Việt Nam Thời Báo

VNTB – ‘Công thức vàng’ tham nhũng đất đai

Lynn Huỳnh

(VNTB) – ‘Công thức vàng’ là biến đất “công” thành “tư” thông qua những “bút phê” chủ trương, quyết định phê duyệt…

Công ty Hoa Tháng Năm đăng ký thành lập vào ngày 6/4/2010 do bà Lê Thị Thanh Thúy đứng tên chủ sở hữu và làm giám đốc. Đến ngày 6/8/2010 tức 4 tháng sau thành lập, công ty này hợp tác đầu tư thực hiện dự án tại số 8 – 12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM. Rất nhanh, chỉ 5 ngày sau đó, theo trình tự thủ tục hành chính, Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM có văn bản đề nghị UBND TP.HCM về yêu cầu này.

Ngày 17/8/2010, Công ty Hoa Tháng Năm được phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài ký chấp thuận hợp tác đầu tư, với tỷ lệ 30% vốn góp trong tổng 50% vốn góp mà Công ty quản lý kinh doanh nhà TP.HCM sở hữu. Giá trị cả khu đất được định đoạt trên giấy tờ hành chính của chuyện hợp tác này là 200 tỉ đồng. Đất công đã dần chuyển thành đất tư, và ít ai tin rằng ‘động cơ’ ở đây của cú áp phe chỉ là ‘tình cảm trai gái’ giữa ông Nguyễn Thành Tài với người đẹp Lê Thị Thanh Thúy.

Có người đưa ra công thức như sau về hiện tình Việt Nam nói chung trong đất đai: Tham nhũng = Độc quyền + Độc đoán – Trách nhiệm giải trình – Minh bạch.

Công thức trên được đúc kết từ ba vấn nạn: 1- Tham nhũng do cơ chế chính sách không đồng bộ, quản lý chồng chéo. 2- Tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn gọi là cấp “sổ đỏ”. 3- Tham nhũng trong việc quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Điểm chung của ba vấn nạn nếu xét về mặt quản lý Nhà nước, đó là mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng, Pháp lệnh Dân chủ cơ sở (Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11) và một số văn bản khác của pháp luật quy định phải lấy ý kiến công khai của người dân trước khi phê duyệt quy hoạch, tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở đây là không có một quy định nào của pháp luật bắt buộc phải công khai, dân chủ, lấy ý kiến của nhân dân trong việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và đồ án quy hoạch – điển hình như các dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng là ví dụ cho chuyện ‘không công khai – không dân chủ’ đó.

Bàn luận rộng ra, Hiến pháp có ghi “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” – Điều 3; “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” – Điều 4.2.

Tuy nhiên mãi cho đến nay đã sắp bước vào sinh nhật lần thứ 90 của đảng Cộng sản Việt Nam, song Việt Nam vẫn tiếp tục dừng ở bước ‘quá độ lên chủ nghĩa xã hội’, mà chưa thực hiện việc “đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội” được ghi ở “Lời nói đầu” Hiến pháp 2013. Trách nhiệm giải trình ở đây của Bộ Chính trị ra sao, đặc biệt là các nội dung ghi ở Điều 3, Hiến pháp?

Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền tư pháp bị tổ chức Đảng “chồng lấn”

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao Tham Nhũng Vẫn Cứ Trơ Trơ!

Phan Thanh Hung

VNTB – Dân Vi Bản! Dân Dĩ Thực Vi Thiên! Bần Cùng Sinh Đạo Tặc!

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo