(Bài viết phản hồi loạt bài công kích Mục sư Nguyễn Hồng Quang của báo Sài Gòn Giải Phóng)
Mục sư Nguyễn Hồng Quang |
(VNTB) – Sau khi đọc xong loạt bài công kích MS Nguyễn Hồng Quang trên Báo SGGP, tôi muốn nói thêm đôi điều để rộng đường dư luận và hy vọng thức tỉnh chút ít lương tâm của những người mang danh nhà báo.
Tôi là tín đồ của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Miền Nam(CMA). Còn Ông Quang là Mục sư của Giáo hội Menonite. Vậy xét về tổ chức tôi không liên quan gì tới MS Nguyễn Hồng Quang. Xét về mối quan hệ thì tôi mới biết sơ qua MS Nguyễn Hồng Quang trong thời gian gần đây qua một người bạn. Và hơn nữa tôi là người đố kỵ công khai công kích cá nhân, và cũng không công khai tán thưởng hay doa nịnh ai bao giờ. Vậy nên không việc gì tôi phải đi bênh vực Ông Ms Quang cả.
Và trong bài viết này nếu có đụng chạm đến ai đó hay có trưng dẫn một vài tình tiết nào tôi biết được thì xem đó như những luận chứng cho bài viết này, nếu có sai sót xin mọi người có liên quan lượng thứ.
Tôi thiết nghĩ và cũng từng khuyên nhiều bạn bè tôi làm nhiều ngành nghề khác nhau, nhất là ngành y tế và ngành mầm non rằng: nếu mình không yêu nghề, hay không có cái tâm với nghề thì tốt nhất mình nên từ bỏ nó đi làm nghề khác, thậm chí đi lao động chân tay kiếm sống, tuy có vất vả nhưng tối về thanh thản lương tâm lăn đùng ra ngủ. Thì đối với nghề báo cũng không ngoại lệ, vì thời buổi nay chỉ cần cây bút hay con chuột máy tính cũng đủ làm chết người ta vậy.
Vậy cái tâm của người làm báo nằm ở đâu trong khi nó còn vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí?
Quốc gia nào cũng có luật pháp nghiêm minh nhằm răn đe những người vi phạm pháp luật, nhưng phía sau đó đều có những chính sách nhân đạo để mở cho người ta một con đường sống, con đường hoàn lương. Chính vì vậy hầu hết trên thế giới luật báo chí của các nước đều rất chặt chẽ và nghiêm minh trong lĩnh vực đưa tin theo kiểu xúc phạm đời tư thế này.
Trở về bài viết của Báo SGGP núp dưới bút danh “Nhóm phóng viên CT-XH) tha hồ công kích mạ lỵ đời sống riêng tư của nhà lãnh đạo tôn giáo này một cách không thương tiếc, không theo một quy định nào hay thể hiện chút lương tâm nghề nghiệp tối thiểu của người viết báo.
Tôi có được một số nguồn tin đã được kiểm chứng khá chính xác về đời tư của MS Quang. Không hề có như những gì mà loạt bài báo này công kích.
Thứ nhất, tôi được biết MS Quang đã tốt nghiệp Đại học Luật TP HCM, sau đó ông theo học và tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học và được cấp bằng bởi hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Và Ông cũng là một võ sư.
Vậy thì về học vị của Ông là có thực chứ không phải “hữu danh vô thực”. Còn về chức danh thì Ông được Giáo hội Menonite của quốc tế phong chức cho Ông vào năm 2001. Đó có thể và cũng lẽ đương nhiên là không phải nhà nước VN phong chức. Và thường thì những người tốt nghiệp Thần học hệ Đại học thì đã đủ phong chức Ms rồi, huống gì Tiến sĩ. Còn về chức danh luật sư thì cũng dễ hiểu vì Ông không phải là người kiếm sống bằng nghề luật nên Ông không phải học thêm nghiệp vụ tư pháp ngắn hạn hay gia nhập Đoàn luật sư để được có chức danh đó, nhưng đã tốt nghiệp ĐH Luật thì nếu gọi nôm na là Luật sư theo kiểu “ngoài ngành” thì cũng không có gì đáng nói.
