Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có giỏi cỡ nào cũng không bằng “con ông cháu cha”

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – Bỏ tiền để đi du học nước ngoài thì không dễ gì quay về nước làm lính cho bọn không bằng cấp và năng lực để nhận lương 3 cọc 3 đồng.

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam vừa phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023, tiết lộ nhiều số liệu đáng báo động về tình trạng di cư lao động và du học sinh. Theo báo cáo này, từ năm 2017 đến 2023, gần 860.000 lao động đã ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, và số du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài đạt trên 250.000 người. Đặc biệt, khoảng 70-80% số du học sinh này đã không trở về nước sau khi hoàn thành chương trình học. Tình trạng “chảy máu chất xám” đang dần trở thành vấn đề nghiêm trọng, đặt ra nhiều thách thức cho sự phát triển của đất nước.(1)

Thực tế này là điều đáng buồn khi nguồn nhân lực chất lượng cao là những du học sinh, tài năng trẻ của đất nước lại không trở về để đóng góp cho quê hương. Hiện tượng “chảy máu chất xám” không chỉ gây ra sự mất mát lớn về số lượng lao động có trình độ mà còn kéo theo những hệ lụy khác cho nền kinh tế và xã hội. Sự thiếu hụt nhân tài có thể khiến Việt Nam tụt hậu với các nước khác trong khu vực, làm giảm khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự chênh lệch về thu nhập và chế độ đãi ngộ giữa trong và ngoài nước. Khi du học sinh tốt nghiệp, họ thường có cơ hội làm việc tại các công ty, tổ chức quốc tế với mức lương cao, môi trường làm việc hiện đại và chế độ đãi ngộ cực tốt. Ngược lại, tại Việt Nam, không ít tri thức trẻ cảm thấy bị gò bó trong môi trường làm việc thiếu thân thiện, thiếu công bằng và không đánh giá đúng năng lực cá nhân. Ở đây, họ phải đối mặt với việc, “bằng cấp” không quan trọng bằng “mối quan hệ,” và nhiều người cảm thấy khó khăn khi không thể khẳng định được năng lực mình.

Vấn đề này còn trầm trọng hơn khi nhiều người trẻ chứng kiến việc một số người không có năng lực nhưng lại được tiến thân nhờ “sự giúp đỡ” của các mối quan hệ thân hữu hoặc gia đình có quyền lực. Những người có khả năng nhận thức, trí thức trẻ cảm thấy mất niềm tin vào hệ thống chính trị, vào cơ hội phát triển sự nghiệp khi trở về nước. Họ cho rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội tiến xa nếu không có những mối quan hệ đặc quyền. Càng ngày thanh niên Việt Nam ngày càng có xu hướng lựa chọn xa quê hương, xa chế độ cộng sản để tìm kiếm một tương lai công bằng và xứng đáng hơn với năng lực thực sự của họ.

Tình trạng “chảy máu chất xám” không dừng lại ở hiện tượng những du học sinh không quay về mà còn là lời cảnh tỉnh đối với toàn xã hội. Nếu Việt Nam không có những cải cách thực sự và mạnh mẽ về chính sách đãi ngộ, cơ hội nghề nghiệp và tạo điều kiện cho sự phát triển của người lao động có trình độ cao thì không chỉ thế hệ trẻ hiện tại, mà tất cả các thế hệ sau này cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Đây không phải là điều mà bất kỳ quốc gia nào cũng mong muốn.

Để giải quyết vấn đề này, nhà nước cần có những chính sách cụ thể nhằm giữ chân nhân tài. Trước hết, cần tạo ra môi trường làm việc công bằng, nơi mà người lao động được đánh giá và trả công xứng đáng với năng lực thực sự của mình, không phải vì mối quan hệ hay sự thân thiết với cấp trên. Bên cạnh đó, các chế độ phúc lợi, đãi ngộ cần phải được cải thiện, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế để người lao động không còn so sánh thiệt hơn khi làm việc trong nước.

Ngoài ra, cần có các chính sách khuyến khích du học sinh trở về nước, không chỉ qua các chương trình làm việc, mà còn là các chính sách đãi ngộ về thuế, hỗ trợ công việc, hoặc tạo điều kiện cho họ có thể tự mở doanh nghiệp. Nhà nước cũng nên phát triển các chương trình hợp tác quốc tế để những du học sinh có thể tiếp tục làm việc với các đối tác nước ngoài trong khi sinh viên vẫn sống và làm việc tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp họ có thể đóng góp cho đất nước mà còn tạo cơ hội để họ áp dụng các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế vào thực tiễn.

 

___________________

Tham khảo:

(1) https://vietnam.iom.int/vi/news/cong-bo-ho-so-di-cu-viet-nam-2023

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Trò lừa lan đột biến đã quay trở lại

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Có những người vui mừng vì bão lớn

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Campuchia “nghỉ chơi”, Việt Nam ra sức níu kéo

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo