VNTB – Đảng CSVN: những nguy cơ nội tại ( bài 11)*

VNTB – Đảng CSVN: những nguy cơ nội tại ( bài 11)*

Đan Tâm

(VNTB) – “Việt Nam là bản sao mô hình Trung Quốc thu nhỏ” chính là một nguy cơ cho dân vận, quan hệ quốc tế, giao thương kinh tế và ổn định chính trị của đảng CSVN kể từ năm 2020.

Bài 11: Nguy cơ do các nước trong khối tự do đang đoàn kết để đối đầu với hiểm họa Trung Cộng  

Mới đây, Washington Post nêu ý kiến của Nikki Haley (cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc) như sau: “Đây không phải là thử thách riêng đối với Hoa kỳ mà thôi, nhưng các nước trong khối tự do phải đoàn kết để đối đầu với hiểm họa Trung Quốc. Ở khu vực Thái Bình Dương, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã nhận ra mối nguy hiểm của Trung Quốc. Những người bạn Châu Âu thì nhận ra bộ mặt thật của Trung Quốc chậm hơn, nhưng nhờ con vi khuẩn Corona xuất phát từ Trung Quốc mà các nước Châu Âu này đang dần dần thức tỉnh.

Các quốc gia đang phát triển đã lọt bẫy hào phóng giả tạo của Trung Quốc giờ đây đang nhìn vấn đề qua một lăng kính rõ ràng hơn. Chú tâm vào các hành động ngang tàng của Trung Quốc trong giai đoạn đại dịch này thật sự cần thiết, nhưng con vi khuẩn chỉ là một phần nhỏ trong các mối đe dọa do Trung Quốc sắp đặt. Thế giới càng sớm nhận ra điều đó, thì sự chuẩn bị càng tốt hơn để ngăn chặn hiểm họa Trung Quốc“. 

Hôm Thứ Hai, 31/08/2020, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng lên tiếng về ý định thành lập liên minh tương tự như NATO để đối phó với Trung Cộng. Washington đang dự tính chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – để tạo nên một “Bộ Tứ” – một cơ cấu tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo SCMP.

Mục tiêu của chính phủ Mỹ là hợp tác với nhóm bốn quốc gia này cùng một số quốc gia khác trong khu vực để tạo nên một bức tường thành chống lại thách thức từ Trung Cộng, đồng thời “tạo ra một khối sức mạnh chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, từ đó thu hút được nhiều quốc gia hơn tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và thậm chí từ khắp nơi trên thế giới tham dự … để liên kết lại theo một cách thức có cấu trúc hơn”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết như vậy.

Ông nói: “Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Nơi này chưa có bất cứ điều gì có sức mạnh như NATO hoặc Liên minh Châu Âu. Tôi nghĩ, các khối liên kết mạnh nhất ở châu Á chưa mang tính bao quát. Vì vậy… cần đặt vấn đề là đến một thời điểm nào đó sẽ cần chính thức hóa một cấu trúc như vậy”. Ông cũng lưu ý Washington thật sự mong muốn thiết lập một NATO phiên bản Thái Bình Dương.

Ông nói rằng một liên minh chính thức như vậy “sẽ chỉ xảy ra nếu các quốc gia khác có sự cam kết như Hoa Kỳ”. Nhận xét của ông Biegun nối tiếp những bình luận của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, người gần đây đã gọi những yêu sách chủ quyền lãnh thổ của TC ở Biển Đông là “lố bịch”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo hôm 01/09/2020 nói rằng cả thế giới đang bắt đầu đoàn kết chống lại các hành vi không công bằng của Trung Cộng (TC). Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 1/9 đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo đã phát biểu: “Tôi nghĩ rằng mọi người đang thấy toàn thế giới bắt đầu đoàn kết với nhau xoay quanh nhận thức cốt yếu rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đơn giản là sẽ từ chối cạnh tranh một cách công bằng, có đi có lại và minh bạch”.

Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ nầy khẳng định, Tổng thống Trump sẽ đẩy lùi TC trên mọi mặt trận, kể cả việc TC dùng quyền lực mềm mưu toan bá chủ thế giới. Có thể nói mà không sợ mang tiếng cường điệu rằng Trung Cộng không thể xử dụng quyền lực mềm (ở bất cứ nơi đâu) giản dị chỉ vì TC không hề thủ đắc thứ quyền lực đó.

Điều may mắn trong cơn đại dịch Virus Vũ Hán chính là các quốc gia phát triển đã nhận thức được sự lệ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều và đang làm giảm sự phụ thuộc này bằng cách đưa doanh nghiệp của họ từ Trung Quốc trở về nước, hoặc phân tán ra nhiều nước. Đây không chỉ việc giải quyết việc làm trong nước, mà còn là an ninh và tự chủ hàng hóa, kỹ thuật & công nghệ của các quốc gia. 

Ngay trong lúc người Nhật phải vật vã chống chọi với cơn đại dịch Virus Vũ Hán, Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, đã kêu gọi doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc. Chính phủ Nhật còn cụ thể hơn, dành hơn hai tỷ đô la Mỹ trong gói gần 1.000 tỷ đô-la kích thích kinh tế trong thời gian có đại dịch Virus Vũ Hán để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc.

Liên Hiệp Châu Âu từng cổ vũ rất nhiều cho việc đầu tư & làm ăn với Trung Quốc để đi tìm thị trường xuất khẩu cho các quốc gia trong khối nay đang nhận trái đắng khi nhiều quốc gia phát triển ở châu lục này đang quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế – Tài chính Pháp từng nói trên đài phát thanh France Internationale hồi tháng Ba, 2020: “Cần phải giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu một số sản phẩm từ nước ngoài. Đặc biệt là Trung Quốc“. 

Không như Mỹ, hay Nhật Bản, Châu Âu đang còn kín tiếng trong việc giao thương với Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, việc Liên Hiệp Châu Âu (EU), hay các quốc gia trong khối này công bố kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong thời gian sắp đến sẽ không lạ. Bởi chiến lược “Made in China 2025” nếu thành công, không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, mà Châu Âu sẽ cùng chịu chung tổn hại nặng nề.

Truyền thông quốc tế cho biết tại cuộc họp báo hôm 16/04/2020 ở Phủ Thủ Tướng tại Downing Street, London, khi được hỏi về mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai, Ngoại trưởng Anh quốc Raab nói : “Hiện chúng tôi phải xem xét tất cả những khía cạnh trong mối quan hệ với Trung Quốc và thực hiện một cách thức cân bằng, nhưng chắc chắn rằng nước Anh không thể làm ăn với Trung Quốc như bình thường sau cuộc khủng hoảng Coronavirus này“. 

Một yếu tố quan trọng trong cuộc đối đầu chiến lược của Washington với Bắc Kinh là việc tách rời kinh tế, một sự giảm thiểu đáng kể trong các mối quan hệ thương mại rộng lớn mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xây dựng được trong bốn thập niên qua. Những người ủng hộ cho việc tách biệt như vậy là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đã phát động một cuộc thương chiến với Trung Quốc vào năm 2018 và các nghị sĩ Thượng Viện Mỹ.

Ông Trump tin rằng, bằng cách cắt TC ra khỏi thị trường rộng lớn và công nghệ tinh vi của Hoa Kỳ, Washington có thể làm giảm đi tiềm năng tăng trưởng của sức mạnh TC một cách đáng kể. Bất chấp việc thỏa thuận đình chiến trong cuộc thương chiến, sau thỏa thuận tạm thời mà Trump đã ký với Tập Cận Bình vào tháng 1/2020, việc tách rời kinh tế Mỹ-Trung gần như chắc chắn sẽ tiếp tục trong những năm tới, bất kể ai sẽ vào Tòa Bạch Ốc từ 2021, bởi vì làm giảm sự phụ thuộc kinh tế của Hoa Kỳ vào TC là quốc sách hiện nay của chính giới Mỹ. Chiến lược kìm hãm sự phát triển sức mạnh của TC hiện đang là mục tiêu của hai đảng Cộng Hòa & Dân Chủ của Mỹ. 

Qua vụ việc Trung Cộng che giấu thông tin về dịch bệnh Covid-19 dẫn đến các thiệt hại vô cùng to lớn cho đất nước Việt Nam & nhiều nước khác, giờ đây đảng CSVN cần có biện pháp đề phòng ngay chính người đồng chí đến từ phương Bắc. Trung Cộng sẽ rút lui và con cụm lại dù có hay không có nạn dịch Covid-19. Sự kiện Covid-19 này chỉ khiến Trung Cộng rút lui và co cụm lại nhanh hơn.

Từ giờ đến cuối năm chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Trái với lo ngại của nhiều người là Trung Cộng sẽ gia tăng ảnh hưởng sau Covid-19, quan hệ giữa các nước phát triển và Trung Cộng sẽ thay đổi hoàn toàn sau đại dịch. Cô lập và phong tỏa Trung Cộng bằng cách rút các công ty đầu tư ra khỏi Trung Cộng là điều mà thế giới phải làm cho dù có tốn kém đến đâu đi nữa. Đây cũng là sự thay đổi bắt buộc của phong trào toàn cầu hóa. Thay vì bỏ hết trứng vào cái giỏ của Trung Cộng thì thế giới sẽ “khu vực hóa” chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa ra khắp năm châu…

Hơn nữa, nền kinh tế Trung Cộng đã suy giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ: trong quý đầu tiên của năm 2020, do dịch Covid-19 buộc các nhà máy và doanh nghiệp phải đóng cửa. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm 6,8% theo dữ liệu chính thức được công bố hôm Thứ Sáu 16/04/2020.