Nhưng trong bài này, mở đầu thì tác giả nói: “Ms Nguyễn Hồng Quang đã từng là Phó Hội trưởng Tin lành Menonite, nhưng rất tiếc ông đã vi phạm pháp luật nên bị đuổi ra khỏi Giáo hội”, Nhưng sau đó tác giả cứ liên tục công kích với danh xưng: “Mục sư tự phong”, là ta đã thấy sự mâu thuẫn cỡ nào?
Tôi cũng được gặp Ông Quang vài lần, tôi thấy Ông là người giản dị, tôi thấy khi làm gì thì Ông thường mặc cả quần lửng để cùng làm với các sinh viên Thần học và các sinh viên ở đây thường gọi Ông là “Cha” với thái độ trìu mến và kính trọng (vì thường bên Tin Lành chỉ gọi là Mục Sư hay Thầy chứ không có chức Cha). Ông cũng chẳng khoe khoan gì như bài báo đã công kích.
Còn nói về đời sống đạo đức của một con người, mà hơn nữa người đó đáng Cha Chú, đáng Thầy mình thì tôi không dám đi sâu. Nhưng tôi hiểu rằng dù Ông có là Ms hay người tu hành thì Ông cũng là con người, nên tôi không tin rằng Ông hoàn hảo hay thánh thiện tuyệt đối. Nhưng ít ra họ cũng là người hành đạo và dạy đạo, tôi không tin như những gì bài báo này bịa đặt.
Sau khi đọc loạt bài này, tôi có dịp ghé lại Bến Cát, gần Viện Thánh Kinh Thần học của Ông Quang, thử hỏi vài người thì người ta vẫn tỏ ra kính trọng Ông và trả lời đúng như những gì tôi nghĩ. Tức Ông thường dạy nhạc và có chương trình hát Thánh ca, Cầu nguyện và học kinh Thánh vào ban đêm. Còn sinh viên trong Viện thì có trai, có gái, nhưng họ có phòng riêng và cũng có kỷ luật hẳn hoi. Vậy mà bài báo này dám dựng lên là Ông thường tập trung trai gái đàng điếm, nhậu nhẹt, say xỉn, ca hát, la hét, dám vu khống cho cả nơi chốn lẫn con người, mà nơi và người đó ít ra không phải hoàn toàn trần tục.
Công an bắt những thành viện Giáo hội Tin lành Menonite như tội phạm, Bình dương đêm 09/06/2014. Ảnh: thanhnienconggiao |
Chỉ sơ qua vài điểm vậy thôi là đủ thấy bài báo trên như thế nào. Chưa kể những vi phạm nghiêm trọng mà không có chút tâm lẫn tầm của người làm báo.
Thứ nhất thường thì bài báo có một mà tối đa là hai tác giả, ngoại trừ dạng phóng sự. Và theo Luật báo chí thì bài báo phải để rõ tên tác giả hoặc bút danh rõ ràng. Vậy thì đây lại để “nhóm phóng viên CT-XH” thì có phải là mờ ám không?
Thứ hai, việc kết tội và luận tội một ai đó thì phải do Công an điều tra, sau đó là Viện kiểm sát và Tòa án, chứ ngoài ra không một ai có thể làm thay điều đó. Còn nếu một vụ án hình sự mà tội phạm mang tính chất nguy hiểm cần cảnh báo cho xã hội biết thì nhà báo phải trưng dẫn quyết định khởi tố vụ án, kết quả điều tra, hay bản án của Tòa án. Còn nếu không có những điều đó thì có thể kết luận nhà báo đó tội bịa đặt, vu khống theo bộ luật hình sự.
Nghĩ đơn giản rằng nếu một người đã biết cầm tờ báo để đọc hay một người biết cầm con chuột máy tính để xem tin tức, họ sẽ nhận ra và đánh giá quá thấp, thậm chí không thèm xem dạng bài công kích không có cơ sở kiểu này. Mà nếu thế giới biết lại đánh giá thấp cả nền báo chí VN. Nên đây không phải là sai lầm của người viết báo mà của cả ban lãnh đạo tờ báo Sài Gòn Giải Phóng và cả ngành truyền thông nữa, cần rút kinh nghiệm không để xảy ra tương tự.
Võ Ngọc Lục
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả.