Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Điểm rơi phong độ” của ngoại giao Việt Nam?

Hoàng Mai

 

(VNTB) – Đội ngũ cán bộ ngoại giao đang ở vào “điểm rơi phong độ”, với độ tuổi trung bình chỉ trên dưới 40 và có nền tảng tốt – Phạm Minh Chính

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính từng có thời gian khá dài là một viên chức ngoại giao của Việt Nam tại Đông Âu. Ông từng là Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Romania.

Trước khi chuyển sang dân sự, ông Phạm Minh Chính ‘đóng lon’ trung tướng Công an, thứ trưởng Bộ Công an.

Nhìn lại chặng đường đã qua trong ngành ngoại giao, ông Phạm Minh Chính cho rằng năm 2023 này có thể “điểm rơi phong độ” sẽ bắt đầu với ngành ngoại giao sau hàng loạt bê bối đến mức nhiều quan chức vướng lao lý và buộc phải “tự nguyện từ chức” như ông Phạm Bình Minh mới đây.

Ngày 10-1-2023, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và trong phát biểu của mình, ông cho rằng đội ngũ cán bộ ngoại giao đang ở vào “điểm rơi phong độ”, với độ tuổi trung bình chỉ trên dưới 40 và có nền tảng tốt.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng kỳ vọng các cán bộ sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, ngoài học tập và rèn luyện còn phải giữ gìn truyền thống ngoại giao. Bên cạnh đó, các thế hệ đi trước cũng cần tổng kết kinh nghiệm cho thế hệ sau xử lý những vấn đề tương tự.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết ngành ngoại giao đã gặp nhiều thử thách và khó khăn lớn nhất trong năm qua. Theo ông Sơn, năm 2022 có gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt. Điều đó đã góp phần tạo xung lực mới cho mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng.

Ông khẳng định Bộ Ngoại giao luôn đặc biệt coi trọng xây dựng, chỉnh đốn toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong năm mới, Ngoại trưởng Sơn nhấn mạnh việc kiểm tra và giám sát cán bộ sẽ tiếp tục được tăng cường, quyết tâm xây dựng ngành ngoại giao thực sự trong sạch, vững mạnh. Ngành ngoại giao sẽ cùng với các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và ngoại giao.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhìn nhận ngành ngoại giao đang bước sang “giai đoạn phát triển mới”, đòi hỏi tiếp tục cần sự thích nghi tương ứng.

Chia sẻ với những tâm tư, lo lắng của ngành ngoại giao, ghi nhận việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những nhắn nhủ đầy ẩn ý: “Các đồng chí cố gắng giữ gìn, tất cả vì sự nghiệp lớn, lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích chung. Tôi chỉ nói khái quát được như vậy thôi”.

Không thấy có phê phán cụ thể nào ở đây về những điều được công luận cho là bê bối đáng trách đã diễn ra lúc dịch giã Covid, Thủ tướng chỉ nhắc nhở các cán bộ ở các cơ quan đại diện tại nước ngoài phải đùm bọc lấy nhau, lấy tình cảm yêu thương, sự vị tha làm gốc.

“Ngành ngoại giao phải chủ động đi trước mở đường cho phát triển đất nước, bảo vệ từ sớm từ xa, giữ nước từ khi chưa có nguy cơ. Không để Đảng, Nhà nước bị động, bất ngờ. Tránh tình trạng ngại va chạm. Đảng, Nhà nước rất cần tham mưu của các đồng chí một cách trung thực”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắn nhủ như vậy.

Bình luận về Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2022, một nhà báo từng làm việc ở tờ Thế giới & Việt Nam của Bộ Ngoại giao dưới thời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, cho rằng rất có thể ở đây còn có những ẩn tình từ chuyện năm 2021 đã diễn ra Hội nghị đối ngoại toàn quốc, được gọi là “lần đầu tiên trong lịch sử được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chủ trì với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương cả nước”.

Ngay sau Hội nghị đối ngoại toàn quốc này là Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, được gọi là “nhằm quán triệt, triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng XIII đề ra và kết luận của Hội nghị đối ngoại toàn quốc”.

Vị nhà báo nói trên có đưa ra một lưu ý là tham dự hội nghị ngành ngoại giao vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 10-1-2023, là những gương mặt được cho là “trí thức sáng giá” đang đương chức và cả mới rời chính trường: Phạm Bình Minh; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

“Tôi cho rằng trong vụ ‘bay giải cứu’ có liên quan đến tín hiệu nào đó ở Hội nghị đối ngoại toàn quốc, được gọi là “lần đầu tiên trong lịch sử được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chủ trì hồi năm 2021”. Mai này ‘giải mật’ hội nghị, khi ấy mới có thể luận thành bại đối với Phạm Bình Minh” – vị nhà báo yêu cầu không nêu tên, chia sẻ như vậy.


Tin bài liên quan:

VNTB – Phóng sự ảnh: Cần dỡ luôn phên giậu trong tư tưởng ‘bề trên’ Hà Nội

Phan Thanh Hung

VNTB – Thêm Bến Tre cho “đánh đề” hợp pháp

Do Van Tien

VNTB – Thủ tướng Việt Nam tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ chống giặc Trung Quốc xâm lược

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo