VNTB – Công an Hà Nội bắt tạm giam ông Nguyễn Lân Thắng

VNTB – Công an Hà Nội bắt tạm giam ông Nguyễn Lân Thắng

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Ông Nguyễn Lân Thắng bị bắt tạm giam để điều tra về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” được quy định tại Điều 117, Bộ luật hình sự.

Thông tin trên được Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội đưa tin, chiều 5-7 (https://congan.hanoi.gov.vn/tin-tuc/thuc-hien-lenh-bat-bi-can-de-tam-giam-15099) có nguyên văn như sau:

Ngày 05-7-2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Lân Thắng (SN: 1975, hiện trú tại 32/221 ngõ Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội) về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại Điều 117 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Các quyết định và lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn. Hiện vụ án đang được điều tra làm rõ”.

Tài khoản Facebook của ông Nguyễn Lân Thắng có hơn 150.000 người theo dõi, gần đây đăng tải bài viết liên quan nhiều vấn đề chính trị mang tính hậu trường. Chiều 5-7, tài khoản này vẫn đang mở và đưa tin rằng có thể sắp tới sẽ còn bắt bớ nhiều người khác (https://www.facebook.com/nkmh2011).

Khai thác về lý lịch nhân thân cho biết ông Nguyễn Lân Thắng là cháu nội của cố giáo sư Nguyễn Lân – người mà truyền thông nhà nước Việt Nam nói rằng đây là người thầy về tâm lý giáo dục và có công rất lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lý học, giáo dục học của hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam.

Thân phụ của ông Thắng là phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng, giảng viên bộ môn Hệ thống điện, khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ông Nguyễn Lân: đa chiều thông tin

Xin được dừng một chút ở đây để nói về cố giáo sư Nguyễn Lân – một nhân vật gây tranh cãi khi ông Lân tham gia đấu tố giáo sư Trương Tửu và giáo sư Trần Đức Thảo – sự kiện mà sau này có tin là ông Lân nói ân hận, việc mạo danh học hàm giáo sư và các sai lầm khi soạn từ điển tiếng Việt.

Tư liệu cho biết, ông Nguyễn Lân đã phê phán giáo sư Trương Tửu và giáo sư Trần Đức Thảo trong chiến dịch Nhân văn Giai phẩm: “       Sở dĩ có những lệch lạc ở một số sinh viên khoa Văn và khoa Sử là vì họ đã chịu cái ảnh hưởng tàn khốc của Trương Tửu và Trần Đức Thảo…  Nhà trường đòi hỏi các cán bộ giảng dạy trước khi lên lớp phải soạn giáo trình và giáo án; nhưng Tửu và Thảo thì không chịu viết giáo trình, lấy cớ là môn mình phụ trách khó quá chưa thể cho in thành tài liệu được. Sự thực là họ sợ mực đen giấy trắng dễ biểu lộ những tư tưởng phản động của họ. Họ thường tay không lên lớp rồi nói lung tung, không theo một phương pháp sư phạm nào. Vì không có giáo án nên đã có lần Trương Tửu không chuẩn bị, phải nhai lại một bài đã giảng kỳ trước, làm cho sinh viên hết sức công phẫn…

… Nhưng Trương Tửu và Trần Đức Thảo thì ngược lại, chỉ âm mưu dùng cái diễn đàn của trường đại học để đả kích chế độ, đả kích Đảng và xuyên tạc chân lý. Thí dụ: Tửu đã say sưa giảng về Vũ Trọng Phụng để chứng minh rằng Vũ Trọng Phụng sáng suốt hơn Đảng. Còn Thảo thì trong hai năm dạy lịch sử tư tưởng chỉ cố ý dừng lại ở Hêghen, không hề giảng đến Mác, Thảo luôn luôn dùng cái “hạt nhân duy lý” để xóa nhòa ranh giới giữa duy vật và duy tâm, xóa nhòa ranh giới giữa ta và địch. Quả là Tửu và Thảo đã dụng tâm làm tan rã lòng tin tưởng của sinh viên vào Đảng, vào chế độ”.

Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ông Trần Đức Thảo bị mất chức Phó Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chức Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trần Đức Thảo bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, cuộc sống bị cô lập. Còn ông Trương Tửu bị buộc phải thôi việc.

