Khánh An dịch
(VNTB) – Vấn đề xảy ra tồi tệ nhất ở các nước thu nhập trung bình
31 tháng 7 năm 2021
Hàng đống xác chết giả ngổn ngang giữa lòng Bangkok. Thi thể — những bao tải trắng nhồi cỏ khô và phủ đầy sơn đỏ — tượng trưng cho các nạn nhân covid-19 ở Thái Lan. “Họ đã chết vì sự thất bại của chính phủ này,” một người biểu tình hét vào loa. Để nhấn mạnh quan điểm, người biểu tình đã đặt “xác chết giả” trên một bức chân dung khổng lồ của thủ tướng rồi sau đó đốt cháy.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ Brazil đến Belarus, đại dịch đang tạo tình hình bất ổn. Người dân tức giận với những khó khăn kinh tế họ phải đối mặt. Họ đã thấy người giàu và người có quan hệ tốt được ưu tiên tiêm chủng, điều trị y tế và nhận sự giúp đỡ của chính phủ trước. Họ tức giận vì lãnh đạo không ngăn chặn virus corona tốt hơn. Đồng thời, sự đau khổ của người dân đã tạo ra cảm giác đoàn kết, khơi dậy những bất bình đã âm ỉ từ lâu trước khi nghe nói về covid-19.
Các cuộc biểu tình ở Thái Lan nổ ra vào ngày 18 tháng 7 khi biến thể Delta hoành hành dữ dội tạo ra làn sóng covid-19 tồi tệ nhất ở quốc gia này cho đến nay. Bệnh viện bị quá tải. Chỉ 5% dân số Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ. Người Thái đã hy vọng kinh tế được phục hồi nhanh chóng, sau khi GDP giảm 6,1% vào năm 2020, nhưng điều đó giờ có vẻ khó xảy ra. Ngân hàng Trung ương Thái Lan gần đây đã giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2021 từ 3% xuống 1,8%.
Nhiều người Thái chê trách chính phủ vì không bảo đảm đủ vắc xin sớm hoặc mở cửa lại cho khách du lịch nước ngoài vào quá nhanh. Người Thái lo ngại du khách nước ngoài có thể đã góp phần làm lây nhiễm bệnh hiện nay. Một số người phàn nàn rằng chính phủ đã phụ thuộc quá nhiều vào vắc-xin Trung Quốc hơn là của Pfizer hoặc Moderna mà họ tin rằng tốt hơn.
Trên toàn cầu, người ta có thể mong đợi covid-19 sẽ làm cho tình trạng bất ổn giảm đi. Trước đại dịch, các phong trào phản đối lớn đã gia tăng trên khắp thế giới. Theo Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP), một tổ chức tư vấn ở Sydney tỷ lệ tăng 2,5 lần từ năm 2011 đến năm 2019. Tuy vậy, đám đông dày đặc nổi giận cùng hô khẩu hiệu và phun nước bọt vào nhau, có thể dễ dàng lây truyền vi-rút. Trong những tuần đầu của đại dịch, số lượng các cuộc biểu tình trên khắp thế giới đã giảm dần ở Ấn Độ, Pakistan, Chile, Iraq và Nicaragua.
Điều này không kéo dài. Sự bất bình lại một lần nữa bùng lên ở Colombia, Nam Phi và Myanmar, ngay cả khi vi rút tiếp tục hoành hành. Tại Tunisia trong tuần này, trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực hàng loạt bùng phát do chính phủ xử lý đại dịch không tốt, tổng thống đã sa thải thủ tướng và đình chỉ quốc hội.
IEP phát hiện ra rằng vào năm 2020, tình trạng bất ổn dân sự đã tăng 10%. Tổ chức này thống kê được 5.000 trường hợp bạo động liên quan đến đại dịch ở 158 quốc gia. Biểu tình bạo động xảy ra nhiều nhất kể từ năm 2008. Các cuộc biểu tình ôn hòa cũng đã gia tăng, theo Dự án Dữ liệu Sự kiện & Vị trí Xung đột Vũ trang, một tổ chức phi chính phủ. Trong năm nay tính đến ngày 1 tháng 3 năm 2021, đã ghi nhận 51.549 cuộc biểu tình hoặc bạo loạn. Chỉ tính các quốc gia được khảo sát trong cả hai năm đã có sự gia tăng đáng kể.
