Minh Quân
(VNTB) – Vừa lộ thêm một nguồn cơn diễn giải tại sao trong một thời gian rất dài, Bộ Công thương luôn tìm cách “bảo kê” cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Phải có một cuộc cách mạng để “thay máu” cơ chế điều hành và chủ quản của Bộ Công thương. Không thể để cho giới quan chức bộ này tiếp tục “ăn bẫm cày sâu” trên nỗi thống khổ của người dân Việt.
Năm 2016, Petrolimex đạt doanh thu 123.127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.147 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử của tập đoàn xăng dầu này.
Đầu tháng 7/2017, Petrolimex ra thông báo trả cổ tức cao nhất từ trước tới nay của Tập đoàn này.
Với cơ cấu cổ đông hiện tại của Petrolimex, Bộ Công Thương nắm giữ 84,7% vốn cổ phần, sẽ nhận về khoảng 3.165 tỷ đồng tiền cổ tức.
Theo đó, lợi ích của Bộ Công thương là “môi răng” với Petrolimex.
Bộ Công thương lại là cơ quan chủ quản của Petrolimex. Không thể nhìn khác hơn, hiện tượng mà lâu nay công luận coi là “nhóm lợi ích xăng dầu” đã gắn chặt với một cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương.
Đó cũng là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến trong nhiều năm qua, giới lãnh đạo Bộ Công thương luôn khuyến khích và cổ vũ Petrolimex tăng giá xăng dầu, bất chấp kinh tế Việt Nam suy thoái trầm trọng, còn con dân nước Việt ngày càng cạn túi trước đà vơ vét dã an không ngừng nghỉ của các nhóm lợi ích và nạn tham nhũng.
Cần nhắc lại, chiến dịch vận động tăng giá xăng dầu đã luôn được Tập Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng giới quan chức chủ quản là Bộ Công thương và cơ quan chuyên “sáng tạo” thuế bổ đầu dân là Bộ Tài chính khai triển từ nhiều năm qua, đặc biệt sau thời gian Petrolimex đầu tư ồ ạt và trái ngành vào chứng khoán, bất động sản những năm 2007 – 2008 mà đã phải gánh số lỗ đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Vào thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Petrolimex đã có thật nhiều cơ hội để “bù giá vào dân”. Giá xăng dầu luôn được ‘thiết kế” tăng vào giữa hai kỳ họp quốc hội để tranh phản ứng. Khi giá dầu quốc tế tăng nhẹ, giá xăng dầu ở Việt Nam tăng mạnh. Còn khi giá dầu quốc tế giảm, giá xăng dầu Việt Nam đứng yên hoặc chỉ giảm nhỏ giọt.
Từ đầu năm 2017, một lần nữa trong hai năm liên tiếp, những cơ quan tham mưu đắc lực cho chính phủ và đảng là Bộ Tài chính và Bộ Công thương lại tìm cách “móc túi” tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường với 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng.
Trong khi đó lại xảy ra một nghịch lý đầy bóng dáng tiêu cực: năm 2016, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014, nhưng số thực chi cho bảo vệ môi trường chỉ chiếm có 30% trong tổng số thuế thu. Vậy 70% còn lại đi đâu?
Một dấu hỏi rất lớn mà công luận nêu ra với Chính phủ và các bộ ngành liên quan là trong lúc không xài hết số tiền thu thuế bảo vệ môi trường, chính quyền lại “quyết liệt” tăng giá xăng dầu để làm gì? Có phải để “tái cơ cấu gân sách” như mộ ngụy biện của giới “ăn của dân không chừa thứ gì”, hay thực chất là làm giàu thêm cho những kẻ đã giàu nứt đố đổ vách?
Nhưng câu hỏi trên chưa bao giờ được bất kỳ cơ quan nào trả lời.
Hãy trở lại với một tuyên ngôn củaThứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: “Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện ở mức 3.000 đồng/lít, nếu nâng lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10 – 20 lần so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay”, ….đối tượng thu và phương thức thu cũng “được lòng dân hơn”!
Lối xảo trá ngụy biện của giới quan chức lãnh đạo Bộ Công thương – cơ quan hưởng lợi trực tiếp từ Petrolimex – đã đạt đến thượng thặng của tính trơ tráo vô liêm sỉ!
Bộ Công thương cũng là cơ quan có số dự án ngàn tỷ “trùm mền” nhiều nhất. Bộ này lại nhiều lần cố tình phản bác đòi hỏi bỏ cơ chế bộ chủ quản. Trong số các bộ ngành điều hành về kinh tế, Bộ Công thương nằm trong nhóm bị tai tiếng về tiêu cực nhiều nhất.
Đã quá muộn, nhưng vẫn phải có một cuộc cách mạng để “thay máu” cơ chế điều hành và chủ quản của Bộ Công thương. Không thể để cho giới quan chức bộ này tiếp tục “ăn bẫm cày sâu” trên nỗi thống khổ của người dân Việt.