Hàn Lam
(VNTB) – Theo giải thích khá khó hiểu của Bộ Công an, việc “định danh số nhà” sẽ giúp chuyển phát nhanh dễ dàng khai thác thông tin khi giao hàng; tức phục vụ cho ngành logistics.
Tin tức đồng loạt trên báo chí có cùng nguồn viện dân như sau: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Đáng chú ý Cục C06 cho biết quá trình phối hợp với bưu điện, Bộ Công an đang tham mưu giải pháp minh bạch thị trường bất động sản thông qua kế hoạch định danh số nhà. Việc định danh số nhà nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị số 13 về lập lại trật tự, khắc phục những bất cập với công tác tư vấn đầu tư xây dựng các công trình, dự án ngành giao thông vận tải.
Theo đó, phía bưu điện có sẵn thông tin về số nhà, cảnh sát khu vực có dữ liệu về hộ khẩu và Bộ Công an còn có dữ liệu về dân cư và giấy tờ nhà đất. C06 sẽ phối hợp cùng bưu điện để liên thông dữ liệu, sau đó định danh số nhà.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh – giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư – lý giải thêm muốn xác định được bất động sản thì phải định danh được số nhà và định danh chủ tài sản của các bất động sản đó.
“Mỗi chung cư có hàng nghìn hộ dân, trong đó mỗi gia đình sống ở căn hộ riêng và hoàn toàn độc lập. Nếu chỉ ghi địa chỉ của tòa chung cư thì đó mới chỉ là dữ liệu chung, chưa có thông tin của từng hộ dân cụ thể cư trú bên trong”, ông Vĩnh nói. Do đó định danh số nhà, số căn hộ sẽ giúp minh bạch được chủ tài sản có bao nhiêu bất động sản (địa chỉ nhà ở, số căn hộ). Từ đó tạo ra mạng lưới định danh bất động sản gắn với mỗi công dân, để cho những đơn vị trung gian khác (bưu điện, chuyển phát nhanh…) khai thác, sử dụng khi giao nhận hàng đảm bảo được chính xác nhất.
Một nhà quan sát cho rằng “định danh số nhà” ở đây còn nhằm kiểm tra tính xác thực trong việc kê khai tài sản của quan chức. Trường hợp mới đây nhất là việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Khánh Hòa áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên, phong tỏa tài sản của cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và vợ là bà Phan Thị Thu Hà. Trong số các tài sản của cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa và vợ bị cưỡng chế, kê biên, phong tỏa có hơn 453 m2 đất gắn liền hai căn nhà tại số 5A Ngô Thời Nhiệm và 69 Trịnh Phong, thành phố Nha Trang.
Luật Phòng, chống tham nhũng của Việt Nam quy định cán bộ, công chức không chỉ kê khai tài sản của mình mà còn phải kê khai tài sản của người thân.
Thế nhưng từ hàng loạt vấn đề từ việc thay đổi căn cước, đăng ký định danh điện tử các bậc… đầy phiền toái và nhiều hệ lụy về tính bảo mật đang diễn ra thì thêm việc “định danh số nhà” đặt ra một số băn khoăn sau đây:
Trước hết, vì sao tất cả không được tiến hành đồng bộ cùng lúc để tiết kiệm nhân lực, chi phí, thời gian và hạn chế những hoang mang, bất an trong công chúng về nền hành chính công vụ thiếu ổn định.
Về thuật toán, “địa chỉ” với những con số phân biệt nên nó vốn đã là “định danh số” rồi còn gì. Nếu giờ tiến hành “định danh số nhà” trong dữ liệu căn cước, và được giải thích là để phục vụ cho phát chuyển nhanh bưu phẩm, bưu kiện, cũng như giúp kiểm tra việc kê khai tài sản của Luật Phòng, chống tham nhũng, vậy thì con số hàng triệu lao động nhập cư, lưu cư ở các khu công nghiệp, các tỉnh, thành sẽ “định danh số nhà” ra sao của “tạm trú”?
Trong giấy chứng nhận về chủ quyền nhà ở đã ghi rõ chủ sở hữu/ đồng sở hữu. Còn chuyện 1 người có bao nhiêu căn nhà và 1 căn nhà có bao nhiêu người vấn đề khác chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự, của Luật Nhà ở. Sẽ “định danh số nhà” thế nào khi 2 vợ chồng 2 đứa con trên 18 tuổi có 4 căn nhà, thì được hiểu là chỉ người chồng có 4 căn nhà, hay mỗi người có 1 căn nhà để mà “định danh”?
Quyền sở hữu cá nhân với các cách hiểu dân sự như trên, nay phía Bộ Công an quyết định… xáo trộn cho cái gọi là “định danh” và “quản lý”, điều này tạo ngờ vực về “động cơ” thật sự đàng sau đó.