Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chuyện ông Chung và câu chuyện Riêng

Anh Khoa

(VNTB) – Ông Đức Chung – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trở thành tâm điểm của chỉ trích dư luận trong thời gian gần đây.

Đồng Tâm là câu chuyện “bội tín” của ông, và “xử lý dòng nước Tô Lịch” là câu chuyện liên quan đến phát ngôn bất nhất và có phần bồng bột, xa hơn là “liêm sỉ và lòng tự trọng” của người đứng đầu chính quyền thủ đô.

Khi nhắc đến ông, dư luận trên mạng xã hội gắn liền với biệt danh “Chung con; đô trưởng” hơn là tên thật. Nhưng dù ở tên gọi hay biệt danh, thì ông vẫn gây sóng dư luận bằng phát ngôn và hành động thiếu đồng nhất, cũng như các vấn đề liên quan đến “sân trước, sâu sau” trong các gói thầu gắn liền đến chính quyền thủ đô.

Là một tướng công an, xuất thân từ công an, tính cách không kiêng nể hay e ngại đã tiếp tục “gắn bó” khi ông trở thành người đứng đầu chính quyền. Thế nhưng tính cách này là một bất lợi, ít nhất là khi ông trong một hệ chính quyền mà ghế ngồi trong cái thời “ghế ít đít nhiều”, và càng ít hơn nữa khi mà đại hội sắp diễn ra.

Ông Chung quên rằng, cái ghế ông đang ngồi là sự dàn xếp của các nhóm lợi ích với nhau. Và khi “phe ta” thắng, thì ông được ngồi đĩnh đạc vào đó, nhưng khi cần sắp xếp lại, thì những “sân trước, sân sau”, lợi ích “riêng”, lợi ích “chung” trở thành băng chuyền đưa ông rời khỏi cái ghế đó.

Cách ông chống cự, cựa quậy trong không khí “chống tham nhũng” ở cấp trung ương thổi làn gió “không kiêng nể” đến báo chí – truyền thông chính thống càng khiến ông Chung trở nên tội nghiệp. Mức độ “tội nghiệp” càng tăng lên khi mà mọi sai phạm của “đồng chí Nguyễn Đức Chung” ở mọi ngóc ngách đang được phô bày.

Là thiếu tướng trẻ nhất lực lượng vũ trang năm 46; là tiến sĩ luật; là uỷ viên tư pháp; là giám đốc công an TP. Hà Nội;… nhưng giờ đây không đem lại sự khôn ngoan cho chính ông khi phát ngôn và xử lý tình huống.

Và số phận chính trị của ông chính thức được định đoạt khi ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 18.11 cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung vụ án Nhật Cường vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Ông Nguyễn Đức Chung có lẽ là một chính khách trẻ đáng giá trong nền chính trị già cỗi hiện tại, thế nhưng cũng chính cơ chế này đã khiến “ông trẻ” đi lên bằng thân thế và các phương thức lợi ích thay vì tâm và tầm của mình.

Điều này có vẻ được thể hiện rõ nét trong hội nghị quán triệt kế hoạch của thành phố về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm trật tự giao thông, đô thị sáng ngày 4.3.2017, khi Nguyễn Đức Chung khẳng định mạnh mẽ, “nếu lần này không dẹp được lấn chiếm vỉa hè, ông sẽ chỉ đích danh chỗ nào là của bí thư quận, chỗ nào của chủ tịch quận, chỗ nào có trưởng công an phường và kể cả lãnh đạo sở cũng có người nhà liên quan”.

Lần “nói thật” duy nhất của ông được dư luận mạng xã hội tung hô, bởi dù ông nhắc đến điều ai cũng biết, nhưng đó cũng là sự thừa nhận hiếm hoi từ những chính trị gia trong bộ máy chính quyền.

Nhưng 2 năm sau ngày ông “nói thật”, không có ai bị xử lý cả, và đường phố Hà Nội vẫn tràn ngập lấn chiếm vỉa hè.

Không ai trách ông Chung có sự sai khác giữa nói và làm. Bởi khi ngồi trên cái ghế cao nhất của chính quyền TP. Hà Nội, thì ông cũng thừa hưởng tốt nhất những gì thuộc về cơ chế, mà ông Nguyễn Văn Thiệu – Tổng thống một thời của chính quyền miền Nam đã khái quát, “đừng nghe, hãy nhìn”.

Thế nhưng, câu chuyện bất nhất từ phát ngôn đến hành vi của ông Đức Chung vẫn chưa khiến người Việt tỉnh ra. Ở đâu đó, vào thời gian nào đó, những “chiến dịch, phong trào” vẫn lôi cuốn không ít người Việt và họ đã trầm trồ. Dường như người Việt đang bị hấp dẫn bởi các diễn biến trên chiến trường và thụ động được ban phát niềm vui. Rất ít người hiểu rằng, cơ chế sẽ tiếp tục sản sinh ra những “Đức Chung” mới với “chất lượng” tương đương hoặc hơn. Và ông “Chung” với lợi ích “Riêng” tiếp tục được khoản đãi cho người dân Việt, trong tiếng nhạc xập xình và tiếng hô hào – cổ vũ bóng đá.

Câu chuyện của ông Chung không phải là câu chuyện Riêng của ông và tổ chức đảng-nhà nước mà ông đang phục vụ. Mà câu chuyện ông phải được nhận thức là câu chuyện Chung của người dân, chỉ khi đó, người dân mới biết phương cách nào để tăng lòng tự trọng – liêm sỉ trong giới quan chức, giảm những phát ngôn và hành vi ngông cuồng, những trạng thái vi phạm pháp luật nhưng lại được quyền lực “bảo kê”.

Tin bài liên quan:

VNTB – Các tập đoàn kinh tế nằm trong tầm ngắm của cuộc chiến chống tham nhũng

Phan Thanh Hung

VNTB – Trước năm 2022: Điều gì sẽ xảy ra trong đại dịch năm thứ ba

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà báo Trung Quốc khơi dậy nỗi lo về một cuộc cách mạng văn hóa mới

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo