bố vào cái ngày chiến tranh chấm dứt. Nhà tôi có ba anh em trai thì hai anh đi chiến trường biền biệt, tôi là con trai út đang học phổ thông phải đôn lên gánh vai trò huynh trưởng, làm anh cả của hai em gái cũng vừa làm quần quật vừa đi học. Từ nhỏ tôi chưa được chuẩn bị sẵn sàng gánh vai trò này, bởi tôi là trai út quen được chiều chuộng. Tôi buộc phải sớm trở thành xã viên hợp tác xã nông nghiệp, gồng gánh gia đình. Bố vài lần đi mổ ở bệnh viện do đau ốm và tai nạn lao động, tôi và mẹ đi nuôi cực quá, đến giờ chưa quên.

Tuổi còn nhỏ đi làm ruộng, hai bàn tay học trò nhổ mạ bật máu, gánh phân nặng oằn lưng, tôi thầm oán trách hai người anh đi đánh trận bỏ lại gánh nặng gia đình cho tôi. Bởi các anh tin rằng đi đánh trận “sướng như tiên chớ cực gì” (lời chị Út Tịch du kích anh hùng miền Nam- học trò nào ở miền Bắc cũng thuộc lòng câu ấy). Còn nữa, hai anh tôi chắc thuộc lòng những câu thơ lên gân khác như “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù- của anh lính Lê Mã Lương bây giờ là trung tướng”, “Đường ra trận muà này đẹp lắm, Trường Sơn đông nhớ Trường Sơn tây – Phạm Tiến Duật”. “Việt Nam ôi tổ quốc thương yêu/ trong khổ đau Người đẹp hơn nhiều – Tố Hữu”, vân…vân…Chịu gánh nặng hai ông anh quẳng sang lưng em, mệt mỏi quá tôi buột miệng: “tổ cha cái mỹ học Mác Lê, cái quái gì họ cũng ca tụng là đẹp, lạm phát đẹp!”.
Ở quân đội, các anh đứng trước hàng quân cao giọng ra lệnh, sau chiến tranh về nhà chệnh choạng đi theo đít con trâu, uể oải quát mắng con vật. Từ hồi giải ngũ, các anh cũng chứng kiến nhiều chuyện đau lòng nhức nhối của xã hội XHCN mấy chục năm qua, chỉ biết thở dài… Gần gũi nhất là chuyện “dồn điền đổi thửa -xây dựng nông thôn mới”. Anh Hai 72 tuổi còn làm bí thư chi bộ thôn, cằn nhằn: “tất cả có bảy thằng thường vụ Đảng ủy xã thì tới năm thằng dính tham ô đất cát”. Anh bảo anh băn khoăn khó xử, bọn chúng là bạn học hoặc bà con họ hàng nửa gần nửa xa, thực khó mà dằn lòng đấu tranh vạch mặt chúng. Nay bọn chúng đang thương lượng mặc cả loay hoay che đỡ cho nhau. “Gà què ăn quẩn cối xay thôi”- ông anh cả 77 tuổi  sức khỏe yếu hơn, lầm bầm phán xét.
Vài năm nay, mỗi lần đoàn tụ gia đình nhân lễ tết, đám cưới hỏi hay giỗ kỵ các cụ thân sinh, anh em tôi lại gặp nhau bên chiếu rượu… Mỗi dịp đó tôi trao đổi về thực chất lịch sử Việt Nam, từng bước từ từ, kiên trì để hai anh thương binh Nội chiến khỏi bị sốc và hụt hẫng. Và tôi cũng cố nương nhẹ cái phần tự trọng tự ái của những ông già cựu binh trên dưới bảy chục tuổi cả rồi. Hai người là bậc huynh trưởng, dễ gì nghe lời “thằng em út”…

Tôi nghĩ đến hàng chục vạn cựu chiến binh như hai anh, làng quê tôi “ra ngõ gặp cựu binh”, “vào nhà gặp huân chương, bằng liệt sĩ”, tôi sức mấy mà đi thuyết phục, nâng cao dân trí cựu binh cho xiết. Biết khó vậy nhưng tôi vẫn kiên trì tranh thủ mọi cơ hội. Ít nhất tôi muốn bù đắp cho sự thiệt thòi của hai anh đã ném cả tuổi thanh xuân vào chiến trận, làm chi có điều kiện nghiên cứu, học hành. Phụ cấp cựu binh, thương binh các anh lĩnh hàng tháng đâu có bù đắp được thiệt thòi suốt đời mà các anh gánh chịu. Chân lý vốn giản dị, chả cần nói dài dòng nhưng dẫn giải dễ hiểu thì mới hiệu quả.