Mối nguy lớn nhất là từ nay Bắc Kinh không còn khả năng đảo nợ – nghĩa là vay nợ mới để trả nợ cũ, trong khi khối nợ tổng cộng của họ đã lên tới mức kinh khủng là 40.000 tỷ đô-la, hay 350% GDP, và các quỹ đầu tư cũng không còn tiền để cho vay nữa. Nhiều đại công ty TC sẽ phá sản. Khủng hoảng kinh tế tại TC là chắc chắn, và hệ luỵ gây ra suy trầm kinh tế toàn cầu sẽ tương tự như khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2009.

Hơn nữa, Liên minh tình báo “Ngũ Nhãn” (5 EYES) gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand đang lo kết nạp thêm thành viên Nhật Bản để mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược nhằm đối phó với Trung Cộng, theo bản tin ngày 29/7/20 của The Guardian. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh Trung tướng Jim Hockenhull nói với truyền thông Anh Quốc vào hôm Chủ nhật 13/09/2020 rằng “Chế độ Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới.”

Ông nói: “Trung Quốc ngày càng độc tài và quyết đoán, Trung Quốc gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới, tìm cách áp đặt các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Trung Quốc và sử dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng và lật đổ, được hỗ trợ bằng đầu tư lớn vào hiện đại hóa các lực lượng vũ trang”.

Vào ngày 22 tháng 7/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Quốc Anh Dominic Raab cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về bằng chứng cho thấy “Trung Quốc đang tham gia vào các cuộc tấn công mạng độc hại nhằm vào các tổ chức thương mại, y tế và học thuật, bao gồm cả những tổ chức đang ứng phó với đại dịch corona”.

Trước đó một ngày, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo rằng hai tin tặc Trung Cộng đã bị truy tố vì đã tấn công vào các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ ở một số quốc gia như Anh, Bỉ, Đức, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản và  đánh cắp bí mật thương mại và thông tin nhạy cảm khác có giá trị hàng triệu đô la đồng thời  cố gắng đánh cắp nghiên cứu về COVID-19.

Đại dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc của phương Tây vào nguồn cung từ Trung Cộng liên quan tới các khoáng sản quan trọng và nguồn cung thiết bị y tế. Vì thế, “Ngũ Nhãn” đang lên các kế hoạch nhằm gia tăng sản xuất các kim loại hiếm và bán hiếm từ một số quốc gia khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Cộng.

Nghị sĩ Úc Andrew Hastie, một người có lập trường cứng rắn với Trung Cộng, ủng hộ ý tưởng về việc thiết lập một khối thương mại tự do “Ngũ nhãn”. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã ngỏ lời về đề xuất trở thành thành viên thứ 6 của nhóm tình báo Ngũ Nhãn nầy. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh Tom Tugendhat đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất nói trên.

Tình hình càng nguy hiểm vì các dấu hiệu bất phục tùng đã xuất hiện khắp nơi và ngay trong nội bộ ĐCSTQ làm cho uy tín của chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu bị thách thức. Lối thoát duy nhất của chế độ cộng sản Trung Cộng là co cụm lại và dùng bạo lực để cố duy trì sự thống nhất, ít nhất trên danh nghĩa.

Nếu thành công, giải pháp này sẽ biến TC thành một thế giới riêng, một đế quốc biệt lập với thế giới bên ngoài, tuy nghèo nhưng mức sống cũng đã cao hơn nhiều so với 40 năm về trước khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu chính sách kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (hay còn gọi là “đặc thù Trung Quốc”). Giải pháp này cùng lắm chỉ giúp chế độ chính trị Trung Cộng kéo dài thêm được một thời gian ngắn.

Mặt khác, sự suy sụp nhanh chóng sắp tới của TC sẽ khiến rất nhiều đảng viên cộng sản hiểu rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là một thây ma đã mục rữa mà họ phải khẩn cấp tránh xa. Các sự kiện trong quý 1/2020 vừa qua đã cho thấy sự cai trị của ĐCSTQ dễ vỡ hơn nhiều so với nhiều hình thức phô trương bề ngoài của chính nó. 

Sự kiện “dễ vỡ của ĐCSTQ” và “chiến lược kinh tế rời khỏi TC của quốc tế” là một nguy cơ thiết tử cho Đảng CSVN, vì thế giới vẫn còn nghi ngại là CSVN chưa hoàn toàn “thoát Trung” và vẫn còn đến 90% là một bản sao nhỏ của mô hình TC. “Việt Nam là bản sao mô hình Trung Quốc thu nhỏ” chính là một nguy cơ cho dân vận, quan hệ quốc tế, giao thương kinh tế và ổn định chính trị của đảng CSVN kể từ năm 2020 nầy.

 

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)