Về điều này, đại dịch trông như thể đang đi theo mô hình của các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm trước đó. Trong một bài báo được xuất bản vào năm ngoái, Tahsin Saadi Sedik và Rui Xu của IMF đã phân tích dữ liệu từ 133 quốc gia từ năm 2001 đến 2018 và phát hiện ra rằng tình trạng bất ổn xã hội bắt đầu gia tăng 12-14 tháng sau khi bùng phát dịch bệnh, chẳng hạn như Zika, một loại virus lây nhiễm do muỗi và đạt đỉnh sau hai năm. Đại dịch covid-19 nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn những trận dịch đó ở hầu hết các quốc gia. Sự gián đoạn mà covid gây ra cũng có thể sẽ như vậy.
Dữ liệu IMF cho thấy một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc biểu tình là khó khăn kinh tế. Ví dụ điển hình là Cuba, nơi có một mạng lưới cảnh sát mật và chỉ điểm thường phát hiện và chặn đứng những người bất đồng chính kiến trước khi họ gây rối. Tuy nhiên, vào ngày 11 tháng 7, hàng nghìn người đã biểu tình tại hơn 50 thị trấn và thành phố, mặc cơn thịnh nộ của chế độ độc tài để hô vang “tự do!” và lật đổ vài xe cảnh sát. Đó có lẽ là màn biểu hiện sự chống đối chính phủ lớn nhất ở Cuba trong sáu thập niên qua.
Người dân Cuba tức giận vì cửa hàng không có hàng hoá, họ không có gì để ăn, điện liên tục mất và không được bầu cử để đuổi cổ các lãnh đạo chính trị. Covid-19 đã những bất bình lâu nay tồi tệ hơn khi tàn phá nền kinh tế Cuba. Khách du lịch là nguồn thu nhập chính đã ngừng đến. GDP giảm 10,9% vào năm 2020 và tiếp tục giảm trong năm nay.
Không có gì để mất ngoài thực phẩm
Việc đóng cửa biên giới của Cuba để ngăn chặn vi rút đã cắt đứt mối liên hệ với thế giới tư bản vốn giúp cho cuộc sống trở nên dễ chịu hơn. Những vật dụng hàng ngày như xà phòng và cà phê thường do họ hàng làm ở nước ngoài mang về hoặc người chuyển lậu vào từ Panama, Mexico, Nga hoặc Miami và bán lại trên thị trường chợ đen. Việc cắt đứt chuỗi cung ứng này đã gây ra lạm phát, kéo dài hàng người chờ đợi và nhắc nhở người dân Cuba về mức độ kém cỏi của chính phủ trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ.
Sự sụp đổ của ngành du lịch đã có những tác động trực tiếp đến hệ thống y tế. Nếu không có đô la du khách từng vung tiền vào phòng khách sạn và cocktail rượu rum, chính phủ phải chật vật mua các nguyên liệu cần thiết để sản xuất thuốc. Thuốc giảm đau, kháng sinh, insulin, thuốc hen suyễn và các bộ xét nghiệm chẩn đoán trở nên khan hiếm, vì vậy những người mắc những bệnh dễ chữa cũng buộc phải chịu đau. Chăm sóc y tế tốt được cho là một trong những trụ cột của cách mạng. Một bác sĩ Cuba cho biết: “Nhiều người ở Cuba đã từng hài lòng chấp nhận điều đó, mặc dù họ có thể không bao giờ có được một kỳ nghỉ xa hoa, nhưng ít nhất cũng được đảm bảo có dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt.
Tình trạng bất ổn trầm trọng do đại dịch ảnh hưởng đến cả nước giàu cũng như nước nghèo, nhưng các nước có thu nhập trung bình dễ bị tổn thương nhất do COVID và các tác động xã hội của dịch bệnh. Các quốc gia giàu có được bảo vệ bằng tiêm chủng – ngay cả khi một số công dân ngần ngại chích ngừa. Vi rút corona là một trong những gánh nặng cho các chính phủ ở nước nghèo. Phong toả ở nước nghèo thường khó áp dụng và người trẻ ít nhiễm COVID.
Ngược lại, ở các quốc gia có thu nhập trung bình, việc tiêm chủng mang tính chất chắp vá và thường áp dụng phong toả (xem biểu đồ). Nhiều người dân trưởng thành và bị béo phì dễ bị vi rút tấn công. Hơn nữa, người dân ở các quốc gia có thu nhập trung bình thường kỳ vọng vào chính phủ.
