Ngọc Lan
(VNTB) – Vì “mất đoàn kết” nên mới cần “đoàn kết”…
Ngày 7-9 tại TP.HCM diễn ra Đại hội Đại biểu người Công giáo Việt Nam TP.HCM xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lần thứ 9, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Đại hội có chủ đề “Hiệp hành – chia sẻ – phục vụ”.
“Đồng bào Công giáo ngày càng đoàn kết và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực thực hiện theo đường hướng Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” – trích báo cáo của Đại hội.
Đại hội đã chọn ra 99 nhân sự tham gia vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP HCM, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Linh mục Đinh Ngọc Lễ làm Chủ tịch. Linh mục Phan Khắc Từ làm Chủ tịch danh dự. Trong nhiệm kỳ mới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP.HCM sẽ kế thừa và phát huy các giá trị đã đạt được, tập trung vào các mục tiêu như phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới phương thức hoạt động, tiếp tục đường hướng đồng hành cùng dân tộc.
Thắc mắc ở đây về tên gọi của tổ chức xã hội dân sự kể trên: có phải vì Công giáo ở TP.HCM không đoàn kết nên người ta mới phải thành lập một Ủy ban Đoàn kết Công giáo?
Một khó hiểu khác là tuy mang tên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, song Ủy ban này lại không trực thuộc Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, mà là một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Có ý kiến về nguồn gốc của tổ chức mang màu sắc tôn giáo nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào đảng chính trị này như sau: Tiền thân của tổ chức này là Việt Nam Công giáo Cứu quốc Hội, một tổ chức tập hợp tín đồ Công giáo chống thực dân và đế quốc, là thành viên của Mặt trận Việt Minh.
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 14 tháng 8 và 15 tháng 8 năm 1945, trong mục nói về vận động tôn giáo thể thao ghi rõ: Mở rộng Việt Nam Công giáo Cứu quốc Hội. Cố cảm hóa quần chúng các hội Phật Thầy và Cao Đài.
Khi Cách mạng tháng 8 nổ ra, nhiều tín đồ Công giáo Cứu quốc tham gia giành chính quyền cũng tham gia vào thành phần của chính quyền mới.
Tuy nhiên, sự hợp tác nhanh chóng thay đổi, đặc biệt từ sau sắc chỉ của Giáo hoàng Piô XII năm 1949, cấm người tín đồ Công giáo cộng tác với người theo chủ nghĩa cộng sản, phạt vạ tuyệt thông bất cứ người Công giáo nào gia nhập đảng cộng sản.
Theo tài liệu của Tuyên giáo Đảng thì các thành viên Công giáo Cứu quốc bị phân hóa thành 2 nhóm. Một nhóm chịu ảnh hưởng của Giám mục Tađêô Lê Hữu Từ hoạt động tách rời khỏi sự kiểm soát của chính quyền Việt Minh, có xu hướng vũ trang cho giáo dân, tổ chức thành những đội vũ trang Tự vệ Công giáo, biến các giáo khu thành những chính quyền tự trị, ngoài sự kiểm soát của chính quyền Việt Minh.
Thậm chí để đổi lấy quyền tự trị, chấp nhận thỏa hiệp với người Pháp để chống chính quyền Việt Minh, thậm chí nhận cả súng đạn của người Pháp để trang bị cho lực lượng Tự vệ Công giáo, cùng quân Pháp thực hiện các cuộc càn quét tiêu diệt quân Việt Minh.
Nhóm còn lại, vẫn đi theo Việt Minh, tham gia phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vì vậy nhóm này không đứng trên danh nghĩa của Hội Công giáo Cứu quốc nữa mà hình thành một tổ chức riêng với tên gọi Ủy ban Liên lạc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc, Yêu hòa bình, gọi tắt là Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc.
Nhóm này vận động các giáo dân tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp của Việt Minh, phát hành báo Sáng danh Chúa, cho đến khi chính quyền Việt Minh giành được thắng lợi và kiểm soát hoàn toàn miền Bắc.
Ở Nam Bộ có Hội Công giáo kháng chiến Nam Bộ, phát hành báo Vì Chúa – vì Tổ quốc.
Sau tháng 4-1975, từ ngày 8 tháng 11 đến ngày 10 tháng 11 năm 1983, một đại hội đại biểu thống nhất của Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc tại miền Bắc và Hội Những người Công giáo kính Chúa yêu nước tại miền Nam được tổ chức tại Hà Nội, thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước Việt Nam.
Việc thành lập Uỷ ban này được xác nhận là theo tư tưởng đoàn kết dân tộc, tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương từ Đảng Cộng sản Việt Nam. Bảy năm sau, một đại hội đại biểu được tổ chức từ ngày 10 tháng 10 đến ngày 12 tháng 10 năm 1990, đã đổi tên Ủy ban thành Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Tính đến hiện tại thì theo quan điểm của không ít học giả, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam được cho là tổ chức theo mô hình Hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc, dù Ủy ban được hình thành trước và thiên về tính chất dân tộc xã hội hơn là tôn giáo. Ủy ban Đoàn kết Công giáo không trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Phía các học giả phản đối đưa ra chứng cứ là sau vụ di cư năm 1954, đầu năm 1955, Ban Bí thư Trung ương ở Hà Nội đã ra Thông tư số 1/TT-TW do ông Nguyễn Duy Trinh ký hướng dẫn thành lập Ủy ban Liên lạc Công giáo trong đó ghi mục đích là “Tranh thủ rộng rãi các giáo sĩ và giáo dân; Làm cơ sở vững chắc cho các phần tử yêu nước tiến bộ trong công giáo”.
Từ năm 1995, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Và trong Ủy ban luôn có chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với tóm lược trên cho thấy “đoàn kết” ở đây mang yếu tố chính trị, không phải về vấn đề thuần nghĩa niềm tin vào tôn giáo. Chính điều đó nên tổ chức này không có “chính danh” trong Giáo hội, không phải là tổ chức của Giáo hội và không được giáo quyền thừa nhận.
Nhiều người vẫn xem đây là tổ chức “quốc doanh” do Đảng và Nhà nước lập ra, nên có cái nhìn thiếu thiện cảm.