Hoài Nguyễn
(VNTB) – Căn cứ theo pháp luật hiện hành, thì rất có thể nếu chấp nhận có những tổ chức gọi là công đoàn độc lập, sẽ là mối đe dọa cho thể chế chính trị ở Việt Nam.
Việt Nam Thời Báo hôm 10-7-2020 có đăng bài viết của tác giả Trần Ngọc Thành về chủ đề nghiệp đoàn độc lập (1). Theo đó, ông Thành cho rằng nhà chức trách Việt Nam ở thập niên đầu 2000 đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc hình thành những tổ chức kêu gọi chấm dứt sự độc quyền về công đoàn tại Việt Nam.
Ông Thành nhìn nhận đến nay mặc dù Việt Nam đã phê duyệt Công ước số 98 của tổ chức Lao động Thế giới ILO, song vẫn phải chờ đợi sự đồng bộ của việc Quốc hội Việt Nam phê duyệt Công ước số 87 về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức.
Ông Thành thận trọng, khi hoài nghi việc hình thành một vài tổ chức mang tên gọi dáng dấp về quyền tổ chức và thương lượng tập thể ở Công ước số 98. Bởi khi chưa có quyền về tự do hiệp hội, thì những tổ chức công đoàn độc lập ra đời sẽ dễ được cho là vi phạm pháp luật Việt Nam.
Công ước 98, tên đầy đủ là Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể 1949, bao gồm có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
Những tổ chức được thành lập nhằm để “bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử”, nếu được xem là sự cạnh tranh bình đẳng về ý nghĩa bảo vệ người lao động, chấm dứt sự độc quyền công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì một khi vẫn chưa có quyền tự do hiệp hội, về nguyên tắc, các tổ chức công đoàn độc lập vẫn phải chịu sự điều chỉnh của “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân”.
Sự điều chỉnh này được ghi rõ tại điều 1, Luật Công đoàn 2012:
“Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Ý thức hệ nói trên, nếu đặt trong bối cảnh của lời giải thích cho việc ra đời một vài tổ chức mang tên công đoàn/ nghiệp đoàn độc lập, là thuộc vấn đề điều chỉnh của Công ước 98 mà Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn, thì xem ra lối viện dẫn ấy vẫn có thể bị quy chụp về các hành vi hình sự liên quan trong nhóm “Các tội xâm phạm an ninh quốc gia”, thuộc Chương XIII, Bộ Luật hình sự, với các cáo buộc cụ thể tại các nội dung của: Điều 115. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội; Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết; Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Điều 118. Tội phá rối an ninh.
Người viết bài này cho rằng những nhắc nhở đầy trách nhiệm của ông Trần Ngọc Thành ở “Ý kiến về tuyên bố ra mắt ‘Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam”, là xác đáng, cần lưu tâm với tất cả sự cẩn trọng cho mọi hành động nhân danh vì quyền lợi của người lao động tại Việt Nam. Đặc biệt là từ năm 2021, rất có thể tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, sẽ gánh thêm trách nhiệm trong đàm phán lương của người lao động với phía sử dụng lao động. (2)
____________________
Chú thích:
(1) https://vietnamthoibao.org/y-kien-ve-tuyen-bo-ra-mat-nghiep-doan-doc-lap-viet-nam/