Kiều Phong
(VNTB) – Gần đây hệ thống tuyên truyền của nhà nước Việt Nam vừa mới đưa ra một luận điểm mới: Nước Mỹ dùng chủ nghĩa Marx-Lenin để giải quyết khủng hoảng kinh tế 2008. Các lý lẽ ủng hộ luận điểm này cũng không phải là hoàn toàn vô căn cứ.
Cơ hội vàng của tuyên giáo
Hiện nay, khoa Triết học của các trường đại học khối ngành xã hội chứng kiến một sự mất giá nặng nề, các chuyên ngành “khoa học soi đường” là chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh thiếu hụt sinh viên theo học đến nỗi nhà cầm quyền phải miễn học phí. Sự sụp đổ của Liên Xô vĩ đại làm cho người dân Việt Nam nói chung không còn tin lời giảng viên rằng ý thức hệ Marxist bách chiến bách thắng nữa. Nhưng may thay, ngành tuyên giáo bỗng dưng có được một cơ hội vàng từ một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Số là, nước Mỹ có mở một viện nghiên cứu chủ nghĩa Marx-Lenin. Năm 2008, nước Mỹ bỗng lâm vào khủng hoảng kinh tế và cơn khủng hoảng đó nhanh chóng lan ra toàn cầu. Những bộ óc kinh tế học vĩ đại được chính phủ Mỹ mời đến để tìm giải pháp để kéo nước Mỹ ( và do đó là hệ thống tài chính toàn cầu) ra khỏi cơn khủng hoảng. Một trong những giải pháp được đưa ra là tăng cường vai trò can thiệp của nhà nước để làm giảm tình trạng vô chính phủ của nền kinh tế thị trường tự do quá trớn. Ý tưởng này, tình cờ thay, rất gần gũi với tinh thần của chủ nghĩa Marx. Vài năm sau, kinh tế toàn cầu ấm dần lên. Thế là, các nhà lý luận Marxist còn sót lại trên thế giới vui mừng đăng diễn đàn trong các trường đại học quốc nội, rằng kinh tế chính trị học Marx-Lenin đã cứu Hoa Kỳ thoát khỏi một trong những cơn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử.
Có thể tóm tắt lại sơ đồ lý luận của những người cộng sản như sau: Nước Mỹ có viện nghiên cứu chủ nghĩa Marx. Trong lúc khủng hoảng họ đã áp dụng việc nhà nước liên bang can thiệp lên kinh tế để thoát khỏi khủng hoảng, mà dùng nhà nước để can thiệp là một quan điểm chủ đạo của chủ nghĩa Marx. Từ đó họ kết luận kinh tế chính trị Marx là đúng.
Từ đó, những lời tán tụng “đỉnh cao trí tuệ” lại vang lên trên khắp các giảng đường đại học ở Việt Nam.
Kẽ hở lý luận
Nếu nói rằng nước Mỹ vượt qua khủng hoảng mà không cần sử dụng một chút thuộc về chủ nghĩa Marx thì đó là ý kiến cực đoan. Còn nếu nói rằng nhờ công lớn của chủ nghĩa Marx mà nước Mỹ và thế giới vực dậy được thì luận điểm đó bị vấp phải nhiều kẽ hở lý luận:
– – Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Anh ngày 02/04/2009 mới là tác nhân chủ yếu của sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo G20 đã đạt được một thỏa thuận mang tầm lịch sử khi nhất trí lập quỹ cứu trợ kinh tế trị giá 1.100 tỉ USD. Trong các tác phẩm của mình, Marx và các nhà lý luận xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ đưa ra một giải pháp xử lý khủng hoảng như vậy. Giải pháp của G20 đến từ tinh thần đa nguyên – đa cực về địa chính trị toàn cầu chứ không đến từ một ý chí tập trung quyền lực quốc tế vào một siêu cường nào đó, cũng không đến từ việc tập trung quyền lực cho một giai cấp nào đó.
– – Để tránh nguy cơ tái khủng hoảng sau khi được bơm vốn, các quốc gia thống nhất tạo ra những cơ chế để thắt chặt, giám sát, quản lý hệ thống tài chính, nhất là giám sát các quỹ đầu cơ đa quốc gia đang tự do kiếm lời trên đất Mỹ và các nước khác. Những cơ chế này lại không trực thuộc một chính phủ (nhà nước) nào, cũng không trực thuộc Liên Hợp Quốc do Mỹ “cầm đầu phe tư bản chủ nghĩa” như trong tuyên truyền của các nước cộng sản. Các nhà nước chỉ đóng vai trò như là lực phát động.
– – Có rất nhiều biện pháp được dùng, sức mạnh tổng hợp được tận dụng để kéo nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng. Biện pháp dùng nhà nước để can thiệp cũng chỉ là một biện pháp trong số những biện pháp đó. Vậy cũng không thể nói là kinh tế học Marx là sức mạnh chủ lực đưa nước Mỹ và các hệ thống tài chính phương Tây thoát khỏi khủng hoảng. Dalai Latma đã từng nói rằng nền kinh tế Mỹ ẩn chứa những nguy cơ bất ổn và được tổng thống Mỹ mời đến để cố vấn về kinh tế, nhưng Phật giáo Tây Tạng không vì nhân đó mà tuyên truyền về Đức Dalai Latma như là một vị quân sư vĩ đại của Hoa Kỳ bao giờ.
Nền kinh tế chính trị không sinh hoa quả
Trong suốt những công trình của mình, Marx đã chỉ trích khá thành công mánh khóe làm ăn của các nhà tư bản, nhưng ông chưa từng đưa ra được mô hình kinh tế cụ thể nào cho một quốc gia. Một “tổ phụ” khác của chủ nghĩa cộng sản, triết gia F. Angel trước khi hấp hối cũng thừa nhận rằng ông này cũng chưa hề hình dung nổi cách thức tổ chức xã hội cộng sản. Các chế độ thuộc phe xã hội chủ nghĩa đều lần lượt bỏ tem phiếu và sử dụng tiền tệ, mà như thế đã là chống lại tư tưởng kinh tế tập trung của những “đấng sáng lập”.
Trong bối cảnh không có tự do học thuật, sinh viên Việt Nam khi còn ngồi trên giảng đường bắt buộc phải học kinh tế học chính trị Marx- Lenin. Xin nhấn mạnh từ “bắt buộc” ở chỗ mọi sinh viên, dù là sinh viên ngành toán hay lý đều phải học môn này. Các trường đại học ép sinh viên thừa nhận một nhị đoạn luận hết sức mơ hồ: chủ nghĩa Marx đưa đất nước ta khỏi ách nô lệ phương Tây, ông Marx phân tích được về thặng dư, về mánh khóe làm ăn của tư bản; từ đó người Việt Nam phải thừa nhận kinh tế chính trị Marx và những hệ quả kéo theo.
Tranh luận về bản chất về kinh tế chính trị học Marxist là một điều có lẽ không bao giờ dứt, đặc biệt ở Việt Nam vì nơi đây không hề có đối thoại. Thế nhưng cây nào thì quả nấy, nếu tổng hợp những hiện tượng xảy ra ở những xã hội thì vẫn có thể đánh giá được bản chất của ý thức hệ của xã hội đó một cách khách quan. Danh sách chủ nhân 70 giải Nobel kinh tế gần đây nhất không hề có mặt bất kỳ lý luận gia Marxist nào. Bình quân thu nhập và mức sống của các nước cộng sản là nằm ở mức rất thấp so với thế giới tự do, thậm chí nạn đói xảy ra tại nhiều nơi. Thực tiễn là thước đo của chân lý. Nếu kinh tế học Marxist là tối ưu, là đỉnh cao trí tuệ thì tại sao lại không đơm bông kết trái?
Và nhất là, với cuộc khủng hoảng ngân sách trầm trọng ở Việt Nam đang diễn ra, các nhà lý luận Marxist của Việt Nam đang bế tắc hoàn toàn trước bài toán huy động ít nhất 12 tỉ USD trả nợ cho quốc tế chỉ trong năm 2016.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.