Hoài Nguyễn
(VNTB) – Nhà nước Việt Nam hiện tại tin rằng việc bất ổn chính trị là ‘đặc sản’ của chuyện đa nguyên, đa đảng.
Đa nguyên, đa đảng theo một trật tự tuân thủ của pháp luật sẽ giúp gia tăng tính cạnh tranh trong phụng sự quốc dân.
Thế nhưng Nhà nước Việt Nam hiện tại lại nghĩ khác, cụ thể là theo chiều hướng bi quan. Họ nghĩ, khi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập đất nước sẽ rơi vào cảnh chia năm xẻ bảy, các phe phái sẽ dùng mọi cách chèn ép nhau để tranh giành ảnh hưởng, địa bàn, lòng dân và sẽ dẫn đến cần ngoại viện, liên minh với các thế lực bên ngoài… các thế lực ngoại bang sẽ có cớ để can thiệp vào nội bộ.
“Đảng Cộng sản đã mất vai trò lãnh đạo, chế độ xã hội chủ nghĩa – thành trì của cách mạng thế giới đã cứ như vậy mà sụp đổ không thể cứu vãn được. Bài học xương máu của Liên Xô, Đông Âu còn đó, Việt Nam chúng ta nhất quyết phải tránh đi vào vết xe đổ này”, phía Tuyên giáo Đảng đưa ra so sánh như vậy về chuyện Liên Xô bị xóa sổ.
Như vậy xem ra theo góc nhìn của Nhà nước Việt Nam hiện tại thì việc bất ổn chính trị là ‘đặc sản’ của chuyện đa nguyên, đa đảng.
Cứ tạm đồng ý với đánh giá trên, khi ấy liệu người ta sẽ nghĩ gì về chuyện âm ỉ của khủng hoảng nhân sự thượng tầng với hàng loạt bắt bớ nhân danh ‘củi – lò’; và đủ mọi đồn đoán ‘tiêu cực’ về ông Vương Đình Huệ, chủ tịch quốc hội, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng; bà Trương Thị Mai, thường trực ban bí thư. Lần lượt từng người một đều bị tung tin đồn bê bối các loại, hoặc là hủ hóa với phụ nữ như ông Vương Đình Huệ, ông Phạm Minh Chính, hoặc hối mại quyền thế để được cấp dưới xây dựng nhà bằng Ngân sách Nhà nước như bà Trương Thị Mai…
Có ý kiến rằng thiếu sự cạnh tranh giữa các đảng phải thì những góc khuất dễ dàng nằm trong lỗ hổng, và đến lượt mình, lỗ hổng ẩn mình trong góc khuất của những thể chế, cơ chế và cả quy định được phe nhóm quyền lực trong chính độc đảng ấy ban hành để thống trị, chi phối.
Vấn nạn “chạy” công chức, viên chức vẫn đang là một “cơn sóng ngầm” âm ỉ mà dữ dội, gây bao bức xúc trong xã hội. Câu cửa miệng giới trẻ vẫn truyền nhau là “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ…”.
Tệ hại hơn, vì không vấp phải sự cạnh tranh quyền lực trong bộ máy quản trị quốc gia nên người ta thấy đảng viên chóp bu công khai vi phạm Điều lệ Đảng của việc trong suốt 3 khóa liền yên vị ở ghế quyền lực tối cao; bất chấp quy định ghi rõ là “Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” ở Điều 17.1 của Điều lệ Đảng.
Trong lúc đó thì việc ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước, tiếp nối vụ việc tương tự của ông Nguyễn Xuân Phúc chỉ sau khoảng một năm, càng phản ánh rất nhiều điều trong hệ thống chính trị Việt Nam. Theo đó, giới quan sát cho rằng việc ông Thưởng bị một nhóm quyền lực của đảng “trừng phạt” là dấu hiệu cho thấy nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam đang có những đấu đá khốc liệt để chuẩn bị cho giai đoạn “hậu Nguyễn Phú Trọng”.
Trở lại với vấn đề đa nguyên, đa đảng.
Cá nhân người viết cho rằng nếu có sức ép từ dư luận xã hội thể hiện trên truyền thông đại chúng về đảng phái; và lá phiếu của cử tri có thể giúp loại bỏ những cá nhân có biểu hiện lạm quyền vì các mục tiêu vị kỷ, xâm phạm lợi ích công, hay trái với mong đợi của số đông người dân; thay vì ở đây lâu nay các lá phiếu này được định hướng của chuyện “Đảng cử – dân bầu”.
Một khi có quyền lựa chọn đảng phái cho nhiệm kỳ hành chính của Quốc hội, tin rằng bước đầu chuyện hình thành đa nguyên, đa đảng có thể tạo sự lúng túng trong cộng đồng; thế nhưng với tính nổi trội của chính trị giàu tính cạnh tranh trong phụng sự, mọi chuyện cũng chỉ là “vạn sự khởi đầu nan”…
Sợ hãi hay ám thị kiểu Tuyên giáo Đảng sẽ tiếp tục làm nghèo nàn nền quản trị quốc gia.