Út Sài Gòn
(VNTB) – Trong dân gian, có câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Để tiếng ở đây có thể là tốt, khi nhắc đến, nhiều người ca ngợi; cũng là một dạng nhắc để nhớ về nhưng lại là một dạng khuyên răn con cháu: “sau này sống hay học giỏi được làm ông này bà nọ cũng đừng như ông A. hay ông B. gì đó nha con”…
– Ê mày, đang suy nghĩ gì mà từ trường về đến đây tao nói mày không tập trung gì hết ráo trọi vậy?
– Cũng đâu có gì đâu, chỉ là có một vấn đề nho nhỏ trong lớp của tao thôi mà.
– Ái chà, nghe tò mò dã man. Kể cho tao nghe coi chứ mày biết tao “nhiều chuyện vốn sẵn tính” mà.
– Tao cũng không biết phải bắt đầu như thế nào. Mày biết đó, trong lớp tao làm Ủy viên ban chấp hành Đoàn. Bữa nay thủ quỹ nghỉ học, tao thế nó, đi thu tiền chuẩn bị một bữa tiệc cho mấy đứa có sinh nhật tháng này trong lớp như những tháng trước. Tao đi một vòng trong lớp thu. Có một học sinh không đóng, tao hỏi thì im ru, gục mặt xuống bàn thôi à. Tao chờ nó cũng khoảng hơn 10 phút. Nó cũng không thèm trả lời. Tao điên lên, chửi nó một tăng, phần bữa tao coi trên truyền hình, học được một từ mới nữa, áp dụng luôn.
– Từ gì mày?
– Ký sinh trùng với ký sinh. Tao nói nó mọi người đã hùn vào tổ chức sinh nhật cho nó cũng như mấy đứa khác ở tháng trước. Tháng này của người khác, phải hùn vào chứ, chuyện chung mà. Chứ không lẽ mày đang sống ký sinh trên lớp à?
– Gì nặng vậy ba? Người ta cũng là con người, cuộc sống khó khăn, dịch Covid19 hoành hành, kiếm sống còn khó nữa.
– Thì tao cũng chỉ bắt chước cái đài truyền hình quốc gia thôi mà. Họ cũng gọi mấy người bán hàng rong ở Sài Gòn là sống ký sinh đó thôi.
– Thiệt là bậy bạ hết sức. Bởi vậy tao mới thấy, đường đường là đài quốc gia mà muốn phát ngôn sao phát ngôn à. Cỡ học sinh như tụi mình, bắt chước là mệt nữa.
– Mà nói gì thì nói, giờ tao cũng thấy hối hận, thấy mình sai quá trời. Nhưng đang phân vân không biết nên nói lời xin lỗi không?
– Nếu mày thật tâm “ăn năn hối cải”, tao nghĩ mày nên xin lỗi người ta đi. Tao nghĩ không ai hẹp hòi với mày đâu. Chứ một đứa có chức vụ, quyền hành Ủy viên như mày, không thể tầm văn hóa kém đến cái mức hai chữ xin lỗi cũng không thể nói ra.
– Tao ngại. Không lẽ Ủy viên như tao mà nhận sai? Tao tính nhờ đứa bạn trong lớp đứng ra xin lỗi giùm.
– Thế lúc mày chấp nhận làm này làm nọ, mày có ngại không? Hay là mày hãnh diện nữa, tha hồ “vênh” mặt với người ta? Bạn mày có lỗi gì mà xin? Cũng có thể mày dùng quyền hành, ép người ta xin lỗi thế mày được đó. Mọi chuyện theo thời gian cũng sẽ trôi qua trong âm thầm lặng lẽ nhưng vốn dĩ sự thật là sự thật, nó đã diễn ra rồi. Bây giờ mày không cư xử phải đạo, tiếng xấu sẽ theo muôn đời.
– Tao cũng biết điều đó, nhưng có điều tao ngại. Dẫu sao tao cũng đang là Ủy viên ban chấp hành mà. Không lẽ giờ tao nhận sai?
– Con người ai mà chẳng sai? Nói một câu hơi lý thuyết, sai biết sửa là đáng khen. Mày có biết cái câu “hùm chết để da, người ta chết để tiếng” không? Bây giờ, còn một cơ hội để cho mày xin lỗi, cho mày sửa sai trước khi mọi chuyện trôi vào quên lãng. Không tận dụng điều này, sau này, có thể trước mặt mày, người ta không nhắc lại nhưng sau lưng mày thì như thế nào?
Còn cái chức Ủy viên của mày, tồn tại được bao lâu? 10 năm hay 20 năm? Mày muốn khi nhắc đến tên mày, người ta khen hay chê. Tùy ý mày lựa chọn thôi.
Tao nghĩ cái người mà mày xúc phạm, họ cũng chỉ chờ một câu xin lỗi thật lòng của mày thôi…
– Mày nói có lý. Mai tao sẽ lên xin lỗi bạn tao. Có như thế nào đi chăng nữa cũng được. Miễn sao mình “nhẹ nhõm” lương tâm là được…
Có thể nói, câu chuyện Út tui lượm lặt được ở hai đứa học sinh tuy không mới nhưng chắc là một số “ông quan” cũng không hề chú ý đến, nhất là khi con người lên “đỉnh vinh quang”. Mà một khi đã “lên đỉnh” xong thì cũng có lúc phải đi xuống thôi.
Cái tiếng để lại khi đó, thật ảnh hưởng lắm thay…