Chuyện cải cách ruộng đất

Bắt đầu từ việc dễ hơn. Chủ đề tôi gợi ra là hậu quả Cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Cái này hai anh chứng kiến còn nhiều hơn tôi, nhưng hẳn là các anh chưa có đủ tư liệu và điều kiện phân tích đánh giá  cặn kẽ, khách quan, tỉnh táo. Tôi biết các anh đã cao tuổi mà ít có điều kiện học hành, không có điều kiện đọc tài liệu nước ngoài và trong nước… Nếu vụ này đầu xuôi đuôi lọt thì tôi sẽ dẫn tới chủ đề 30/4. Tôi nhắc lại chuyện bố từng kể hồi cải cách, bố bị cán bộ Cải cách ép buộc phải tố địa chủ, bố đã kể chuyện hài giữa sân đình làm bẽ mặt mấy thằng Đội. Hai anh tôi …à .à . cùng nhớ ra chuyện cũ…. Kế đó tôi nói về cải cách ruộng đất trên thế giới trong nghìn năm qua.
Ở nhiều nước, sau một thời gian vài thập kỷ, thậm chí thế kỷ, diễn ra tình trạng ruộng đất “xộc xệch”, ngày càng chênh lệch lớn. Ruộng đất dồn về một số địa chủ, chủ trại, quí tộc, còn phần lớn nông dân chỉ có ít hoặc không có ruộng. Nguyên nhân rất đơn giản và tự nhiên: người nông dân nghèo bán đất, gán đất cho người giàu hơn mỗi khi gặp khó khăn. Nông dân tìm được nghề mới trở thành tiểu thủ công, tiểu thương cũng bán đất làm vốn đầu tư ban đầu. Nói chung ở đây không có vấn đề địa chủ cướp ruộng. Hệ quả là: địa chủ làm không hết ruộng, bỏ hoang từng phần, thành đồng cỏ hoặc rừng, vì họ chẳng cần phải thâm canh đã dư sống. Nông dân đi làm mướn không dành hết tâm trí chăm sóc cho thửa ruộng của chủ. Kết quả chung là tổng sản lượng lương thực toàn quốc sụt giảm lớn.

Lúc này, chính quyền nhà nước phải ra tay trên tầm vĩ mô: phân bổ lại ruộng đất. Chính sách ruộng đất được vạch ra. Mức qui định ruộng đất tối đa cho một hộ được công bố. Phần dư thừa phải bán rẻ cho nông dân có ít hoặc không có ruộng. Nhà nước làm trung gian thanh toán, nông dân trả dần trả góp. Đó là Cải cách Ruộng Đất đúng nghĩa và thể hiện trình độ quản lý xã hội văn minh của nhân loại. (Sau năm 1954 ở miền Nam, tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm đã thực hiện cuộc “Cải cách điền địa” theo phương thức quốc tế như trên, sau bị gián đoạn vì Việt cộng xúi dân trả đất trả ruộng nhằm phá bĩnh chính sách CCĐĐ và vì những cuộc đảo chính, về sau TT Nguyễn Văn Thiệu hoàn thành chính sách “Người Cày Có Ruộng”).
Còn ở miền Bắc, CCRĐ bộc phải theo mô hình của Liên Xô và Trung Quốc. Cố vấn TQ áp sát kè kè chỉ đạo, chủ tịch Hồ Chí Minh cãi cũng không được. CCRĐ khởi động từ năm 1949, cao trào vào những năm 1953-54-55, hoàn thành 1956, sửa sai năm 1957.
Tuy nhiên anh cả bần thần, ngập ngừng nói “Nếu hồi đó không được chia ruộng thì… nhà mình làm gì có ruộng mà sống?”.
Tôi đáp: đương nhiên một chính phủ tử tế phải chia ruộng theo kiểu quốc tế như nói trên, định giá ruộng phải thấp, nông dân trả dần trả góp. Đâu cần phải đấu tố vu oan để lấy cớ mà cướp không ruộng đất, tài sản của địa chủ! Đó là kiểu luật rừng. Nhắm mắt đi theo “ánh sáng kim chỉ nam của phương pháp Mác- Lê- Mao”, hô hào đám dân nghèo thất học, tham lam và hung hãn xúm vào “mần thịt” một thiểu số địa chủ. Đảng đã giáng một cú đấm nặng nề vào đạo đức làng quê truyền thống Việt Nam.
Sau khi hai ông anh im lặng, nhất trí cơ bản về việc đánh giá CCRĐ, tôi chuyển tiếp bàn đến chuyện lớn hơn, nóng hơn.
Chủ đề bàn bạc tiếp theo là vấn đề gọi tên cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975 thế nào là chính xác lịch sử.

Chuyện 54-75

Biết hai anh cũng thích chuyện Tàu như cái gien của bố chúng tôi, tôi vòng vo kể chuyện lịch sử Tàu để mon men dẫn vào câu chuyện chính. Tôi kể chuyện dân tộc Mãn Châu nhỏ bé (ngày nay biên chế chỉ có ba tỉnh là Hắc Long Giang, Liêu Ninh và Cát Lâm, gọi chung là vùng Đông Bắc) mà họ dám tự xưng là Đế quốc Mãn Châu, kéo quân ào ạt đánh thắng dân tộc Hán dưới triều Minh. Vì sao nước Mãn Châu chỉ to bằng cái bàn chân của nước Đại Minh (chủ yếu dân tộc Hán) mà lại đánh thắng một dân tộc lớn với dân số và lãnh thổ rộng gấp cả trăm lần, và xây dựng được chính quyền hùng mạnh gần ba trăm năm?

Tôi giải thích vắn tắt: Dân tộc Mãn với truyền thống du mục, quen cuộc đời kỵ binh thạo nghề cung kiếm, thường xuyên luyện tập võ nghệ và hun đúc tinh thần chiến đấu cao. Mặt khác, kinh tế và văn hoá nhà Mãn thì lại rất kém. Kỵ binh Mãn Châu không phải là lính mà chính là “người lao động”, lao động chiếm đoạt đất đai, lấn dần xuống phương Nam thổ nhưỡng màu mỡ và khí hậu tốt hơn… Còn nhà Minh, chỉ chăm lo xây dựng văn hóa, kinh tế, gắng nâng chế độ phong kiến ngày càng hoàn hảo, chẳng lo quân sự, mặt khác nội bộ thời cuối Minh lại sinh ra bè phái tranh quyền đoạt vị. Mãn Châu – một dân tộc quân sự toàn dân (quốc phòng toàn dân) đối đầu với Đại Minh một dân tộc nặng về kinh tế văn hóa thì kết quả bất ngờ đã xảy ra. Nghèo thắng giàu, dốt thắng văn hóa. Nhà Minh thất thủ, đất nước rơi vào tay nhà Mãn (đặt quốc hiệu là Đại Thanh).
Tôi nêu ra một nhận xét rằng, một đất nước chăm lo xây dựng văn hóa, kinh tế ắt sẽ khó giữ trận trước một dân tộc chuyên lo quân đội chuyên nghiệp toàn dân như kiểu Mãn Châu đế quốc. Khi chiến thắng, Mãn Châu tự biết văn hóa kinh tế Mãn kém xa nhà Minh, bèn tự  nguyện từ bỏ văn hóa Mãn, ráo riết học văn hóa Hán…Nhờ đó, nhà Đại Thanh trở nên hùng mạnh đủ đi hết vai trò chế độ phong kiến Trung Hoa. Có thể, phải cam lòng so sánh, tình hình miền Bắc và miền Nam nước ta trước 1975 cũng gần như nhà Mãn Châu với nhà Minh vậy. Hai ông anh gật gù và im lặng. Đó là dấu hiệu đèn xanh cho tôi nói tiếp, sau khi rót thêm ly rượu nữa.
Câu hỏi rốt ráo tôi nêu ra là: Ngày 30/4/1975 liệu có phải là ngày “Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” hay chỉ là ngày “Đánh chiếm miền Nam, thống nhất đất nước” ?
Tôi nhắc việc nhà báo Huy Đức dẫn một câu nói của ai đó rằng “Ngày 30/4 ấy thực chất là ngày “giải phóng miền Bắc”, tôi nói rõ thêm, đó là ngày giải phóng miền Bắc khỏi ý thức hệ cộng sản về mặt thực chất, mặc dù bề ngoài tuyên truyền cố ý trái lại thực tiễn.… Ngày nay toàn quốc đi lại, đi tiếp con đường tư bản mà miền Nam trước 75 đang đi.  Nhiều người miền Bắc, tôi biết trong đó có cả hai anh, từng ca ngợi kiểu làm ăn phóng khoáng, táo bạo, sòng phẳng mà lịch sự của miền Nam… Anh Cả tôi im lặng, bần thần trước một nguyên lý lịch sử lạnh lùng. Anh Hai tôi gật gù bảo “nghe những tay giáo sư lịch sử như Phan Huy Lê, Lê văn Lan, Dương Trung Quốc, Vũ Minh Giang đếch có anh nào nói thẳng, nói giản đơn dễ hiểu như chú”.
Tôi thấy phải chứng minh cặn kẽ hơn nữa về thực trạng lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng.
Tôi lướt qua về tình hình lịch sử giai đoạn từ khi có Đảng đến Hiệp định Geneva, tình hình Liên Xô, Trung Quốc và Mỹ… Từ đó chỉ ra tình trạng ba cuộc chiến chồng chéo lên nhau. Cuộc chiến chủ đạo, quán xuyến từ trước đến sau là Cuộc đấu tranh ý thức hệ của hai phe cộng sản và tư bản trên thế giới, hai cuộc chiến kia chen vào là Nội chiếnchống Mỹ can thiệp. Tôi kiên trì và khéo léo nên đã được hai ông anh đồng thuận. Tôi chỉ thừa nhận các anh là cựu chiến binh chống Mỹ can thiệp có kết quả, các anh cũng như tôi, đều biết chẳng “giải phóng” được ai cả.
Mặt khác, tôi nhắc lại sự kiện Hà Nội ngỏ ý với chính quyền Sài Gòn năm 1956 về việc thực hiện Tổng tuyển cử hiệp thương theo Hiệp định Geneva, ông Diệm từ chối (có chứng cứ văn bản). Do đó, Hà Nội không tính tới đấu tranh chính trị- tổng tuyển cử nữa mà bắt đầu tính tới đấu tranh quân sự. Nhưng dùng quân sự công khai thì vi phạm Hiệp định Geneva mà Hà Nội đã ký. Vậy thì họ tổ chức vũ trang bí mật xâm nhập miền Nam, gọi là đi B và khuấy động phong trào du kích quấy rối ở miền Nam…
Quá trình hình thành con đường mòn Trường Sơn hai anh tôi đều biết rõ. Tướng Đồng Sỹ Nguyên làm tư lệnh binh đoàn Trường Sơn chọn ngày khai trương vào 19 tháng 5 năm 1959 sinh nhật HCM (đặt tên mật là “binh đoàn 559”).
Vậy là cuộc Nội chiến được Hà Nội chuẩn bị và lặng lẽ triển khai 5 năm trước khi không quân Mỹ bắn phá miền Bắc.
Không quân Mỹ đã nôn nóng cấp “giấy bảo hành” cho Hà Nội công khai đổ bộ miền Nam.
Ngày 5 tháng 8 năm 1964, hải quân và không quân Mỹ từ hạm đội 7 mở màn oanh tạc các tỉnh ven biển miền Bắc (tôi chợt nghĩ: hồi đó các lãnh tụ Hà Nội nghe tin này hẳn là rất khoái, reo mừng lên: đây rồi, chúng ta có lý do chính đáng tiến vô Nam rồi!).
Hiện nay có tới ba quan điểm giải thích việc Mỹ bắn phá miền Bắc. Một là: theo phía Mỹ nói, hải quân Việt Nam khiêu khích bắn tàu Madox của họ nên họ trả đũa. Hai là: Phía ta nói “tàu chiến Mỹ bắn tàu ta trước”, lại có ý kiến cho rằng “Lãnh đạo Đảng khi tổng kết chiến tranh đã công nhận hải quân ta bắn trước”. Không thể chờ các nhà sử học công bố dứt khoát, ba anh em chúng tôi là dân thường chỉ tin rằng các anh đi bộ đội để chống Mỹ, dân hậu phương miền Bắc cũng phải chống Mỹ chật vật ngay trên quê nhà, điều đó là hiển nhiên, ai đã trải qua thì không quên được.
Từ năm 64, khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam” hiên ngang giăng khắp nơi. Bản thân tôi cũng đi viết hàng trăm khẩu hiệu khắp các bức tường ở xóm làng (lúc ấy tôi được phân công tham gia công tác ở Ban thông tin văn hóa xã trong những mùa nghỉ hè).
“Giấy bảo hành chống Mỹ” hết hiệu lực tháng 2 năm 1973 với Hiệp định Paris. Quân đội Mỹ rút hết khỏi Việt Nam. Nội chiến lại hiện ra rõ ràng từ 1973 kéo dài tới 1975.
Nếu bảo rằng tuyên truyền quảng bá chiến thắng 30/4 hàng năm là nhắc lại ký ức lịch sử nghiêm túc, vậy thì việc im lặng khó hiểu trước mỗi tháng Hai kỷ niệm cuộc chiến chống xâm lược biên giới phiá bắc 1979, Hoàng Sa thất thủ 1974, đảo Gạc Ma thất thủ 1988  phải được hiểu như thế nào ? Tôi nhắc đến chuyện văn bản Hội nghị Thành Đô, được biết do văn bản Ban tuyên giáo phát hành đến cơ sở với cái gạch đầu dòng thứ nhất “- chấm dứt tuyên truyền chống đối nhau”. Dù nội dung văn bản Thành Đô chưa được xác minh thì thực tế mấy năm qua công an ngăn chặn biểu tình và phá tưởng niệm cuộc chiến chống TQ xâm lược ở Bờ Hồ Hà Nội còn hùng hồn hơn văn bản Thành Đô.
Tôi đưa câu hỏi: tại sao Pháp và Mỹ không cần đòi ký Hiệp ước tương tự như Thành Đô? Hai ông anh nín lặng, lại rót rượu uống. Tôi thưa, đó là vì người ta tôn trọng lịch sử, không cam tâm che giấu lịch sử như hai đảng cộng sản phương Đông quen bài giấu diếm sự thật như một thứ bản năng sống còn.

