Nguyễn Nam
(VNTB) – Những tranh luận trái chiều quanh tin tức về truyền thông ở mùa dịch đến từ con virus bên Vũ Hán, Trung Quốc trên nhiều tài khoản cá nhân của người Việt dùng mạng xã hội facebook, đang cho thấy có một cách hiểu về dân chủ khác biệt đáng kể so phương Tây.
Tình nghĩa giáo khoa thư
“Tình nghĩa giáo khoa thư” là tên một truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam (1926 – 2008).
Trong truyện ngắn này, thầy Có và thầy phái viên báo Chim Trời, cũng như tác giả Sơn Nam, thuộc thế hệ lớn lên khi chữ Hán và chữ Nôm gần như suy vong cùng văn hóa Nho phong. Họ trưởng thành khi chủ nghĩa thực dân đã già cỗi, chữ Pháp và văn minh Pháp ở ngoài tầm tay hoặc bị phản kháng.
Tiếng Việt Latin hóa, với tư cách ‘quốc ngữ’, cùng những câu chuyện văn chương đạo lý được sáng tác phù hợp tâm tình hoàn cảnh người Việt thời ấy, trở thành phương tiện phát huy tinh thần dân tộc và cổ súy văn hóa nước nhà. Tình nghĩa giáo khoa thư là tình nghĩa đồng bào, tình nghĩa của những người cùng tiếng nói và cùng ký ức văn hóa.
Tựa truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam khiến nhiều người độ tuổi từ trung niên nhớ lại quyển sách “Quốc văn giáo khoa thư” do Nha học chính Đông Pháp xuất bản năm 1941, nhóm các học giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn. Quyển sách này được tái bản nhiều lần cho đến tận ngày nay.
Văn dĩ tải đạo, đó là điều bàng bạc ở sách “Quốc văn giáo khoa thư”, trong đó có đạo làm người; đạo thờ kính ông bà, tổ tiên; đạo yêu quê hương đất nước. Đặc biệt, văn chính là người.
Đối với trẻ tiểu học (thời con nít mà người viết bài này đã được học ở miền Nam, Việt Nam) như những tờ giấy trắng, do vậy quyển sách biên soạn kể trên là một “Tình nghĩa giáo khoa thư” không đưa vào rao giảng các loại đạo đức cao siêu, hoặc mang màu sắc chính trị, mà chỉ quan tâm tạo cho trẻ sự hình thành nhân cách thông qua ngôn ngữ văn chương, qua các câu chuyện kể, những bài thơ cổ, những câu ca dao, tục ngữ, những điển tích, những bậc tiền nhân để noi gương.
Trong “Quốc văn giáo khoa thư” có câu chuyện mang tên “Cái lưỡi”. Chuyện kể vầy, “Một hôm, người chủ nhà bảo tên đầy tớ rằng: “Mày ra bắt con lợn đem làm thịt, và xem cái gì ngon hơn cả, thì đem về đây cho tao”.
Tên đầy tớ vâng lời, bắt lợn giết, và lấy cái lưỡi đem vào hầu chủ.
Mấy hôm sau, người chủ muốn thử tên đầy tớ, lại bảo nó đi làm thịt con lợn khác và dặn rằng: “Xem có cái gì không ngon hơn cả thì đem vào”.
Tên đầy tớ làm lợn xong, lại đem cái lưỡi vào cho chủ.
Người chủ hỏi: “Thằng này láo! Sao lần này mày lại đem lưỡi vào cho tao như lần trước?”.
“Thưa ông, cũng một cái lưỡi, khi tử tế ra thì không có gì tốt cho bằng, nhưng khi độc ác, thì lại không có gì xấu cho bằng”.
Dân chủ trong cách hiểu nôm na hôm nay, xem ra không khác mấy chuyện kể luân lý về “Cái lưỡi” trong quyển sách Quốc văn giáo khoa thư.
Sao lại định hướng chính trị cho dân chủ?
Gọi là định hướng chính trị cho dân chủ, vì không ít ý kiến bảo thủ rằng đã là chế độ cộng sản thì dân chủ luôn là mị dân. Trung Quốc là một ví dụ rõ nét nhất, mà chắc không ai có thể bàn cãi.
Đúng là Trung Quốc luôn ma mị dân chúng, ma mị chính trị của thói quen ám ảnh về một “Đông Á mệnh phu”. Nhưng ở Việt Nam thì dẫu gì một nửa nước từng có nền giáo dục đầy nhân bản của “Quốc văn giáo khoa thư” kia mà. Còn nói theo ngôn ngữ dân dã, “người dân đã sáng con mắt ra lắm rồi”…
Từ Sài Gòn, nhà báo tự do Vương Liễu Hằng, viết: “Thời gian qua, cả nước oằn mình chống dịch. Là một công dân, các vị có ý thức về sự khốn khổ mà những đồng bào đang phải đối mặt từng khắc, từng giây không!? Các vị có từng cảm giác đôi chút cái tai ương đang rập rình trên mỗi hơi thở, trên mỗi áo cơm không?
Đến lúc nào rồi mà vẫn hằn học cay cú thế? Chỉ cần nghe chút kêu gọi hãy cùng giúp sức dập dịch, là các vị giãy đành đạch lên, nói hô khẩu hiệu, chỉ cần nghe đôi lời khen về chính phủ đã làm tốt, là các vị bĩu môi khoác lên đó cuộc đua chính trị. Chỉ cần cảnh báo về sự chủ quan của Mỹ và phương Tây, là các vị nhún vai về thuyết âm mưu.
