Anh Quân
(VNTB) – Thảm cảnh của công nhân Việt Nam tại Serbia không có gì thay đổi sau hai tuần kể từ ngày phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, cho biết nhân viên Sứ Quán Việt Nam tại Rumani đã đến thăm.
Ước mơ có một mức lương khá hơn đã đưa Kim (không phải tên thật) từ một làng nhỏ ở tỉnh Nghệ An đến một nhà trọ ở thành phố Zrenjanin, một thị trấn nhỏ ở Serbia, 75 km về phía bắc từ thủ đô Belgrade, nơi có đội bóng nổi tiếng một thời với người hâm mộ Việt Nam, đặc biệt là những người ở miền Bắc, đội banh Red Star Belgrade, đã từng giành chức vô địch Champion League trước đội Marseille của Pháp sau loạt sút luân lưu. Mọi việc không diễn ra như anh và gần 500 công nhân khác mong đợi.
Vào giữa tháng 11 vừa qua, các tổ chức phi chính phủ ở Serbia đã “vạch trần việc bóc lột, và có thể là buôn người đối với các công nhân Việt Nam” được thuê làm việc tại công trường xây dựng nhà máy lốp xe đầu tiên tại Âu châu của công ty Ling Long, Trung Quốc. Công nhân cáo buộc họ bị tịch thu hộ chiếu ngay khi đặt chân xuống Serbia. Họ phải ở trong những công-ten-nơ chật chội, bẩn thỉu và chỉ có hai nhà vệ sinh cho 500 người(1).
Sau khi phản đối kịch liệt, họ đã được di chuyển đến một địa điểm mới nhưng hoàn cảnh cũng chẳng khác gì hơn.
Ngày 21 tháng 11 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, cho biết Sứ Quán Việt Nam tại Rumani đã liên lạc với những công nhân này(2).
Hai tuần đã trôi qua, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi
Họ vẫn không được dùng máy sưởi, dù căn phòng ở có máy sưởi và nhiệt độ ngoài trời có lúc xuống dưới âm 2 độ C(3). Chủ Trung Quốc đã khóa nguồn, không cho máy chạy. Video công nhân tại đó nói về tình trạng này: https://youtu.be/iI53IML17os
Bữa cơm của họ vẫn tồi tệ như trước. Buổi sáng, vẫn là một tô cơm trắng và một trái trứng luộc, như mọi ngày kể từ khi họ đặt chân lên công trường xây dựng này. Video về bữa ăn của công nhân: https://youtu.be/xtvhufIZCg0
Họ vẫn chưa thấy có giấy bảo hiểm y tế hay tai nạn dù hợp đồng lao động giữa những công nhân này và chủ lao động Trung Quốc quy định phải có bảo hiểm y tế và tai nạn cho người lao động. Những công nhân này cho biết, khi bị nhiễm Covid, họ bị buộc phải tự cách ly tại ký túc xá và không được chăm sóc y tế hay đi bệnh viện. Khi nghỉ làm vì bị nhiễm Covid, họ không có lương.
Không hiểu khi nhân viên Sứ Quán Việt Nam đến gặp công nhân có xem hợp đồng lao động không nhưng luật gia Mario Reljanovic, thuộc tổ chức Comparative Law in Belgrade, một chuyên gia về lao động thì hợp đồng này có nhiều điểm vi phạm luật Serbia(1). Đặc biệt, trong hợp đồng và các giấy cam kết còn có đoạn ghi “Tôi đã được công ty cho biết rằng: phạm tội trộm cắp sẽ bị nước sở tại chặt đứt tay, phạm tội giết người hoặc phạm trọng tội sẽ bị chém đầu.”
Trong khi đó, chúng tôi chưa thấy Bộ Ngoại Giao, Bộ Lao Động, và các cơ quan hữu quan khác thông báo về kết quả làm việc của họ trong việc giúp đỡ các công nhân này cũng như các bước cụ thể dự định tiến hành kế tiếp.
Mọi nỗ lực kêu cứu của công nhân đều rơi vào hư vô.
Gọi đường dây nóng của Sứ Quán Việt Nam tại Rumani trong giờ làm việc. Máy đổ chuông nhưng không có người bắt. Điện thoại cũng không cho để lại lời nhắn. Clip gọi điện thoại: https://youtu.be/evh_dsI0_ng
Gọi công ty môi giới lao động liên quan, công ty Song Hỷ Gia Lai. Ông Ngạn, giám đốc, vui vẻ bắt máy và nói chuyện khi được hỏi về việc xin đi xuất khẩu lao động nhưng khi hỏi tới việc công nhân ở Serbia kêu cứu thì ông … xin cúp máy vì bận. Clip gọi điện thoại: https://youtu.be/BdPcKHhFk-w
Công nhân Việt Nam tại Serbia còn phải chờ sự can thiệp của Đảng và Nhà Nước… chờ đến bao giờ?
__________________
Tài liệu tham khảo
https://vietnamthoibao.org/vntb-cong-nhan-viet-nam-bi-boc-lot-tai-du-an-lop-xe-trung-quoc-o-serbia/
https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/viet-nam-va-the-gioi/canh-kho-khan-cua-cong-nhan-viet-nam-trong-nha-may-trung-quoc-tai-serbia-794990.html