Hoài Nguyễn
(VNTB) – Dường như “họ” không mấy quan tâm tới công pháp quốc tế trong việc tổ chức quyền lực nhà nước, xây dựng pháp luật và quản trị quốc gia trong khi đòi hỏi hội nhập quốc tế
Liên hiệp quốc coi pháp quyền là “một nguyên tắc quản trị mà trong đó tất cả mọi cá nhân, tổ chức, thiết chế, cả công và tư, bao gồm cả Nhà nước, đều phải tuân thủ pháp luật được công bố công khai, được áp dụng bình đẳng và được phán quyết một cách độc lập, phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Pháp quyền đòi hỏi các biện pháp để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, trách nhiệm pháp lý, công bằng trong áp dụng pháp luật, phân chia quyền lực, sự tham gia vào việc ra quyết định, tính tin cậy pháp lý, tránh sự tùy tiện và tính minh bạch của pháp luật và thủ tục” (*).
Nguyên tắc phân quyền được xem là “hòn đá tảng” trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở trung ương và trong mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương của nhiều nhà nước.
Theo chiều ngang, quyền lực nhà nước được phân thành ba nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp và ba nhánh này kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau. Theo chiều dọc, quyền lực nhà nước được phân định rõ ràng giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.
Nguyên tắc đa nguyên có nghĩa là tồn tại trong đa dạng. Sự đa dạng này có thể thấy ở nhiều lĩnh vực như đa nguyên về tư tưởng, đa đảng và đa lợi ích.
Sự đa đảng được thừa nhận ở Pháp (Điều 4 Hiến pháp); Đức (Điều 21 khoản 1 Luật Cơ bản); Thụy Điển (Điều 1 Chương 2 Đạo luật về công cụ chính quyền), Liên bang Nga (khoản 3 Điều 13 Hiến pháp), ở Hàn Quốc (khoản 1 Điều 8 Hiến pháp).
Ở Trung Quốc chế độ hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc được ghi ở phần cuối đoạn 10 trong lời tựa Hiến pháp (theo Điều 4 Luật sửa đổi Hiến pháp năm 1993).
Câu hỏi đặt ra ở đây: vai trò của công pháp quốc tế ở Việt Nam trong xây dựng nhà nước pháp quyền/ pháp quyền xã hội chủ nghĩa?
Trước hết, thuật ngữ “Luật quốc tế” hay “Công pháp quốc tế” được dùng ở đây để nói về hệ thống pháp luật tồn tại một cách độc lập, song song với hệ thống pháp luật quốc gia chứ không bao hàm cả tư pháp quốc tế – ngành luật thuộc hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia.
Nếu như luật trong nước điều chỉnh về quan hệ xã hội phát sinh trong phạm vi lãnh thổ quốc gia và quan hệ có yếu tố nước ngoài, thì luật quốc tế chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống quốc tế như quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, môi trường… giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau, mà chủ yếu là những quan hệ chính trị. Dĩ nhiên không phải tất cả quan hệ quốc tế đều là đối tượng điều chỉnh của luật quốc tế.
“Đã đành họ hô hào tôn trọng các cam kết quốc tế trong các tranh chấp về lãnh thổ, biển đảo và trong làm ăn kinh tế, nhưng họ lại dường như không mấy quan tâm tới công pháp quốc tế trong việc tổ chức quyền lực nhà nước, xây dựng pháp luật và quản trị quốc gia trong khi đòi hỏi hội nhập quốc tế” – một giáo sư của trường luật đã ý kiến như vậy nhân chuyện Đảng “phân công” nhân sự vào các ghế quyền lực mới đây.
Vẫn theo vị giáo sư mạnh miệng đó, thì, “Những người khi làm lính hay làm chuyên viên chỉ biết cặm cụi nghe lệnh sếp, lại hay được khen và đã chỉ được bổ nhiệm giữ chức vụ ở những cơ quan, đơn vị luôn đoàn kết và hoàn thành tốt các nhiệm vụ, thì không nên được bổ nhiệm để giữ bất kỳ chức vụ quan trọng nào đấy, vì đó chính là những người chẳng có tài cán gì trong lãnh đạo, quản lý, khi làm cấp dưới thì sống bằng lệnh của cấp trên, đến khi làm sếp thì ăn sẵn thành tích của cấp dưới!”.
Nhìn rộng ra, một nhà nước nếu thật sự là pháp quyền, và tôn trọng công pháp quốc tế thì khó thể diễn ra như những vì mà vị giáo sư đang bức xúc lên tiếng.
_________
Chú thích:
(*) UN Security Council (2004), The rule of law and transitional justice in conflict and post-conflict societies: report of the Secretary-General, đoạn 6; Nguồn: http://www.refworld.org/docid/45069c434.html