Chuyện “cứu nước”

“Chống Mỹ cứu nước” là gì? Chống Mỹ thì đã đành rồi, còn “cứu nước”, cứu nước nào?
Sau 1954 đế quốc Pháp đã rút hết khỏi miền Bắc, hòa bình lập lại, không có kẻ ngoại bang nào đe dọa xâm chiếm. Miền Bắc kết đồng minh với Liên Xô, Trung Quốc, miền Nam kết đồng minh với Mỹ quốc. Hai miền theo 2 ý thức hệ khác nhau. Miền Bắc đưa quân vào miền Nam. Mỹ dùng không quân hải quân đánh chặn miền Bắc, ngăn cản Hà Nội đưa quân Nam tiến. Hà Nội dựng lên Mặt trận DTGPMN (đó là “chiến thuật hai trong một” của Đảng – như một cán bộ cao cấp đã công nhiên thừa nhận ngày 20/4/2015 trên đài VTV1). Đối phó lại, sau đó Mỹ đưa quân vào miền Nam bảo vệ đồng minh. 
Ai có thể chỉ giùm tôi, quân đội miền Bắc đi “cứu ai”, “cứu miền Nam” ư? Vì sao phải cứu vớt họ? Ba anh em tôi đều chứng kiến tận mắt, miền Nam sau khi được “cứu” thì sa sút hoang tàn, cuộc sống khổ cực không kể xiết so với trước “giải phóng”. Tôi chưa thấy ai chứng minh cho tôi biết, miền Nam sau khi được “cứu” thì tốt hơn lúc trước.
Kết quả là: Đảng cộng sản đã giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước và áp đặt con đường xây dựng CNXH mờ mịt áo tưởng cho cả dân tộc. Việt Nam lập lại quan hệ bình thường với Mỹ và thực chất là Việt Nam đang chập chững đi lên tư bản hóa nhưng chưa dân chủ hóa.
Chiến thắng vĩ đại là gì vậy? Hai anh tôi không thể trả lời.
Phen này đỡ khổ rồi, con ạ
Những câu chuyện của ba anh em tôi cứ lai rai qua mỗi lần tụ hợp, bên chén rượu, dưới mái nhà của bố mẹ. Tôi nhắc cho hai anh nghe câu nói của bố ngày 30 tháng Tư năm ấy lúc thắp nhang bái tạ tổ tiên phù hộ. Anh cả tôi năm nay sức kém, hơi yếu thần kinh, nghe nhắc đến bố là bật khóc.Phen này đỡ khổ rồi, con ạ”. Tôi nói, ông cụ mừng vội quá, nhưng dù sao cũng mừng vì bố ra đi yên tâm, không biết đến thảm cảnh ngày nay. Chúng con còn phải chịu cái khổ tinh thần mãi dằn vặt, khó mà yên dạ được. Tôi biết mình có nghĩa vụ tiếp tục chuyện trò, trao đổi tới cùng với các anh, những người lính cũ, trong tình anh em, về các vấn đề lịch sử khác nữa.



[1]. Gọi tên “nước tư bản” không chính xác bằng “nước dân chủ”. “Tư bản” chỉ phương thức sản xuất, nghiêng về vật chất. “Dân chủ” chỉ về tinh thần, cách sống, mới toát lên bản chất chế độ xã hội.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)