Ở Nam Phi, những kỳ vọng đó thường không được đáp ứng. Những người ủng hộ cựu tổng thống bị bỏ tù, Jacob Zuma đã khuấy động cuộc biểu tình đầu tiên vào đầu tháng này đã nhằm kêu gọi trả tự do cho ông. Nhưng một trong những lý do khiến biểu tình biến thành việc cướp bóc hàng loạt rồi đốt phá cửa hàng và doanh nghiệp là vì rất nhiều người Nam Phi nghèo, thất nghiệp và tức giận với chính quyền tham nhũng và thối nát đã khiến họ phải sống như vậy.
Covid-19 đã phô bày tất cả những điều đó. Phong toả quá khắc nghiệt và nhiều người Nam Phi cảm thấy thật khó chịu. Một khẩu hiệu được sơn xịt trên một cửa hàng bị cướp phá ở Edendale, ở KwaZulu-Natal, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số 9 tỉnh của Nam Phi trong cuộc bạo loạn, có nội dung “mức thứ 4 là địa ngục” — ám chỉ mức cảnh báo đại dịch cao thứ hai khi chính phủ áp dụng “các biện pháp phòng ngừa cực đoan”.
Lệnh cấm mua dép hở ngón trong thời gian ngắn đã làm cho người dân không hiểu nổi. Các lệnh cấm định kỳ đối với việc bán rượu khiến nhiều người cho là không công bằng. Người giàu có hầm rượu thì tiếp tục uống trong nhà kín cổng cao tường, nhưng người nghèo đã bị tước đoạt một trong những thú vui của cuộc sống và bị cảnh sát quấy rối. Trong bạo loạn, các cửa hàng rượu là một trong những nơi đầu tiên bị cướp phá.
Khi covid-19 lây lan, “mọi thứ đều ngừng trệ;” thợ sửa xe Patrick Dlamini cho biết công việc kinh doanh của ông không thể hoạt động vì không ai lái xe do lệnh giới nghiêm, ve chai cũng không được vì chính phủ cấm uống rượu. “Không có tiền,” ông nói. Ông cho rằng cướp bóc diễn ra là do “sự kết hợp giữa Zuma và covid”.
Căng thẳng ở Nam Phi ngày càng trầm trọng hơn do bất bình đẳng. Đại dịch làm lộ ra khoảng cách giữa những người giàu và người nghèo. Hơn nữa, phân tích của IMF cho thấy rằng khi đại dịch gây ra khó khăn về kinh tế, gánh nặng sẽ đổ lên vai người nghèo nhiều nhất. Vào lúc mọi người nên nhường cơm sẻ áo, người dân giận dữ khi những thường dân nhìn thấy những người có đặc quyền vừa không gặp khó khăn vừa được hưởng sự đối xử đặc biệt. Họ đổ nỗi giận ra đường phố.
Colombia cho thấy cảm giác bất công có thể lấn át nỗ lực trợ giúp của chính phủ như thế nào. Là một trong những nơi bất bình đẳng nhất thế giới, nước này cũng đã trải qua thời gian phong toả lâu hơn so với hầu hết các quốc gia khác. GDP giảm 6,8% vào năm 2020 và 2,8 triệu người rơi vào cảnh túng quẫn. Một thập niên tiến bộ trong việc xóa đói giảm nghèo đã bị xóa sổ. Nỗi đau được chia sẻ không công bằng. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp từ tháng 5 đến tháng 7 năm ngoái là 30%, so với tỷ lệ thất nghiệp chung là 20% và cao hơn 12 điểm phần trăm so với một năm trước đó. Ở một nơi mà một nửa nền kinh tế nằm ngoài sổ sách, những người lao động phi chính thức không có gì để cậy vào trong hoàn cảnh này.
Xin lỗi cũng không đủ
Chính phủ đã cố gắng sửa đổi khi đưa ra quỹ Ingreso Solidario để giúp người nghèo sống còn trong thời gian bị phong toả, nhưng nhiều gia đình vẫn không có đủ tiền để sinh sống. Vào tháng 4 năm nay, nhà nước đã đưa ra cải cách thuế nhằm cấp tiền cho một nửa số người dân Colombia nghèo hơn, một phần bằng cách loại bỏ các khoản miễn thuế thu nhập giúp người giàu và mở rộng số lượng các đối tượng bị đánh thuế thu nhập.
Nhưng người Colombia đang chật vật đối phó với đại dịch, cho rằng cuộc cải cách sẽ khiến họ phải gánh thêm nhiều loại thuế. Đến đầu tháng 4, ngay khi dịch bệnh đang gia tăng và hầu hết các thành phố đang áp dụng lại các biện pháp đóng cửa, dự luật thuế đã đẩy người dân xuống đường – đặc biệt là những người trẻ thất nghiệp. Nhiều ngày trong tháng 5, những người biểu tình đã dựng chướng ngại vật, tấn công đồn cảnh sát và cướp phá các cơ sở kinh doanh ở Cali, thành phố lớn thứ ba ở Colombia.
