Châu Nam Việt
(VNTB) – Nhà nước đổ lỗi rằng Phú Quốc ngập do tốc độ đô thị hóa nhanh…
Trên núi cũng ngập, dưới biển cũng ngập, cứ có mưa là có ngập. Sáng ngày 14/7, thành phố Phú Quốc, hòn đảo được mệnh danh là “đảo ngọc” thiên đường du lịch của Việt Nam, đã biến thành sông sau một trận mưa lớn kéo dài từ khuya đến sáng. Hình ảnh những con đường ngập sâu cả mét, nhà cửa và xe cộ chìm trong nước đã trở thành cảnh tượng quen thuộc, nhưng lần này mức độ ngập lụt thực sự đáng báo động.
Trong khi đó, cũng ngày 14/7, báo chí Việt Nam tưng bừng loan tin rằng “Phú Quốc đứng thứ 2 trong 25 hòn đảo đẹp nhất thế giới”. Hàng chục tờ báo quốc doanh tỏ ra tự hào khi Phú Quốc được tạp chí du lịch Travel & Leisure (Hoa Kỳ) công bố hòn đảo này là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách top 25 đảo và quần đảo đẹp nhất thế giới 2024. Đảo ngọc của Việt Nam có tổng điểm 94,41/100, xếp thứ 2 (sau Maldives).
Mới tự hào đó, nhưng mà chỉ sau một cơn mưa, hòn đảo nằm giữa bốn bề đại dương lại ngập chẳng khác nào miền Trung mỗi lần thủy điện xả lũ. Nhà nước đổ lỗi rằng Phú Quốc những năm qua có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nhà cửa, công trình lớn được xây dựng đã thu hẹp ao hồ, sông suối, hệ thống thoát nước bị lấn chiếm. Do đó, địa phương thường bị ngập nặng khi mưa lớn, ảnh hưởng đời sống người dân, kinh tế và du lịch.
Thế nhưng tình trạng ngập lụt này không chỉ là hậu quả của thời tiết khắc nghiệt, mà còn phản ánh rõ sự yếu kém và thất bại của chính quyền trong quy hoạch và quản lý đô thị. Không những thế, việc cấp phép xây dựng tràn lan, không kiểm soát và không theo quy hoạch đã làm tăng thêm áp lực lên hệ thống hạ tầng vốn đã yếu kém. Nhiều công trình xây dựng không tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và thoát nước, khiến tình trạng ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn.
Chúng ta không thể không tự hỏi: Phú Quốc, với danh xưng là thành phố đảo hiện đại, đảo ngọc của Việt Nam…, có còn thực sự xứng đáng với danh hiệu này hay không? Ngập lụt tại một hòn đảo, nơi mà thoát nước lẽ ra phải dễ dàng hơn so với đất liền, rõ ràng là một sự thất bại lớn trong quy hoạch đô thị. Nếu cứ mãi để tình trạng này, không sớm thì muộn, Phú Quốc cũng sẽ tan nát và mau chóng lọt ra khỏi danh sách những hòn đảo đẹp. Ai muốn bỏ tiền ra đến một hòn đảo chỉ toàn sắt thép, bê tông và… ngập lụt?
Phú Quốc đã được quảng bá rầm rộ với các dự án bất động sản sang trọng, khu nghỉ dưỡng cao cấp và các công trình quy mô lớn nhằm thu hút du khách và nhà đầu tư. Tuy nhiên, dưới lớp vỏ hào nhoáng đó, có một sự thật không thể chối cãi: cơ sở hạ tầng của thành phố không đủ khả năng chống chọi với những cơn mưa lớn và hệ thống thoát nước kém hiệu quả là một điểm yếu chết người. Các trận ngập lụt liên tiếp đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người dân và doanh nghiệp địa phương, phá hủy tài sản và cản trở hoạt động kinh doanh. Nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng tăng cao khi nước lũ cuốn theo rác thải và các chất gây ô nhiễm khác ra biển.
Phú Quốc cần một kế hoạch dài hạn và toàn diện để cải thiện hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống thoát nước. Cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào các dự án xanh, bảo vệ môi trường và xây dựng hệ thống chống ngập hiệu quả. Bên cạnh đó, việc quản lý và giám sát các công trình xây dựng phải được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn an toàn và bền vững được tuân thủ. Nếu không có những biện pháp quyết liệt và kịp thời, Phú Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với những thảm họa ngập lụt nặng hơn trong tương lai và giấc mơ về một thành phố đảo hiện đại sẽ chỉ còn là ảo tưởng. Chúng ta không thể mãi chấp nhận những lời hứa hẹn về một tương lai sáng lạn trong khi hiện tại vẫn đang chìm trong nước lũ.