Dân chủ là gì? Là “Một phương pháp ra quyết định tập thể, trong đó mọi thành viên đều có quyền ngang nhau khi tham gia quyết định”… Vậy các vị góp phần gì, dù nhỏ nhoi trong cuộc chống dịch!? Các vị thực hiện nghiêm ngặt tối đa việc phòng chống chưa? Nhón tay giúp những mảnh đời khốn khổ quanh mình chưa? Đã thực hiện thật tốt việc cách ly chưa!?
Hay trong cái suy nghĩ nhỏ nhoi đắng đót, các vị cứ phải soi những sai sót của hệ thống pháp quyền, cứ phải diễu cợt những lầm lẫn của các câu chữ, cứ phải phủ nhận tối đa sự cố gắng của biết bao con người thì mới hả dạ!?
Nên nhớ, dân chủ hay không dân chủ, thì các vị cũng là một con dân nước Việt. Nhà nguy nan, hãy biết tự hào khi chúng ta vẫn chưa có bất cứ ca tử vong nào, hơn là ngồi đó mà săm mà soi, mà buông lời mai mỉa”…
Nhẹ nhàng hơn, luật sư Lê Công Định chia sẻ về dân chủ, khi ông thử đặt câu hỏi nên hiểu thế nào về quyền tự do ngôn luận?
“Tự do ngôn luận là nguyên tắc củng cố cho quyền tự do của một cá nhân hoặc cộng đồng trong việc biểu đạt quan điểm và ý kiến của họ mà không sợ bị trả đũa, kiểm duyệt hoặc xử phạt bởi luật pháp và/ hoặc nhà cầm quyền.
Như vậy, nói đến quyền tự do ngôn luận là nói đến quyền công dân đặt trong mối tương quan giữa công dân và nhà nước, và do đó mang tính chất pháp lý.
Tự do ngôn luận cũng được công nhận là quyền con người theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR) và được công nhận trong luật nhân quyền quốc tế tại Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
Theo Điều 19 của ICCPR, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận gắn liền với “nhiệm vụ và trách nhiệm đặc biệt”, và “theo đó phải tuân theo các hạn chế nhất định” khi cần thiết để tôn trọng “quyền hoặc danh dự của những người khác”, và bảo vệ “đạo đức xã hội”. Nói cách khác, quyền tự do ngôn luận không phải là quyền tuyệt đối, trái lại nó bị hạn chế để không trở thành hành động phỉ báng, vu khống, tục tĩu, khiêu dâm, xúi giục, kích động, gây hấn, tiết lộ thông tin bảo mật, vi phạm bản quyền, bí mật thương mại, nhãn hiệu thực phẩm, quyền riêng tư, an ninh công cộng và khai man.
Vì vậy, không thể biện minh cho những phát ngôn vô trách nhiệm khiến gây tổn hại hoặc xúc phạm người khác và cộng đồng xã hội bằng tự do ngôn luận”.
Dân chủ với nhà báo tự do Phạm Chí Dũng
Ý kiến nêu ở trên của luật sư Lê Công Định là không xa lạ với những ai quan tâm đến luật pháp liên quan cách hiểu thế nào là dân chủ. Chính điều này cho thấy ở riêng trường hợp của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, coi ra ít nhiều có sự khó hiểu khi ông bị bắt giữ hình sự với cáo buộc về lợi dụng quyền tự do ngôn luận.
Thử tìm hiểu quan điểm về tự do báo chí từ góc nhìn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).
“Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ” (https://www.voatiengviet.com/z/4579). VOA có dòng nhấn mạnh như vậy ở phần cuối từ trang báo có đăng bài viết của tác giả Phạm Chí Dũng.
Mẫu câu “không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ”, cho thấy VOA tôn trọng yêu cầu “truyền phát tin tức và thông tin chính xác, cân bằng và toàn diện tới khán giả quốc tế”, và nó cũng xác định các tiêu chuẩn bắt buộc về mặt pháp lý trong cách thức làm báo chí của VOA (xem thêm: https://docs.voanews.eu/en-US-INSIDE/2016/12/05/5d1e6a53-3ed2-4c3e-b043-ecae12d9eed8.pdf)
Yếu tố ‘cân bằng’ là điều mà người đọc dễ dàng tìm thấy ở các bài viết đăng trên VOA của nhà báo tự do Phạm Chí Dũng; nó phù hợp với cách diễn giải ở phần trên của luật sư Lê Công Định, “Điều 19 của ICCPR, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận gắn liền với “nhiệm vụ và trách nhiệm đặc biệt”, và “theo đó phải tuân theo các hạn chế nhất định” khi cần thiết để tôn trọng “quyền hoặc danh dự của những người khác”, và bảo vệ “đạo đức xã hội”.
Từ lát cắt của góc nhìn về dân chủ trong quyền tự do báo chí ở trên, kỳ vọng về thuyết âm mưu lợi ích nhóm chính trị, dẫn tới hệ lụy bắt giam công dân Phạm Chí Dũng, sẽ giúp ông sớm được trao trả tự do khi với diễn biến hiện tại trong chống dịch virus Corona của chính phủ Việt Nam, cho thấy nhen nhóm hy vọng thực thi về nội dung ghi ở điều 4.3, Hiến pháp 2013: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.