Việt Nam Thời Báo

VNTB – Công đoàn độc lập với thách thức lao động Việt ở nước ngoài

Thảo Vy (VNTB) Cũng như nhiều người lao động trong khu vực ASEAN, mỗi năm, hàng chục ngàn lao động Việt Nam rời quê hương để đi làm việc ở nước ngoài. Những lao động này ra đi với hy vọng có được công ăn việc làm đàng hoàng và cơ hội để cải thiện được cuộc sống sau này. Liệu có tổ chức công đoàn độc lập nào để bảo vệ những lao động Việt ở xứ người?

Chưa có ai bảo vệ
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lúc thành lập có tên là Tổng công hội đỏ Bắc kỳ do Ban chấp hành TW lâm thời Đông Dương Cộng sản đảng sáng lập, và lấy ngày tổ chức Hội nghị đại biểu Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất, 28-7-1929 làm ngày thành lập. Theo Hiến pháp, thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thay mặt cho công nhân, viên chức và lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, viên chức và lao động.
Tuy nhiên 87 năm qua, Tổng công hội đỏ Bắc kỳ cho đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa bao giờ bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc.
Theo một báo cáo nghiên cứu cơ sở dữ liệu ban đầu vào năm 2011 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), không người lao động nào nắm được thông tin về các chi phí cụ thể để đi làm việc ở nước ngoài, hoặc họ cũng không biết chút thông tin nào về quy định của Chính phủ liên quan đến tiền dịch vụ, tiền môi giới cũng như các khoản chi phí phải được hoàn trả. Một nửa trong số 300 người được hỏi, không biết họ nên đi làm việc ở nước ngoài thông qua kênh nào, và 95% trong số họ không biết họ có quyền được cất giữ hộ chiếu trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Khi lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được chi trả mức tiền lương thấp hơn quy định, bị bóc lột hoặc không được chi trả bồi thường thương tật khi làm việc, việc tiến hành các thủ tục khiếu nại, tố cáo đối với họ là một việc khó, hoặc mất rất nhiều thời gian đối với cả người lao động và các chính quyền địa phương. Những rào cản họ có thể gặp phải trong quá trình khiếu nại, tố cáo bao gồm việc thiếu hiểu biết về quyền của mình, không biết phải liên hệ với cơ quan nào để được hỗ trợ, các khoản chi phí cao có liên quan, hoặc sợ những hệ quả bất lợi từ phía người sử dụng lao động như bị cắt giảm giờ làm việc.
Người lao động cũng có thể gặp phải nhiều khó khăn trong việc thu thập các bằng chứng để hỗ trợ cho quá trình khiếu nại của mình. Điều này có thể do họ không có bản sao các hợp đồng cũng như các giấy tờ liên quan, sự khác biệt về các điều khoản trong hợp đồng mà người lao động đã ký với công ty đưa đi và người sử dụng lao động tại nước ngoài, hoặc những vấn đề khó khăn khác như hạn chế về khả năng ngoại ngữ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đứng bên ngoài tất cả những khó khăn trên mà người lao động Việt Nam phải cam chịu; đặc biệt là thời kỳ xuất khẩu lao động ồ ạt sang Liên Xô và Đông Âu thập niên 80 thế kỷ trước. Hiện nay, tình hình chỉ khác ở chỗ là người lao động Việt Nam tại nước ngoài có thể nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức hội đoàn phi chính phủ do chính người Việt Nam lập ra tại nước ngoài.
Công đoàn độc lập cho lao động Việt tại nước ngoài?
Không cần đợi đến Hiệp định TPP có hiệu lực, mà ngay từ lúc này đã có thể thành lập các tổ chức công đoàn độc lập của người Việt Nam ở bất kỳ quốc gia nào là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với căn cứ pháp lý là Công ước số 87 ILO.
Cụ thể, “Người lao động và người sử dụng lao động, không bị phân biệt về bất cứ yếu tố gì, đều có quyền thành lập, chỉ phải tuân theo các quy định tổ chức liên quan, và gia nhập các tổ chức mà họ tự lựa chọn mà không cần phải xin phép trước. Tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động có quyền thảo ra Hiến chương và điều lệ, hoàn toàn tự do lựa chọn đại diện, tổ chức hành chính và các hoạt động, cũng như lập chương trình. Các cơ quan công quyền phải kiềm chế bất cứ can thiệp nào mà có thể hạn chế quyền này hay ngăn cản việc thực thi quyền này theo pháp luật”. (Điều 2, 3 Công ước 87 ILO).
Câu hỏi đặt ra: các tổ chức công đoàn độc lập của người Việt lập ra như vậy liệu có đơn độc trong bảo vệ quyền lợi của lao động Việt tại xứ người? Câu trả lời là không, nếu như những tổ chức này không dẫm lại vết đổ sai lầm, là cứ khăng khăng “độc quyền lãnh đạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam suốt 87 năm qua.
“Điều 4. Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động không thể bị giải tán hay tạm ngưng hoạt động bởi cơ quan hành chính; Điều 5. Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động có quyền thành lập và tham gia liên đoàn và liên minh, và bất cứ tổ chức, liên đoàn hay liên minh nào như vậy đều có quyền liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động và người sử dụng lao động; Điều 6. Những quy định của các Điều 2, 3 và 4 ở đây áp dụng đối với cả các liên đoàn và liên minh của tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động”. (Công ước 87 ILO)
Tính đến đầu năm 2016, ngoài tổ chức Liên đoàn Lao động Việt Tự Do thành lập ngày 17-1-2014 tại Bangkok, thì có các tổ chức: Mạng Lưới Các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự Độc Lập Việt Nam (VICSN); Quy trình Quốc gia về Hội nghị Xã hội Dân Sự ASEAN/ Diễn Đàn Người Dân ASEAN (ACSC/ APF). Các tổ chức công đoàn độc lập của Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có thể liên kết, liên minh với những tổ chức, hội đoàn này để củng cố thêm sức mạnh trong bảo vệ quyền lợi của người lao động và cả chủ sử dụng lao động.
Lưu ý, thực thi cam kết theo Công ước 87 ILO mà TPP đã yêu cầu tại nội dung ở Điều 19, bao gồm cả người lao động và người sử dụng lao động. Nếu Nhà nước Việt Nam cản trợ quyền này, thì chủ công ty có thể yêu cầu tòa án của bất kỳ quốc gia nào đã ký kết TPP, xử phạt Nhà nước Việt Nam.

Tin bài liên quan:

VNTB – Vụ 62 lao động thắng kiện ở Đà Nẵng có bị lợi dụng?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Bàn luận về công đoàn độc lập ở Việt Nam dễ bị khép là “làm lộ bí mật”

Do Van Tien

VNTB – Những kêu gọi về công đoàn độc lập chỉ nhằm lật đổ chế độ cộng sản?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.