Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chuyện hoa hậu

Khánh Hòa

(VNTB) – Có thể sốc với người Việt Nam nếu như trong cuộc đăng quang nhan sắc nào đó, người ta lại thấy có những bóng hồng xứ Việt bất ngờ bày tỏ dũng khí của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.

“Tôi muốn nói với những người biểu tình, nếu không có cuộc thi Miss Grand Thailand 2020, tôi sẽ tham gia cuộc biểu tình” – Á hậu 1 Miss Grand Pathum Thani Indy Johnson nói.

Cô nói thêm: “Thế hệ trẻ bày tỏ ý kiến của mình là không sai, vì chúng ta là những người phải sống với tương lai”.

Á hậu 2 Miss Grand Nakhon Si Thammarat Patchaploy Ruendaluang cũng nói: “Tôi xin nói với chính phủ rằng ngày hôm nay, công dân chúng ta đang đòi hỏi sự trở lại của nền dân chủ. Nếu bạn nghĩ đến ý kiến của người dân dù chỉ là một chút thì sẽ không xảy ra sự việc như thế này”.

Miss Grand Chiang Rai Juthamas Mekhaseree, người kết thúc với ngôi vị Á hậu 3, cho biết cô sẽ tình nguyện làm đại diện sinh viên và nói với chính phủ rằng mọi người đang phải chịu đựng một nền kinh tế tồi tệ.

Á hậu 4 Miss Grand Mukdahan Natnicha Sritongsuk nói rằng cô ủng hộ mọi người bày tỏ chính kiến của mình miễn là không có bạo lực.

Những phát biểu nêu trên được đăng trên trang web kèm clip tại địa chỉ https://www.khaosodenglish.com/news/crimecourtscalamity/2020/09/21/miss-grand-2020-called-ugly-and-negro-for-supporting-protests/

Nhiều người nói rằng lẽ ra Miss Grand Thailand 2020 cũng sẽ nhạt nhòa như mọi cuộc thi nhan sắc khác diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng không, ban tổ chức gây hết hồn với câu hỏi “phản động” trong phần thi ứng xử: “Bạn nghĩ gì về cuộc biểu tình đang diễn ra ở Bangkok?”.

Pacharaporn “Nam” Chantarapadit, 22 tuổi, đại diện thành phố Rayong, đáp: “Từ đáy lòng mình, tôi chọn đứng về phía người biểu tình. Chúng tôi có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân và chúng tôi muốn chọn những gì tốt nhất cho đất nước mình. Hơn thế nữa, tôi muốn nói với chính phủ. Nếu quý vị gọi đất nước này là Thái Lan thì chúng ta cần một nền dân chủ thực sự”.

Cô gái này sau đó đã giành vương miện.

Nếu cuộc thi diễn ra ở Việt Nam, tất nhiên sẽ không có ban giám khảo nào dám “tự diễn biến – tự chuyển hóa” để đưa ra câu hỏi kiểu tương tự này. Còn nếu thí sinh người Việt mà bắt gặp câu hỏi cắc cớ đó, nhiều khả năng cô ấy sẽ trả lời “bọn biểu tình là do thế lực kích động”; hoặc “không thế lực nào có thể buộc tôi chọn bên…”.

Nói vậy thôi chứ hồi tháng 12/2018, trong cuộc phỏng vấn cô H’Hen Niê tại Bangkok sau đêm thi Miss Universe 2018, một nhà báo đến từ Sài Gòn đã hỏi: “Nếu cô phải trả lời câu hỏi “tại sao tự do báo chí lại quan trọng”, vốn là câu hỏi được dành cho một thí sinh khác trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, thì cô sẽ trả lời thế nào?” – Hen đáp không do dự: “Với em, thì em nghĩ là trong tất cả các phương diện mình làm việc, nó phải có tự do báo chí. Đây cũng là điều mà em rất là hào hứng khi mà báo chí Việt Nam họ muốn viết gì thì viết, đó là quyền của họ. Mình không nên ép buộc họ có một cái khuôn khổ. Nếu làm trong khuôn khổ dễ bị chán…”.

Dĩ nhiên là cô H’Hen Niê không thể diễn đạt thêm về ý tứ, vì sau khi đăng quang cô còn phải trở lại quê nhà để hoàn thành các thỏa thuận với các mạnh thường quân tài trợ cho cô tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế.

Cũng may là câu trả lời đó của H’Hen Niê chỉ là bên ngoài cuộc thi, chứ nếu đó là câu hỏi chính thức cho ứng xử mà ban tổ chức đặt ra, thì rất có thể với ‘tình thiệt’ như vậy, ắt hẳn H’Hen Niê khi đến phi trường Việt Nam, dám cô sẽ được ‘nếm mùi’ như một số người Việt khác liên quan đến phát ngôn những từ ngữ vốn rất nhạy cảm ở xứ Việt, liên quan quyền tự do báo chí khi đăng đàn tại ‘xứ giãy chết’…

Tin bài liên quan:

VNTB – Các quan tòa cần siêng năng coi phim Tàu

Phan Thanh Hung

VNTB – ​Khánh Hòa không ngại dịch bệnh Covid từ du khách Trung Quốc

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Tiên học “lễ”, nhưng đó là “lễ” gì?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo