Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đạo Bà Ni của dân tộc Cham bỗng nhiên bị biến thành Islam

Quang Nguyên

 

(VNTB) – Một tôn giáo kỳ cựu có gốc rễ mà bị xóa sổ không rõ lý do. Một tôn giáo, một nền văn hóa bị xóa xổ một cách uất ức và nhanh chóng, có phải ai đó đang đàn áp tôn giáo, xóa bỏ luôn bản sắc độc đáo của dân tộc Cham

 

Cộng đồng dân tộc Cham Việt Nam tại Ninh Thuận, Bình Thuận đang dấy lên lại vấn đề từng gây đau đớn cho nhiều người theo đạo Bà-ni về việc danh xưng đạo Bà-ni của họ bỗng nhiên bị biến mất, tín đồ Bà-ni bị choàng vào cổ danh xưng tín đồ Islam mà không biết nguyên do. Chức sắc và Tín đồ Bà-ni đang đấu tranh với chính quyền đòi lại tên Tôn giáo của mình và họ không thể bị ghi tên là tín đồ Islam. Họ thấy ban tôn giáo tỉnh Ninh Thuận nhúng tay làm việc mờ ám này.

Bài này viết theo tin tổng hợp.

Dân tộc Cham ở Việt Nam hiện tại theo 3 tôn giáo chính: Bà-la-môn, Bà-ni và Islam.

Trước và sau 1975, tên tôn giáo chính thức của cộng đồng Cham Bà-ni là “Tôn giáo Bà-ni”. Căn cước, Chứng minh Nhân dân và cả Hộ khẩu của người theo đạo Bà Ni cũng ghi như vậy. Thoạt nhiên năm 2017, tín đồ Bà-ni khi làm Chứng Minh Nhân Dân, tất cả bị đổi thành “Tôn giáo: Đạo Hồi”. Cùng thời gian, danh mục tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ mất hẳn tên Tôn giáo Bà-ni.

Sự thể gây hoang mang lớn trong cộng đồng Cham Bà-ni hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Chức sắc và tín đồ Bà-ni lên tiếng, đủ cách – 4 năm qua vẫn chưa tới đâu.

Vào mùa lễ Ramưwan 2021, một số người trẻ thuộc thế hệ mới Cham Bà-ni, trong đó có Kiều Maily, Xuân Bào và một nhà văn hóa Cham, ông Inra Sara, đã trao đổi ráo riết về vấn đề này. Ông Inra Sara nhắc:

“Hai đóng góp lớn nhất của Cham vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam, đó là Kiến trúc & điêu khắc và Hải sử & văn hóa biển; còn [đóng góp] cho thế giới là Đạo Bà-ni, một tôn giáo khả năng hóa giải và hòa giải hai hệ tư tưởng không đội trời chung.”

Năm trụ cột dựng nên Islam: Chahada, Salat, Ramadan, Zakat và Hadj qua đến đất Champa bị biến tấu, thay mới, hoặc làm khác đi. Làm khác đầy chủ động, để thành Bà-ni!

Cham Bà-ni không còn nhớ đến việc hành hương La Mecque, việc cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay vào tháng Chín và bố thí được thực hiện vào mùa Ramưwan chỉ dành cho giới tu sĩ…

Đó chính là công lao to lớn nhất của Đức vua Pô Rômê [1627-1651].

Cham Bà-ni đa thần, là điều tối kị đối với tôn giáo độc thần Islam. Không một Muslim nào chấp nhận một tín đồ như thế trong đạo của mình.

Bà con Cham cả Bà-la-môn lẫn Bà-ni [Ahiêr và Awal] thờ phụng thứ nhất là Pô Yang: Pô Inư Nưgar, Pô Klong Girai, Pô Rômê, Pô Riyak, Nai Tangya… là các vị vua, anh hùng liệt nữ được thần hóa, tiếp đến là Muk Kei Ông bà tổ tiên, và sau cùng mới tới các Yang tiền tôn giáo như Thổ thần, thần Núi, thần Sóng…

‘Ahiêr Awal’ hay Ba-ni, đích thị Tôn giáo của riêng người Cham, một tôn giáo dân tộc, hòa bình và nhân văn.

Nhà văn hóa Cham Inra Sara lưu ý: Từ lập quốc, Ấn Độ giáo là quốc giáo của Champa. Thế kỉ VIII, Phật giáo Đại thừa vào vương quốc Champa 3 thế kỉ rồi biến mất, Ấn Độ giáo [hay Bà-la-môn Cham] vẫn là quốc giáo. Thế kỉ XI, Islam vào, lấy tín đồ từ Bà-la-môn. Đến thế kỉ XIV Ấn Giáo và Islam trở thành 2 thế lực mạnh, xung đột khủng khiếp đến tan cửa nát nhà. Sang thời Pô Rômê giữa thế kỉ XVII, Ngài hóa giải Islam và hòa giải với Bà-la-môn thành Bà-ni. Trong tôn giáo Ba-ni yếu tố Bà-la-môn và yếu tố bản địa lấn át hẳn yếu tố Islam.

Cham Bà-la-môn và Cham Bà-ni suốt 400 năm KHÔNG XUNG ĐỘT dù nhỏ nhất.

Đến thập niên 1960, Islam lần nữa vào cộng đồng Cham Ninh Thuận, 3 cuộc xung đột gây chết chóc lại xảy ra.

Thế nên, nói Bà-ni xuất phát từ Bà-la-môn Cham hay từ Islam thế nào cũng đúng, không vấn đề gì cả, đó là lí thuyết!

THỰC TẾ SINH HOẠT tôn giáo Cham hôm qua và hôm nay mới đáng kể:

1. Tên gọi, bộ phận Cham theo Bà-la-môn Cham được gọi là “Tôn giáo Bà-la-môn”, còn Cham Bà-ni là “Tôn giáo Bà-ni”, từ trước và sau 1975. Chỉ từ 2017, mới bị thay đổi mà không ai biết nguyên do.

2. Cham Bà-la-môn và Cham Bà-ni sinh hoạt tôn giáo chung rất hòa bình, trong khi Bà-la-môn hay Bà-ni TUYỆT ĐỐI không sinh hoạt chung với Cham Muslim [Islam].

3. Cuối cùng, sự thay đổi tên tôn giáo này bị cả cộng đồng Cham Bà-ni PHẢN ĐỐI, từ chức sắc cho chí tín đồ. Phản đối và đòi PHỤC HỒI lại đúng tên tôn giáo của mình.

4. Nữa, Bà-ni đa thần [- Pô Yang là vua chúa được thần hóa, – Muk kei Ông bà tổ tiên và – Yang các thần tiền tôn giáo] là điều tối kị với Islam. Không Muslim THẬT nào chấp nhận, ngoài một nhóm rất nhỏ Cham Bà-ni giả danh Muslim [bà con gọi là Jawa lai] cố lôi kéo bà con mình vào Islam mới sanh chuyện, để mùa Ramưwan vừa qua suýt gây bạo loạn lớn ở Phước Nhơn.

Được biết mấy tháng nay, một số tín đồ Hồi Giáo ở Phước Nhơn đang xung đột với nhau đến đổ máu, nguyên nhân vì sao chưa rõ, nhưng đây không phải lần đầu họ tranh chấp chém giết nhau như vậy.

Trong khi đó Ban Tôn giáo trong chính quyền tỉnh Ninh Thuận đang vận động các chức sắc Bà-ni đến dự Đại Hội Hồi giáo. Người Bà-ni thắc mắc trên cơ sở nào Ban tôn giáo tỉnh vận động, ép buộc người Chăm Bà-ni phải theo Hồi Giáo. Họ cho rằng đây là việc làm trái pháp luật, trái với đạo lý và đề nghị Ban tôn giáo tỉnh ngừng ngay việc vận động áp đặt công dân theo bất kỳ tôn giáo nào.

Một người nêu đích danh ông Nguyễn Hữu Tuấn – Bí thư huyện Ninh Phước yêu cầu không can thiệp vào chuyện nội bộ tôn giáo Bà-ni.

Không ép buộc các tín đồ, chức sắc đi họp khi chưa giải quyết dứt điểm ở các halauw.

Bà-ni và Hồi giáo là 2 tôn giáo riêng biệt, mong ông tìm hiểu kĩ trước khi nói gì thêm.

Đề nghị các chức sắc và bà con thôn Thành Tín giữ vững lập trường của mình.

Rất lạ! Một tôn giáo kỳ cựu có gốc rễ mà bị xóa sổ không rõ lý do. Một tôn giáo, một nền văn hóa bị xóa xổ một cách uất ức và nhanh chóng, có phải ai đó đang đàn áp tôn giáo, xóa bỏ luôn bản sắc độc đáo của dân tộc Cham


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng không ngừng sử dụng bạo lực đàn áp nhân dân

Do Van Tien

VNTB – Người cộng sản ảo tưởng về xóa bỏ giai cấp (Phần 1)

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB- Cá thối cho những người thích kim loại vàng!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo