Việt Nam Thời Báo

Để Hiến pháp giữ vai trò tối thượng trong đời sống xã hội

Ngô Huy Cương

(VNTB) – Hiến pháp dù tự xác định vai trò tối thượng của mình nhưng chỉ trở nên tối thượng thật sự khi được thi hành đúng và đầy đủ, có nghĩa là sự tự xác định của Hiến pháp là điều kiện cần, và vấn đề thi hành Hiến pháp đó là điều kiện đủ.

Sẽ được giải quyết từ Quốc hội nhiệm kỳ mới?

Thông thường sau khi Hiến pháp được thông qua, cộng đồng chính trị phải tổ chức thi hành Hiến pháp đó. Việc tổ chức thi hành này phải được xét tới ít nhất mấy vấn đề sau: (1) căn cứ triển khai việc thi hành; (2) cơ chế thi hành; (3) những biện pháp chủ yếu bảo đảm thi hành; và (4) chế tài liên quan tới các vi phạm trong việc tổ chức thi hành.

Cùng ngày thông qua Hiến pháp năm 2013, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam số 64/2013/QH 13 ngày 28 tháng 11 năm 2013. Nghiên cứu Nghị quyết này, có thể thấy mấy thiếu sót lớn của Nghị quyết này như sau:

Thứ nhất, hình thức của căn cứ pháp lý tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp không xứng tầm với việc triển khai thi hành Hiến pháp mà lẽ ra các nhà làm luật phải sử dụng hình thức đạo luật, thay vì sử dụng hình thức nghị quyết của Quốc hội;

Thứ hai, Nghị quyết số 64/2013/QH 2013 thiếu toàn diện, không đề cập đủ tới các vấn đề cần thiết tối thiểu trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp mặc dù thời gian soạn thảo và thông qua Hiến pháp khá dài;

Thứ ba, Nghị quyết số 64/2013/QH 2013 không quy định một cơ quan tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp tập trung, mà dàn đều cho các cơ quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan khác), trong khi các cơ quan này đều là các cơ quan phải thi hành Hiến pháp;

Thứ tư, Nghị quyết số 64/2013/QH 2013 không đề cập tới Quốc hội, trong khi Quốc hội là một định chế chính trị quan trọng phải thi hành Hiến pháp trong toàn bộ các hoạt động của mình;

Thứ năm, Nghị quyết số 64/2013/QH 2013 không đưa ra được bất kỳ biện pháp chủ yếu nào bảo đảm thi hành Hiến pháp, và bất kỳ chế tài nào liên quan tới vi phạm việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.

Nói cho đúng Nghị quyết số 64/2013/QH 2013 chỉ nhằm tới cơ chế tự tổ chức thi hành Hiến pháp tại mỗi định chế chính trị, mà không thấy mối liên hệ giữa chúng.

Việc định ra một tổ chức triển khai thi hành và có quyền lực thực để thi hành Hiến pháp mới là rất quan trọng gắn liền với Hiến pháp. Thực tế Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 64/2013/QH 2013 gắn bó với nhau nhưng lại giao việc triển khai thi hành Hiến pháp cho từng định chế chính trị, mà chính các định chế này là các định chế bị phi hiến hóa, và phải thi hành Hiến pháp khi được tổ chức lại hay được làm hài hòa hóa lại với Hiến pháp. Vì vậy họ có thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp hay không đang là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Trách nhiệm giải trình trong quản trị quốc gia

Biện pháp kiểm hiến thực sự chưa được chú ý trong Hiến pháp năm 2013 trong khi đây là một vấn đề trọng yếu của việc thi hành Hiến pháp. Hầu hết việc kiểm tra thi hành Hiến pháp được Hiến pháp năm 2013 giao cho các định chế chính trị phải thi hành Hiến pháp, tiêu biểu là Điều 70, khoản 10 giao cho Quốc hội quyền bãi bỏ các văn bản của các định chế chính trị khác.

