VNTB – Cờ bạc rượu chè ngày tết: bỏ được không?

VNTB – Cờ bạc rượu chè ngày tết: bỏ được không?

Dân Trần 

 

(VNTB) – Cờ bạc hay rượu chè có mức độ vừa phải thì mới vui



Ngày Tết là một truyền thống quan trọng của người Việt Nam, thường được coi là thời điểm để sum họp, tận hưởng niềm vui và kỷ niệm gia đình. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để mọi người “bung xoã” sau một năm vất vả, nhiều người sa đà vào cờ bạc, rượu chè  tới mức biến nó trở thành một tệ nạn nghiêm trọng.

Chuyện rượu bia chè chén đang ngày càng trở nên phổ biến trong các buổi liên hoan và tiệc tùng ngày tết. Năm ngoái, chỉ trong 3 ngày nghỉ tết đã có 68 người tử vong do ngộ độc bia rượu. Đó là chưa kể những vụ tai nạn giao thông xảy ra sau những cuộc nhậu, thậm chí, khó mà thống kê được những vụ đánh nhau vì bia rượu ngày tết.

“Biết là nhậu sai thì dễ gặp tai nạn và bị công an thổi nồng độ cồn, nhưng tết mà, bạn bè, người thân ai cũng uống một vài ly. Nếu mình từ chối thì người ta nói này nói nọ, nên cũng phải uống cho mọi người vui. Tôi thì mỗi lần đi chúc tết đều chở vợ theo, nên nếu có say thì có vợ đưa về nên cũng yên tâm”. Anh T.N., một người dân ở Long An tâm sự với phóng viên VNTB.

Ngoài bia rượu, thì đánh bài, chơi lô tô, bầu cua cá cọp là một hình thức giải trí được nhiều người ưa thích trong không khí ngày Tết sum vầy. Đây là một thú vui không chỉ trong gia đình, mà những cuộc họp lớp, họp nhóm mọi người cũng thường tụ lại “gầy sòng” cho xôm tụ…

“Tết nhứt mà không đánh bài thì mất hết không khí. Nhà tôi mỗi ngày tết là có khi chia ra ba sòng, người lớn thì kêu lô tô, tụi thanh niên thì chơi bài cào, xì dzách, còn con nít thì bầu cua cá cọp. Chơi ăn quỳ (ai thua thì quỳ gối, pv), hoặc mỗi ván vài ngàn mà vui cửa vui nhà. Trong nhà, trong xóm chơi với nhau thôi, chứ sát phạt thì không có. Thấy ai say máu là cả nhà nhắc nhở, kiềm chế người đó lại chứ không để mích lòng”. Chị Q.N. một người dân ở Sài Gòn nói với phóng viên VNTB.

Cái gì cũng có mức độ vừa phải thì vui, nhưng từ những số tiền cá cược vài ngàn đồng cho vui, rồi say máu tăng lên vài chục, vài trăm ngàn… Có những người chỉ sau 3 ngày tết là đốt hết số tiền dành dụm cả năm trời vô sòng bài. Để rồi từ “chặt heo” lại dẫn tới “chặt chém” nhau theo đúng nghĩa đen.

Một vài lời nói khích trong lúc căng thẳng có thể làm mất tình đoàn kết, gây gỗ, đánh nhau. Như trường hợp tết năm 2020, thượng uý công an Quốc Tuấn (tức Tuấn “Khỉ”) cũng vì đánh bài mà xảy ra mâu thuẫn với những người chơi chung. Ngày mùng 5 tết năm đó, một mình Tuấn đã cầm súng AK bắn chết 4 người và 1 người bị thương rồi sau đó Tuấn cũng bị công an bắn chết.

Không chỉ đánh bài, kêu lô tô tại nhà, mà ngày tết cũng là lúc các thanh niên tụ họp chơi đá gà… và bị công an bắt. Hầu như tết nào cơ quan công an cũng có chiến dịch vây bắt các tụ điểm đá gà, nhưng bắt chổ này rồi lại mọc ra chổ khác. Vậy là chỉ từ một thú vui giải trí ngày tết, cờ bạc, đá gà lại khiến nhiều người mất hết tài sản, bạn bè, thương tích, tử vong, tù tội.

“Theo quan điểm của tôi, cờ bạc rượu chè thật ra là một món giải trí. Nếu biết kiểm soát thì vui vẻ và không gây hại cho ai. Nhưng bây giờ người ta lạm dụng, ép nhau quá thì mới dẫn tới nhiều tệ nạn. Giả sử đi chúc tết, ai uống bia thì chở theo một người không uống để đưa về. Hoặc chơi bài thì có người điều tiết, có mức độ thì đâu có xảy ra vấn đề gì. Trường hợp nào lạm dụng thì nhà nước phải có chế tài, kiểm tra, xử phạt thật nghiêm thì tôi tin là vẫn cải thiện được tình hình. Chứ nếu mà cấm thì tôi nghĩ không cấm được”. Chị Q.N. nói.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)