Về sau, có tin ông Nguyễn Lân tỏ ra ân hận về những phê phán của mình đối với giáo sư Trần Đức Thảo, sau khi ông Trần Đức Thảo nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cấp cao nhất của nhà nước Việt Nam: “Cả đời tôi sống thanh bạch, không làm điều gì để trái với lương tâm, chỉ có hai điều tôi cứ ân hận mãi. Một là tôi được các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến tận nhà thăm hỏi, những do tuổi cao, đi lại không thuận tiện nên chưa lần nào đến nhà đáp lễ được.

Điều thứ hai là, năm 1957, hồi tôi là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, được tổ chức phân công cuộc họp phê phán ông Trần Đức Thảo, một nhà triết học rất uyên bác. Là nhiệm vụ trên giao, tôi không thể không thực hiện, mà trong lòng thấy ân hận vô cùng. Rất mừng, năm 2000 các công trình nghiên cứu của giáo sư Trần Đức Thảo được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh”.

Ông Nguyễn Lân lập gia đình với bà Nguyễn Thị Tề, nữ sinh trường Sainte Marie ở Hà Nội, là con gái nhà đại điền chủ Nguyễn Hữu Tiệp, người có công chính thành lập trường tiểu học Bạch Hạc – Việt Trì.

Ông bà có tám người con: 7 trai và 1 gái, dù sinh ra và lớn lên trong chiến tranh Việt Nam nhưng 8 người con của ông đều không tham gia vào cuộc chiến. Tất cả đều là giảng viên đại học, bảy con ông có học vị tiến sĩ, trong đó có bốn giáo sư, ba phó giáo sư.

Những con chốt thí trên bàn cờ chính trị?

Sống trong một đại gia đình khoa bảng như trên nên không lạ khi ông Nguyễn Lân Thắng có được những nguồn tin “nhạy cảm” về chính trị khá nhanh, nhạy. Giới thạo tin nói rằng ở Hà Nội trước đây có cặp bài trùng về chuyện tin tức chốn hậu trường đáng gờm là Bùi Thanh Hiếu – Nguyễn Lân Thắng.

Trong một bài viết của ông Bùi Thanh Hiếu đăng ngay sau khi có tin ông Nguyễn Lân Thắng, có nội dung đầy ẩn tình như sau:

“Không hiểu cơ quan an ninh công an thành phố Hà Nội bắt Lân Thắng vì điều gì?

Nếu thấy do cuộc đấu đá cấp cao đang diễn ra gay gắt, vì không muốn cho các Facebooker đình đám bàn tán ảnh hưởng dư luận, nên bắt Lân Thắng thì đó là sai lầm.

Tôi vừa theo dõi FB Thắng, thấy vẫn có người thản nhiên sử dụng FB này viết status.

Mọi người nghĩ sao khi Lân Thắng đã bị bắt rồi, trên trang FB có tên Nguyễn Lân Thắng ấy có những tin bí mật động trời được tung ra, do ai đó gửi đến. Thời điểm này mà FB đó vẫn có người sử dụng là điều hiếu kỳ, đúng lúc đó tin động trời lại được tung ra, Lân Thắng thì ở trong tù. Người ta sẽ xúm vào đọc và thành hiện tượng hot nhất mạng xã hội. Vì chắc chắc người đang sử dụng FB Lân Thắng kia không phải là người đơn giản.

Có lẽ nào, cơ quan an ninh công an thành phố Hà Nội bắt Lân Thắng, rồi ép anh ta đưa những tin tuyệt mật về nội bộ lên mạng để phục vụ cuộc đấu đá thêm phần gay cấn?

Chờ xem, nếu vài ngày nữa trang facebook của Lân Thắng có tin gì hot hay không. Nếu có, chuyện sẽ rất phức tạp”.

Tính đến hiện tại thì bộ đôi Bùi Thanh Hiếu – Nguyễn Lân Thắng có khá nhiều bài viết chính trị đề cập chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc có liên quan đến những áp phe làm ăn đáng ngờ trong vụ kit test Việt Á, và ông Phúc đang muốn thoát vụ này bằng cách tìm kiếm ghế quyền lực cao nhất nước là “Tổng bí thư”.

Ông Trương Tấn Sang cũng được nhắc tới trong những nội dung mới nhất trên tài khoản facebook của ông Bùi Thanh Hiếu và ông Nguyễn Lân Thắng.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)