Một khi bắt đầu có biểu tình sẽ có nhiều cuộc biểu tình khác theo sau. Một lần nữa là do khó khăn. Một bài báo IMF xuất bản vào tháng 5 của Metodij Hadzi-Vaskov, Samuel Pienknagura và Luca Antonio Ricci, đã phân tích một chỉ số về biến động xã hội ở 130 quốc gia. Bài báo kết luận rằng tình trạng bất ổn kéo theo sản lượng kinh tế giảm 0,2 điểm phần trăm sau 18 tháng – và rằng tác động ở các thị trường mới nổi cao gấp đôi so với các nền kinh tế tiên tiến.
Hơn nữa, chính hành động phản đối có thể tạo ra cảm giác đoàn kết. Ví dụ ở Belarus, vi rút corona đã thúc đẩy người dân vùng lên chống chế độ. Họ được hưởng cảm giác nổi lãnh đạo chuyên chế Alexander Lukashenko bác bỏ, xem covid-19 là “chứng loạn thần kinh hàng loạt” và đổ lỗi cho công dân đã chết vì dịch bệnh. Các thành viên của EU khuyên người dân nên ở nhà và nhận trợ giúp tài chính. Ông Lukashenko nói với người dân Belarus uống ngụm rượu, tắm hơi và đi làm.
Ông Lukashenko đã cai trị Belarus từ năm 1994, thích coi mình là cha già dân tộc. Lukashenko khoe khoang về hệ thống hỗ trợ xã hội rộng khắp có từ thời Liên Xô. Khi ông ta mắc lỗi trong việc đối phó với covid-19, các nhà hoạt động Belarus đã cảm nhận được một sơ hở hiếm có.
Một nhóm các chuyên gia công nghệ thông tin đã phát động phong trào #ByCovid19, một phong trào truyền thông xã hội đã bước vào khoảng trống mà nhà nước để lại. Trong vài tuần, phong trào đã thu hút hàng trăm nghìn tình nguyện viên trên khắp đất nước và cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân cho các bác sĩ và máy móc cho các bệnh viện. Andrei Strizhak, một trong những người sáng lập phong trào này, nói rằng phong trào đã chứng minh cho người Belarus rằng họ có thể hành động cùng nhau. Sau khi ông Lukashenko gian lận một cuộc bầu cử vào tháng 8, họ đã cùng nhau xuống đường hàng loạt.
Điều tương tự có thể đang bắt đầu ở Brazil. Vào thời kỳ đầu của đại dịch, những người ủng hộ Tổng thống Jair Bolsonaro thống trị các đường phố. Không đeo khẩu trang, mặc trang phục màu xanh lá cây và màu vàng, hàng ngàn người ủng hộ tổng thống Bolsonaro tập trung lại khoảng hai tuần một lần để ủng hộ tổng thống khi ông lên án biện pháp phong toả của các thống đốc. Vào tháng 8 năm 2020, theo một cơ quan thăm dò ý kiến Datafolha, 37% người Brazil ủng hộ ông Bolsonaro một phần vì chính phủ đang chi 600 real (110 USD) viện trợ khẩn cấp mỗi tháng cho một phần ba dân số.
Đòi hỏi vậy có quá đáng không?
Hiện nay gói cứu trợ khẩn cấp đã bị cắt giảm và nhiều người đang kêu gọi luận tội ông ta. Vào tháng 5, một cuộc điều tra của thượng viện về việc chính phủ xử lý đại dịch cho thấy ông Bolsonaro đã từ chối đề nghị mua vắc xin vào năm ngoái và sau đó đã không điều tra một số vụ nghi ngờ tham nhũng. Cứ bảy người Brazil thì có một người mất việc làm và 1/10 người bị đói. Trong các cuộc thăm dò gần đây, chưa đến 30% người Brazil ủng hộ tổng thống và 51% không tán thành chính phủ.
Chỉ trong vòng hơn một tháng bắt đầu từ cuối tháng Năm, tất cả các bang ở Brazil đã đồng loạt biểu tình ba lần, thu hút hàng nghìn người ở nhiều thành phố. Các đồng minh cũ của ông Bolsonaro đã tham gia các cuộc tuần hành vì số người chết do covid-19 hiện đã lên hơn 550.000 người. Creomar de Souza of Dharma, một công ty tư vấn có trụ sở tại Brasília, cho biết: “Chiếc ly gần đầy rồi. Để xem giọt nước cuối cùng nào có thể làm cho tràn ly.”
Nhiều quốc gia đã tránh được các cuộc biểu tình liên quan đến covid. Ấn Độ tương đối yên tĩnh bất chấp sai lầm của chính phủ. Malaysia cũng vậy vì đã đối phó tốt với covid-19 vào năm 2020. Nhưng ở những nơi này đang dấy lên sự bất mãn. Ngày càng có nhiều lời chỉ trích chính phủ Modi ở Ấn Độ, và giờ đây có cả những người bạn đồng hành từ những nhóm theo chủ nghĩa Hindu dân tộc của chính ông. Ví dụ là một nhóm công chức cấp cao đã nghỉ hưu được thành lập để chỉ trích chính phủ, một số người trong nhóm từng có quyền lực rất cao.
Trong những tuần gần đây, Malaysia đã phải hứng chịu một đợt lây nhiễm lớn, với tổng số ca nhiễm lên đến hơn 1 triệu. Người dân tộc Malay nghèo, không được hưởng mạng lưới an sinh xã hội chắp vá, đã theo dõi các bộ trưởng và giới tinh hoa kinh doanh đưa ra các quy định về sức khỏe và các hình phạt cực kỳ nặng nề đối với những vi phạm nhỏ của dân thường. Nhà máy có mối quan hệ tốt đã được phép tiếp tục hoạt động – bất chấp đây là địa điểm gây lây nhiễm ở quy mô lớn cho nhân viên. Khoảng 18% dân số đã được chích một mũi, nhưng người có quan hệ tốt có tỷ lệ được chích cao hơn nhiều.
Các hộ gia đình treo cờ trắng kêu gọi sự giúp đỡ trên cửa sổ . Càng ngày, những lá cờ đen bay phấp phới bên cạnh cờ trắng, chủ yếu do những người Malaysia trẻ tuổi, có học thức kéo lên báo hiệu sự thất vọng trước những sai lầm của chính phủ. Phong trào cờ đen, hay Bendera Hitam, đã khiến nhà chức trách lo ngại và cho điều tra để tìm bằng chứng về hành động ly khai của phong trào này. Bridget Welsh của Đại học Nottingham, chi nhánh Malaysia cho rằng sự huy động rộng rãi này làm nổi bật tình hình thực tế của một quốc gia tự hào có tầng lớp trung lưu đồng đều trên thực tế là quốc gia của người giàu và người nghèo.
Sẽ không kết thúc cho đến khi có kết thúc
Đại dịch còn lâu mới kết thúc. Covax, sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu, nhằm cung cấp cho các nước đang phát triển đủ số thuốc để tiêm chủng cho 1/5 dân số vào cuối năm 2021, nhưng mục tiêu đó rất khó đạt được. Cho đến nay, gần 4 tỷ liều vắc-xin đã được đưa vào sử dụng. Để đạt được độ bao phủ 70%, thế giới cần thêm 7 tỷ liều vắc xin hay hơn nữa khi cần phải tiêm bổ sung. Điều đó khó xảy ra trước năm 2022.
Trong thời gian chờ đợi, các chính phủ sẽ cố gắng kiểm soát dịch bệnh này bằng các quy tắc và luật lệ — bao gồm các biện pháp hạn chế bất đồng chính kiến. Theo Freedom House, một cơ quan giám sát, ít nhất 158 trong số 192 quốc gia đã đặt các giới hạn mới cho các cuộc biểu tình công khai. Một số chính phủ đã làm như vậy một cách công bằng và tạm thời, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Có chính phủ khác đã lấy cớ covid-19, bỏ tù phe đối lập vì bị cho là vi phạm các quy tắc giãn cách xã hội trong khi để cho đảng cầm quyền tổ chức các cuộc biểu tình lớn.
Về lâu dài, đàn áp chính trị thường dẫn đến rắc rối. Đại dịch cho thấy rằng người dân không hết giận dữ khi ở trong nhà. Nỗi giận sôi sùng sục như nước trong một cái nồi áp suất, ngay cả khi chính phủ cố hết sức đậy kín nắp. Thái Lan cấm tụ tập trên năm người nhằm giảm lây lan dịch bệnh. Người biểu tình vào ngày 18 tháng 7 đối mặt với hơi cay và đạn cao su. Nhưng điều đó chỉ khiến họ tức giận hơn. Một người nói: “Chúng tôi chỉ muốn được chích ngừa. Covid-19 đang đe doạ chúng tôi nhưng chính phủ không làm gì cả.”
Nguồn: The Economist