Hiện nay trong quản trị quốc gia, người ta chú ý tới trách nhiệm giải trình. Trách nhiệm giải trình được hiểu là những thủ tục yêu cầu những người có trách nhiệm và những người tìm kiếm sự ảnh hưởng tới họ phải tuân theo những qui tắc được thiết lập xác định những quy trình và những kết quả có thể chấp nhận được, và thể hiện rằng họ đã tuân theo những thủ tục đó.

Thực tế trách nhiệm giải trình đã được thực hành ở các nước kém và đang phát triển và đã phát huy tác dụng tốt. Có một nhận xét rằng: Trách nhiệm giải trình là trung tâm của lý thuyết và thực tiễn của cả dân chủ và quản trị tốt hơn mà đã thúc đẩy một cách rõ ràng sự phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm hòa bình, ổn định lâu dài.

Trách nhiệm giải trình làm giảm tới mức có thể sự lạm dụng quyền lực chính trị, đồng thời giúp việc trao quyền lực cho chính quyền phục vụ mục đích mà đòi hỏi một cách chính đáng hay hợp pháp chính quyền được bầu bằng con đường dân chủ phải theo đuổi.

Hiện nay trách nhiệm giải trình có được nhắc đến tại Việt Nam trong các vấn đề liên quan tới quản lý nhà nước. Tuy nhiên nó chưa được xem là một biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp.

Nghị quyết số 64/2013/QH 2013 không có quy định nào liên quan tới chế tài đối với các vi phạm về tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp trong khi các vi phạm này có nhiều loại khác nhau như: thi hành không đúng, không đầy đủ những yêu cầu của Hiến pháp; không thi hành; chậm thi hành…

Thực tế vi phạm ở dạng không hành động là khá nhiều, ví dụ Điều 119, đoạn 2 yêu cầu Quốc hội phải ban hành luật thiết lập cơ chế bảo vệ Hiến pháp, nhưng đã qua 05 năm thi hành Hiến pháp, đạo luật này vẫn chưa ra được ban hành. Vấn đề được đặt ra là cơ chế nào và chế tài nào sẽ được áp dụng trong những trường hợp vi phạm như vậy. Hiến pháp mà bị vi phạm tùy tiện thì làm sao có thể giữ vai trò tối thượng trong đời sống xã hội.

Kiến nghị đối với Quốc hội ở nhiệm kỳ mới

Để Hiến pháp có vai trò tối thượng trong đời sống xã hội Việt Nam, các kiến nghị sau cần được xem xét:

Trước hết, Việt Nam cần nghiên cứu thay đổi kiểu loại Hiến pháp hay chỉnh sửa kiểu loại hiến pháp hiện tại cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp và phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0;

Thứ hai, Hiến pháp cần phải được xem là một khế ước giữa toàn thể dân với nhau tạo lập nên cộng đồng chính trị của mình, cùng nhau trao quyền lực cho Nhà nước, và phải nghiên cứu xây dựng một quy trình lập hiến thích hợp mà trong đó có phúc quyết toàn dân;

Thứ ba, cơ chế kiểm hiến có hiệu quả cần phải được thiết lập, thậm chí phải được thiết lập ngay đối với Hiến pháp hiện hành có thể bằng một đạo luật đặc biệt bao gồm cả các chế tài đặc trưng của Hiến pháp;

Thứ tư, một đạo luật đặc biệt tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp một cách toàn diện cần được ban hành, bao gồm trong đó một tổ chức thường trực có thời hạn có quyền hạn và trách nhiệm tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp;

Thứ năm, trách nhiệm giải trình cần phải được xem trọng và đề cao trong quản trị quốc gia.

Tin bài liên quan:

VNTB – Ý chí Hồ Chí Minh không thể dừng ở những khẩu hiệu

Phan Thanh Hung

VNTB – Buồn cho cái tư duy luật lệ!

Phan Thanh Hung

VNTB – Dân chủ và quyền lực

Phan Thanh Hung

1 comment

Si Tran 26.08.2020 10:21 at 22:21

Ở đất nước chuyên quyền, độc trị liệu Hiến pháp còn có giữ được vai trò tối thượng,… Vì có điều khoản nào không có lợi cho giai cấp cầm quyền thì sẵn sàng sửa đổi, thay đổi các điều khoản,… ?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo