Phú Nhuận
(VNTB) – Khi vẫn lựa chọn sự tham gia và can thiệp của nhà nước, thì cần phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan khi ra các quyết định.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam.
“Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trên cơ sở những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được.
Như vậy xét riêng trong chuyện giá cả xăng dầu hiện nay đang khiến chính phủ Phạm Minh Chính phải ‘đau đầu’ trong chuyện điều hành, có lẽ cần thiết phải ‘cầu viện’ đến ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như hiến định tại điều 4.1 của Hiến pháp 2013.
Ông Lê Đăng Doanh – một chuyên gia kinh tế nhìn nhận thực tế không lạc quan như những gì mà Tổng bí thư nhầm tưởng. “Việt Nam hiện không có khả năng gì để trợ cấp hoặc tìm cách giảm tác động bằng ngân sách Nhà nước, trong khi tình hình ngân sách Nhà nước đã và đang khó khăn rồi” – ông Doanh phát biểu như vậy về chuyện giá cả xăng dầu.
Một chuyên gia về tài chính yêu cầu không nêu cụ thể danh tính cho biết cần tỉnh táo trước những mỹ từ “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín” mà Tổng bí thư thường hay nhắc đến cả trước và sau Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Một trong những vấn đề ở đây là sự giám sát trung lập mà trong nhiều trường hợp được coi là ‘bất khả thi’ khi theo điều 4 của Hiến pháp, thì Đảng toàn quyền lãnh đạo và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.
“Nếu đã chấp nhận cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước thì nhà nước tách chức năng quản lý nhà nước, nhiệm vụ an ninh năng lượng thành một mảng riêng có cơ chế vận hành độc lập với kinh doanh xăng dầu, điện…
Còn khi vẫn lựa chọn sự tham gia và can thiệp của nhà nước, thì cần phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan khi ra các quyết định. Hiện tại vì chỉ có một chiều nên nảy sinh rất nhiều ý kiến, phản ứng do mâu thuẫn quyền lợi là tất yếu. Tuy nhiên, lựa chọn nào cũng cần phải có sự minh bạch và giám sát của tất cả các bên liên quan. Đó là xu thế tất yếu trong hội nhập kinh tế quốc tế” – vị chuyên gia tài chính nói trên, nhận định.
Trong một góc nhìn khác về những mỹ từ “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín”, có thể thấy nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Băn khoăn ở giải pháp tình thế hiện nay đang rất cần thiết xin ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là làm sao để tiếp tục duy trì được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín, thì liệu tính toán giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu ở thời điểm hiện nay có ổn không?.
Bởi lẽ, ngân sách nhà nước đang phải gồng gánh các gói hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong khi đó, đà tăng giá xăng dầu đang gây áp lực lớn lên nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến tỷ lệ lạm phát và tăng trưởng nên đành phải tính toán chấp nhận giảm thu ngân sách để giảm giá loại nhiên liệu đầu vào trọng yếu này?