Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đại biểu của Dân: “Quy định thế này thì tôi cũng làm Thủ tướng được”

Việt Thanh (VNTB) Trái ngược với Nghị Đương với những phát ngôn ngô nghê, vô thưởng vô phạt về “lạm phát và cọng rau muống, hay quyền im lặng với diễn biến hòa bình…” gây sóng gió dư luận, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn ĐBQH Lâm Đồng) là một trong những người gây cảm tình với báo giới và người dân vì dám nóng thẳng, nói thật ý muốn của dân trong các kỳ họp Quốc hội.

Sáng nay (1/6), trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) của Quốc hội ông thẳng thắn phát biểu: “Quy định thế này thì tôi cũng làm Thủ tướng được, quyền hạn thì rất lớn nhưng trách nhiệm thì chỉ báo cáo và vắng mặt thì ủy quyền.”

“Chịu trách nhiệm cụ thể”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền chỉ ra, “trách nhiệm về nhiệm vụ đẩy lùi tham nhũng, chống lãng phí…”

Trước đó, “chịu trách nhiệm cụ thể” thay vì “tập thể chịu trách nhiệm” cũng được ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền nêu ra trong kỳ họp góp ý dự thảo Luật Kiểm toán (sửa đổi) sáng 26/5. Bởi ông cho rằng, 10 đoàn thanh tra và 10 đoàn kiểm toán vào Vinalines và Vinashin không phát hiện ra vấn đề sai phạm, như vậy, “quyền hạn của kiểm toán rất lớn, còn trách nhiệm chưa rõ, chưa tương xứng”, ông nhấn mạnh. ĐB Thuyền còn nêu ra một giả thuyết: “kiểm toán một đơn vị đưa lên sàn chứng khoán mà sau một thời gian doanh nghiệp này bể tan nát thì hậu quả pháp lý, tiền bạc, tài sản nhà nước, của dân mất đi thì trách nhiệm của kiểm toán như thế nào?.” Năm 2014 ông cũng đã từng cảnh báo về việc, quyền hạn không đi liền trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán nhà nước, “Về địa phương người ta kêu cái đội ngũ kiểm toán này lắm. Kiểm toán như ông vua, muốn làm gì thì làm”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.”

Ông cũng từng đặt một vấn đề về sự bất công bằng trong nghĩa vụ quân sự trong buổi góp ý dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), ông cho hay: “Nghĩa vụ quân sự vẻ vang sao con cán bộ không nhận?”

Vào tháng 6/2014, khi phát biểu về dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, ông cho biết: “Khi lấy phiếu tín nhiệm dân rất mừng, thế nhưng cái dân khen thì giờ Quốc hội muốn bỏ, còn cái dân chê thì lại không sửa.” 

 “Nhưng thú thực khi nghĩ đến lương tâm của một đại biểu Quốc hội được dân bầu, tôi phải có ý kiến để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân.” Ông chia sẻ về vai trò ĐBQH trong lần trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet.

Có thể nói, ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền đến thời điểm này, xứng đáng là Đại biểu của dân.


Tin liên quan: “Quy định thế này thì tôi cũng làm Thủ tướng được, quyền hạn thì rất lớn nhưng trách nhiệm thì chỉ báo cáo và vắng mặt thì ủy quyền”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền phát biểu tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) của Quốc hội, sáng 1/6. 

Điều 29 của dự thảo luật mới nhất quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ gồm: 
1. Thực hiện báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước; trường hợp vắng mặt thì ủy quyền cho Phó thủ tướng Chính phủ thực hiện. 
2. Thực hiện chế độ báo cáo báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. 
Đại biểu Thuyền góp ý, nếu luật không quy định rõ ràng thì không thể nào quy trách nhiệm được. 
“Thực tế, Chính phủ có cả một nghị định về trách nhiệm người đứng đầu. Thế thì ở đây, luật càng phải làm rõ các trách nhiệm cụ thể như cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao, trả lời chất vấn trước Quốc hội, chịu trách nhiệm về nhiệm vụ đẩy lùi tham nhũng, chống lãng phí…”, ông nói. 
Cũng cho rằng quy định và nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ không tương xứng với nhau, đại biểu Nguyễn Đức Kiên gửi đến ban soạn thảo dự án luật một câu hỏi của cử tri: “Trong trường hợp xảy ra vụ việc như Vinashin thì các đồng chí rút kinh nghiệm, quy định trách nhiệm trong này như thế nào?”. 
Quy định về số lượng cấp phó cũng được nhiều đại biểu đề cập tại phiên thảo luận. Nhiều đại biểu đồng tình với quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không quá 6 thứ trưởng, các bộ khác không quá 5 thứ trưởng. 
“Chúng ta họp nhiều quá nên cũng cần phải có phó đi họp thay”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đồng tình với dự thảo luật. 
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Đình Khanh thì cần hạn chế tối đa cấp phó, kể cả với Bộ Quốc phòng hay Bộ Công an. 
“Nhiều nước dân số gấp 3 – 4 lần Việt Nam nhưng vẫn chỉ có một phó tổng thống. Tổng thống của họ vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa gánh trọng trách của Thủ tướng Chính phủ, họ vẫn làm tốt. Việt Nam cứ giảm đi 1/3 cấp phó như dự thảo luật, chắc chắn bộ máy vận hành tốt hơn, năng lực trình độ của người đứng đầu bộ, ngang bộ cũng có điều kiện thể hiện rõ hơn, phát huy được cao hơn”, ông Khanh quả quyết. 
Đại biểu Chu Sơn Hà băn khoăn khi dự thảo luật chưa quy định rõ về số cấp phó của Văn phòng Chính phủ. 
“Chúng ta không quy định Văn phòng Chính phủ có bao nhiêu phó thì e rằng, có lúc lại lên 7 – 8. Đây không phải là một bộ nhưng thực chất là siêu bộ. Chúng ta cứ kêu cải cách hành chính địa phương nhưng cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính ngay trong Văn phòng Chính phủ”, ông Hà góp ý. 
Nhấn mạnh điều này, bởi theo đại biểu Hà, ở Văn phòng Chính phủ hiện nay, một chuyên viên có khi còn quan trọng hơn cả thứ trưởng, vì có việc trình lên lãnh đạo Chính phủ cũng phải qua chuyên viên đó. Vì thế cải cách hành chính ở địa phương mà không cải cách Văn phòng Chính phủ thì bộ máy vẫn ì ạch, không hiệu quả.
Theo Vneconomy

Tin bài liên quan:

“Cứ giảm đi 1/3 cấp phó thì bộ máy vận hành tốt hơn”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.