Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có song tịch: pháp luật Việt Nam đâu có cấm

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Nếu xét theo quy định hiện hành, thì vị đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có song tịch Việt Nam và Cyprus (Síp), không vi phạm vào điều luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

 

 

Trả lời báo chí, ông Phạm Phú Quốc cho biết như sau:

Thời điểm ứng cử đại biểu Quốc hội tháng 5-2016, tôi chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Sau đó, do một số thay đổi về công việc và hoàn cảnh cá nhân nên năm 2018 tôi đã hai lần làm đơn trình bày nguyện vọng xin thôi nhiệm vụ công tác, khi đang là phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM , chuyển đến Thành ủy, UBND TP.HCM.

Khi biết tôi có làm đơn xin thôi nhiệm vụ, giữa năm 2018 gia đình tôi – vợ và con tôi đã có quốc tịch Cyprus trước đó, đã đề nghị với tôi và thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Cyprus cho tôi để tương lai khi tôi được nghỉ sẽ thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình.

Tôi khẳng định việc tôi có quốc tịch Cyprus là do gia đình bảo lãnh, hoàn toàn không có việc mua quốc tịch với giá 2,5 triệu USD”.

Chuyện đúng – sai trong giải thích ở trên là chuyện của cơ quan hữu trách, ở đây nhìn thuần giác độ pháp luật liên quan cho thấy ngay cả khi ông Phạm Phú Quốc đã có song tịch trước thời điểm tháng 5-2016, thì việc ông ứng cử đại biểu Quốc hội cũng không vi phạm.

Luật Quốc tịch Việt Nam, tại “Điều 12. Giải quyết vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài”, quy định như sau:

“1. Vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế.

2. Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ ký kết hoặc đề xuất việc ký kết, quyết định gia nhập điều ước quốc tế để giải quyết vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài”.

Điều luật trên được xem là phù hợp thực tiễn ở một số quốc gia thực hiện chính sách thu hút đầu tư cho phép, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) nhập quốc tịch nếu đáp ứng một số điều kiện về quy mô đầu tư, ngành nghề đầu tư. Công dân Việt Nam có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, giảng dạy, âm nhạc… được nước sở tại tạo điều kiện nhập tịch.

Như vậy, trên thực tế có rất nhiều trường hợp công dân Việt Nam có đồng thời quốc tịch của quốc gia khác, mà quốc gia đó không bắt buộc công dân này phải thôi quốc tịch Việt Nam. Và công dân Việt Nam có song tịch này được pháp luật của Việt Nam bảo hộ – trường hợp ông Phạm Phú Quốc là một ví dụ.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015, ở “Điều 37. Những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân”, ghi có 5 trường hợp cụ thể:

“1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

2. Người đang bị khởi tố bị can.

3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.

4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.

5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015, tại “Điều 2. Tuổi bầu cử và tuổi ứng cử”, ghi: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”.

Ở “Điều 3. Tiêu chuẩn của người ứng cử”, quy định 2 khoản: “1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội. 2. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương”.

Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tại “Điều 22. Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội”, đưa ra 5 yêu cầu:

“1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội”.

Điều 22 nói trên sau đó được bổ sung bởi Khoản 1 Điều 1 Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020, là “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2021; nghĩa là yêu cầu chỉ có một quốc tịch Việt Nam khi là đại biểu Quốc hội, chỉ bắt buộc kể từ nhiệm kỳ mới sắp tới đây của Quốc hội.

Nói như vậy để thấy rằng nếu truy ngược quá khứ, các vị từng là đại biểu Quốc hội như Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải, Nguyễn Đức Chung, Phạm Quang Nghị, Hoàng Trung Hải, Vũ Huy Hoàng…, có song tịch đi chăng nữa, thì họ cũng không hề vi phạm vào điều luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam tính đến hết ngày 31-12-2020.

Còn về quy định trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, theo tìm hiểu, dường như chưa tìm thấy điều khoản nào bắt buộc khi đã là đảng viên của đảng cộng sản Việt Nam, thì chỉ được quyền có một quốc tịch Việt Nam.

Cần nói thêm một ý nhỏ nữa về chuyện ‘song tịch’, đó là người có hai quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người có một quốc tịch Việt Nam. Nếu họ vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam thì họ cũng bị xử lý như người có một quốc tịch. Bộ luật hình sự 2015 quy định thẩm quyền theo lãnh thổ chỉ xác định hành vi tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc có liên quan đến bất cứ giai đoạn nào của hành vi tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, thì thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật hình sự, bất luận đó là người nước ngoài, không quốc tịch, song tịch hay chỉ có một quốc tịch Việt Nam mà thôi.

***

Cyprus cấm người có “yếu tố chính trị” xin quốc tịch từ tháng 7-2019

Dưới sức ép của Liên minh châu Âu (EU) và các chỉ trích về việc cấp quốc tịch dễ dãi cho người nước ngoài qua hình thức đầu tư, Cyprus đã buộc phải thắt chặt quy định đối với những đối tượng được xin quốc tịch nước này.

Theo đó, tháng 2-2019, các bộ trưởng nước này đồng ý cấm các cá nhân “có nguy cơ cao” đăng ký chương trình xin quốc tịch theo hình thức đầu tư. Quy định mới này chính thức có hiệu lực ngày 25-7-2019.

Theo quy định này, chính quyền Cyprus cấm tất cả các cá nhân “có yếu tố chính trị”, bao gồm đại biểu quốc hội và quan chức cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước cũng như vợ, chồng và thân nhân của họ đăng ký xin quốc tịch theo hình thức đầu tư.

Danh sách cấm xin quốc tịch Cyprus cũng bao gồm vợ và thân nhân những người đang và đã nắm các chức vụ bộ trưởng, thành viên của các cơ quan chủ quản của các đảng chính trị, thành viên của tòa án, của các cơ quan tư pháp, đại sứ, sĩ quan cấp cao của lực lượng vũ trang và thị trưởng trong vòng 5 năm kể từ thời điểm nộp đơn.

Tin bài liên quan:

VNTB – Đại biểu quốc hội muốn ra luật giúp quan chức chạy án

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Thiên hạ luận: Chúng mày sướng để cho chúng tao chết à?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đảng viên đã ‘mua quốc tịch’ rồi thì sao?

Phan Thanh Hung

4 comments

Minh Tangtuyet 27.08.2020 10:44 at 22:44

Vấn đề ở đây là “tiền”…chứ không phải là “pháp luật”…tại sao bọn “đầy tớ” lại quá giàu, chúng tung triệu triệu USD ra mua hộ chiếu cho vợ con, bản thân, trong khi nhân dân thì nghèo đói…cuộc đời tăm tối, không biết sống nay chết mai ra sao…

Reply
Bich Truong 27.08.2020 10:44 at 22:44

Đại biểu quốc hội là thành phần đại diện cho dân..ĐẠI DIỆN MUỐN ĐI RA NƯỚC NGOÀI SINH SỐNG THÌ NGƯỜI DÂN CŨNG MUỐN ĐI …CHỚ Ở LẠI LÀM GÌ ..KHI KO CÒN đại diện.!!

Reply
Dien Vu 27.08.2020 10:45 at 22:45

Quy vi Dong dong bao VN. chung ta lam on mo cai dau oc (ba dau ) nhung can bo cua v+ tai sao ho lam nhu vay ?lam on suy nghi di va ngu vua thoi de cho dan tinh nuoc khac ngu voi .

Reply
Trần Minh Đạo 28.08.2020 9:12 at 09:12

Mỗi khi quan chức cán bộ cs phát biểu: “Tôi khẳng định rằng ………” thì kinh nghiệm sống mấy chục năm dưới chế độ cs nhắc tôi là tôi phải hiểu ngược lại những điều họ khẳng định, thì đó mới đúng là sự thật.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo