Sáng 28/2/2015, tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thú nhận: “Đảng ngày càng nhận thức rõ, sát thực tế hơn khái niệm tổng quát về kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Từ hơn 15 năm nay, người ta đã đặt câu hỏi định hướng XHCN là cái gì thì chưa bao giờ được một ông Tổng bí thư, một Hội đồng, một Viện nào của đảng trả lời, thì đùng một cái ông Thắng xác nhận: “Đảng ngày càng nhận thức rõ”, chứng tỏ rằng đảng này ngay cả khi chưa nhận thức rõ cũng dám đẩy cả dân tộc đi trong mù lòa. “Đi đâu không biết đi đâu/ Đi đâu ta cứ tiến lên hàng đầu/ Hàng đầu không biết đi đâu/ Đi đâu ta cừ hàng đầu mà đi”! miễn là đảng không bị mất ghế.
Quá tởm!
Để chuẩn bị Đại hội 12, theo thông tin tiết lộ từ TTXVN, một “định nghĩa mới” về “kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã được đưa ra.
Theo sự hiểu biết đời thường, không lý luận trung ương gì cả, gọi là định nghĩa mới phải hiểu là nó thoát lên từ cái định nghĩa cũ. Trước nay chưa hề có định nghĩa nào về định hướng XHCN, chứ nói chi đến Kinh tế thị trường định hướng XHCN, vậy nên nói “định nghĩa mới” là nói ngoa!
Từ trước đến nay đảng bắt phải định hướng XHCN mà chưa hiểu nó là cái gì. Đảng của trí tuệ, sáng suốt, tinh hoa là thế ư? Lại rõ ngoa!
Ngày 5/5/2014, ông Trần Ngọc Thịnh viết trên facebook của mình từ Sài Gòn: “Ngày học bên Mỹ, mấy người bạn mình thường tếu táo là ai giải thích được “kinh tế thị trường định hướng XHCN” là gì chắc sẽ được nửa giải Nobel… “
Chưa hết, Hội đồng Lý luận Trung ương vẫn cứ trơ trẽn, ù lì định nghĩa gọi là rất khoa học, rất biện chứng, rằng Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN = Kinh tế thị trường đầy đủ + Định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Một kiểu lý luận rất trung ương rằng A=B+C, trong đó A, C là ẩn số, chỉ có B thì ai cũng biết, nhưng khi người ta hỏi C là cái gì thì được trả lời C= A – B.
Rõ chán.
Định hướng xã hội chủ nghĩa là gì?
Tôi không biết “Đảng chúng nó” (chữ cóp của ông Bùi Minh Quốc) nghĩ gì nên tôi đành nói cái gì cá nhân tôi nghĩ về cái định hướng này. Có hai cách hiểu:
Cách hiểu 1 – Xã hội chủ nghĩa, cái ghế của đảng, ra từ nòng súng. Nòng súng không lý luận chữ nghĩa, nó chỉ biết lý luận viên đạn. Vẫn như cũ như từ trước, như hiện nay, và có lẽ trong tương lai nếu cái ghế chưa gãy.
Vì thế, bất luận ai nói gì về Chủ nghĩa Mác, Chủ nghĩa phản Mác, Tư tưởng Mác Mao Lê hay gì gì đi nữa nó cũng mặc, nay nó tiết kiệm đạn nên chưa bắn, “bảo cho mà biết”.
Ai lý luận chữ nghĩa gì mặc, câu hỏi lãnh đạo muốn nghe là lý luận nào để giữ được cái ghế, giữ được sự thống trị của đảng.
Đất nước ư? Bất cần, vì nòng súng chỉ biết bảo vệ Tổ Quốc Xã Hội Chủ Nghĩa, chứ không phải Tổ Quốc của tổ tiên.
Cách hiểu 2 – Xã hội chủ nghĩa theo cách bình dân là chính sách công bằng xã hội, chăm lo cho người già, giúp đỡ người nghèo. Lợi lộc không chỉ dành riêng cho “giai cấp công nhân” mà là chung cho tất cả người dân, cái gì tư nhân chưa đủ sức làm thì nhà nước tạm thời cáng đáng, nhà nước giành làm tổng thầu kinh tế.
Tất cả các nước văn minh tiên tiến từ Đông sang Tây đều làm như thế cả, chẳng cần có cái đảng cộng sản Mác-Mao-Lê lãnh đạo. Họ làm trăm phần trăm tốt hơn các nước cộng sản, chỉ vì họ làm thật, còn đảng cộng sản chỉ dối trá, lời nói không đi đôi với việc làm.
Chỉ cần hỏi những người Việt Nam tay không đi trốn cộng sản, tỵ nạn ở Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Anh, Nhật cũng rõ. Mà cũng chẳng cần hỏi lôi thôi, chỉ cần nhìn hơn 7 tỷ đô la hằng năm của những người tay không bỏ nước ra đi gửi về giúp gia đình cũng có thể nghiệm ra, hoặc chỉ cần nhìn “Việt Kiều” (trước kia phần lớn bị xem là phản bội tổ quốc) về nước có cuộc sống như thế nào cũng khá rõ.
Những người tỵ nạn này ra đi tay không, tưởng chừng chết đói, nếu không nhờ chính sách xã hội của các nước chấp nhận họ cư trú, cho họ một sức bật, thì làm sao họ được đổi đời như thế? Cũng chỉ cần nhìn số lượng người ở Việt Nam mòn mỏi được đi “lao động nước ngoài” để thoát kiếp nghèo khổ cũng hiểu được thành quả xã hội quá tốt đẹp của những nước văn minh. Gần hơn, chỉ cần nhìn số lượng người Bắc muốn vào Nam sống cũng rõ, vì trong Nam được tiếng cởi mở hơn.
Những gì nói trên không mới, mọi người cũng biết hết rồi, nhắc lại có vẻ thừa nhưng không nhắc đi nhắc lại thì thiếu, sợ rằng khi con người chai đá dễ trở nên vô cảm.
Nói với nhau về chủ nghĩa Mác
Hồi còn độ tuổi 18, tôi đã nghiền ngẫm cuốn Tư Bản Luận của Mác, nhưng không hiểu cái gì hết.
Vì thế nói về chủ nghĩa Mác, tôi chỉ nói như phần lớn những người đã được nghe rỉ vào tai bởi những người cộng sản : “Vô sản thế giới đoàn kết lại”, “giai cấp công nhân phải giành chính quyền về tay mình”, rồi thì nào là “bạo lực cách mạng”, “Tư bản đang tự đào hố chôn mình”, “Chính quyền ra từ nòng súng”. Hơn nữa, bài Quốc tế ca còn nói toạc: “Bao nhiêu lợi quyền quyết qua tay mình”, một kiểu đem sổ lương hưu ra câu cá.
Những người cộng sản hoặc những người học đòi cộng sản cố ca ngợi giai cấp công nhân và miệt thị các giai tầng khác. Tôi rất yêu và từng ngâm nga bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan, vì thế mà từng bị những người “hiểu biết” hơn tôi mắng là tiểu tư sản. Té ra tiểu tư sản cũng có cái hệ tư tưởng của nó và đã ngấm vào trong tôi một cách tự nhiên, lúc nào không biết, không cần ai tuyên truyền: đó là sự rung động của con tim, khác với “bao nhiêu lợi quyền quyết qua tay mình” của Mác-Mao-Lê.
Con người bẩm sinh có hay có dở, người thông minh, người kém cỏi rồi sau đó xã hội sẽ giúp phát triển thêm. Ở các nước văn minh tiền tiến, chính quyền duy trì sự hài hoà xã hội và làm trọng tài khi cần.
Xã hội nào cũng có hai loại người: người tạo công ăn việc làm cho người khác và những người nhờ có công ăn việc làm mà sống. Thành phần thứ hai này còn được phân bậc ra những người có ăn học, được đào tạo bài bản, được trả lương cao, và những người không được như thế nên đồng lương thấp, trong đó là thành phần công nhân.
Những việc làm không cần tri thức ngày càng được máy móc thay thế, đẻ ra thất nghiệp, trước hết là công nhân.
Thế thì nhân danh đấu tranh giai cấp, anh đòi dẹp những người tạo công ăn việc làm, trả lương cho anh sống thì anh sẽ làm gì?
Anh đòi nắm quyền lãnh đạo xí nghiệp ư? Lẽ ra anh phải tạo ra xí nghiệp để anh lãnh đạo thay vì ăn cướp và cho người khác công ăn việc làm.
Anh đòi lật tư bản xuống để anh lãnh đạo xí nghiệp thì có khác gì những doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, thua lỗ dài dài mà chịu được ư?
Ở các nước tự do dân chủ, quyền lực không ra từ nòng súng mà ra từ người dân.
Lại nói về nước Pháp: nơi mà giới trí thức theo Mác đông hơn những nước khác, nơi ông Hồ Chí Minh lê bước đầu tiên, tư tưởng đấu tranh giai cấp thấm sâu từ hai phía: Nghiệp đoàn công nhân mà những người lãnh đạo cũng thuộc thành phần trí thức chứ chẳng công nhân gì và nghiệp đoàn chủ nhân.
Anh lăn vào đấu tranh giai cấp đòi “Bao nhiêu lợi quyền quyết qua tay mình” thì tôi cũng quyết qua tay tôi chống lại. Vì thế đình công ở Pháp xảy ra liên tục và người dân bị thiệt thòi trước tiên. Chỉ khác với Việt Nam là tất cả các cuộc đình công ở đây đều hợp pháp, chứ không phải 99% vi phạm pháp luật như ở Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa khố rách áo ôm nào đó.
Nước Đức là quê hương của Mác nhưng Mác không ảnh hưởng bao nhiêu, cũng như ở Anh nơi Mác có phần mộ. Ở Mỹ, đảng cộng sản không ai nói tới. Ở những nước này rất ít khi có đình công vì chủ thợ luôn hợp tác với nhau khi có tranh chấp, bỏ ra ngoài đấu tranh giai cấp, hai bên đều cần nhau, không có việc được ăn cả, ngả về không.
Sự tiến hóa của xã hội, nói chữ có lẽ là của lịch sử, trong tiềm thức của tôi là do xã hội biết hòa hợp với nhau để tìm ra hạnh phúc, để phát minh những gì đưa cuộc sống tiến lên. Những phát minh về internet, về điện thoại viễn liên, mạng xã hội đã đưa con người gần với nhau hơn, hợp tác với nhau hơn để tiếp tục phát minh đưa xã hội loài người đi lên nữa. Công lao mà chúng ta được hưởng ngày nay thuộc về xã hội tư bản, phát minh sáng kiến cá nhân. Không một chế độ cộng sản nào góp phần gì trong đó, họ chỉ có bắt chước để làm hàng nhái kiếm lợi vì công nhân rẻ mạt.
Với tiềm thức như thế thì khi tôi đọc Tư Bản Luận ở tuổi 18 không có một cái gì lọt được vào óc có lẽ là điều tự nhiên. Không nuốt được tôi không cố nuốt.
So sánh giữa một bên theo chủ nghĩa Mác, bị quàng thêm những Lênin, Stalin, Mao và một bên chẳng theo chủ nghĩa nào cả, chỉ theo sự hướng dẫn của thiên nhiên rằng cứ cạnh tranh mà tiến tới, bao giờ cũng có một “bàn tay vô hình” của thiên nhiên làm anh cảnh sát điều khiển giao thông. Kết quả đã rõ. Việt Nam có mơ cũng không được nếu tiếp tục bị đảng cộng sản lãnh đạo.
Mác đã nổi tiếng một thời, hãy để ông ta ngủ yên. Lenin – Stalin – Mao đã bệt thêm một lớp hắc ín lên chủ nghĩa Mác, không rửa được đâu. Tranh nhau thiệt hơn hiểu biết về Mác thì với người dân thường, họ chỉ cho là sự ù lì.
Hãy quên nó đi để tạo niềm tin sắt đá chống lại bất cứ chế độ độc tài độc đoán rất có khả năng xảy ra ở Việt Nam khi đảng cộng sản thoái trào.
Thoả hiệp chính trị
Tuần qua, nhân kỷ niệm 64 chiến sĩ hy sinh chống Trung Cộng xâm lược đảo Gạc Ma, hai trăm người yêu nước đã tổ chức tưởng niệm trước tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà nội. Đám Dư luận viên (DLV) vẫn đến quấy phá như thường lệ, dưới sự chứng kiến của tổ tiên, trước mũi công an Hà Nội. Nhưng sự kiện nổi bật lần này là chúng lại trương lên cờ đỏ búa liềm: không phải chính quyền phá mà cộng sản Mác-Mao-Lê phá?
Vài ngày sau, chiều 17/3, một sự kiện nổi bật khác, không đánh mà khai: ông Thiếu tướng công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, nhóm người trên (DLV) không thuộc quản lý của công an thành phố và Ban tuyên giáo.
Ơ kìa!
Báo VNEXPRESS viết: “Theo ông Chung, dịp 27 năm ngày Trung Quốc xả súng sát hại 64 chiến sĩ, cưỡng chiếm Gạc Ma (14/3/1988), một số người dân yêu nước đã đặt lẵng hoa tại tượng đài Lý Thái Tổ và tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội). “Công an thành phố được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự. Chúng tôi luôn tôn trọng hành vi, hoạt động của người dân có lòng yêu nước với tất cả các sự kiện, đặc biệt liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, những người đã tham gia bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước”, ông Chung nói.”
Thế ra công an không biết đến Dư Luận Viên, chứng tỏ từ trước đến nay, công an luôn trung trinh, trong trắng, nghe ông Chung nói thật mát lòng mát dạ và thật sỉ nhục cho cái đám DLV trương cờ đỏ búa liềm bị chủ bán đứng với giá không hời.
Có người nói họ (Đảng của chúng nó) đã đi lùi. Bây giờ mới biết rằng dường như đây chỉ là một hợp đồng tác chiến của Thủ tướng, vì Thủ tướng đang thăm nước Úc và vừa tuyên bố mạnh miệng ngày 17/3 : “Chúng tôi đang hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền tự do, dân chủ của người dân, doanh nghiệp; …”. Thời đại truyền thông có khác, có lẽ để chuẩn bị lời tuyên bố trên của Thủ tướng nên công an được lịnh nằm yên, chỉ tội cho đám DLV bị bán đứng tại chỗ vì Thủ tướng cần phải rửa mặt khi thăm một nước dân chủ. Mong Thủ tướng cứ đi thăm dài dài cho dân được nhờ.
Trở lại định nghĩa “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN “. Nó nói thế này : “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”. Vế sau nó đá nhào kinh tế thị trường của vế trước thì làm sao xin xỏ người ta công nhận cho Việt Nam có nền kinh tế thị trường?
“Phù hợp với từng giai đoạn phát triển” ư? phải hiểu thế nào, khi nào thì phù hợp, khi nào thì không, ai quyết định?
Để có được dự thảo Đại hội 12 với một định nghĩa định hướng tầm phào như thế chỉ phơi bày rõ hơn sự đấu tranh nội bộ gay gắt giữa TBT Nguyễn Phú Trọng kiên trì chủ nghĩa Mác-Mao-Lê và những người đòi thay đổi, chứ không chỉ đổi mới. Những người này là ai? Hiện nay chỉ có một người công khai là Bộ Trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, được ai đó chống lưng, đã tuyên bố rạch ròi, không úp mở rằng kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại, rằng định hướng XHCN ư: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.
Sự đấu tranh bất phân thắng bại đã đi đến một câu: kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Người quyết định lúc nào là phù hợp, lúc nào không, sẽ là TBT của đảng cộng sản vì đảng vẫn giữ quyền lãnh đạo. Nếu TBT là ông Trọng thì lúc nào cũng phù hợp, nếu là ông khác, thì cũng cho phép ông này lờ định hướng đi mà không lo sợ phạm quyết định của đảng. Thỏa hiệp đấy.
Nhân đây kể chuyện con gà con qué mà báo chí đăng tuần qua vì có dính dáng đến quyết định lãnh đạo: Tháng 10/2013, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cấp vốn cho UBND xã Quế An thực hiện xóa đói giảm nghèo, cấp cho các hộ nghèo 1.200 con gà giống, nhưng chỉ có 100 con trong số này đến được tay người nghèo. Số còn lại bị 22 cán bộ xã Quế An chia nhau mỗi người 50 con mang về nuôi và đã bán hoặc làm thịt hết. Trong danh sách “nhận nhầm” gà này có chủ tịch UBND xã, chủ tịch Hội nông dân, trưởng công an, chủ tịch Hội phụ nữ… chỉ có 2 hộ dân trong danh sách nhận được gà “giảm nghèo” nhưng không loại trừ đây là người thân, họ hàng của cán bộ xã Quế An.
Ông Hoàng Kim Minh, Chủ tịch UBND xã Quế An phân trần: “Việc đem chia gà cho cán bộ xã là để tạo điều kiện cho anh em, do các cán bộ sống bằng nông nghiệp là chính”. Vậy là thú nhận: Chúng tôi xóa đói giảm nghèo cũng phù hợp với từng giai đoạn.
Vụ này xảy ra tiếp sau vụ 12 con dê xóa đói giảm nghèo đi nhầm vào nhà ông chủ tịch huyện. Các vụ này do người dân tố cáo, báo chí đăng tải nên khó mà trốn được, vả lại đây chỉ là những cán bộ tép riu, cũng như đám DLV, họ bị hy sinh khi cần rửa mặt cho ai đó.
Vụ con gà con qué, con dê, tưởng nhỏ vậy mà đã khẳng định lại một điều rất lớn: đảng lãnh đạo muốn quyết định gì là như trời muốn chứ không phải ý dân.
Vì vậy ai ở vào vị trí TBT đảng trong Bộ chính trị Đại hội 12 sẽ là ông trời. Ông sẽ quyết định áp dụng định hướng XHCN hay không là tùy ông. Người ta đồn ông Nguyễn Tấn Dũng muốn chiếm chức TBT phải chăng người ta hy vọng ông sẽ không áp dụng định hướng XHCN mà không trái với quyết định của Đại hội 12?
Nói với nhau về cuộc đấu tranh “từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội” (Thư Ngỏ 61)
TS Nguyễn Quang A đã có công dịch và giới thiệu nhiều bài viết chia sẻ kinh nghiệm ở các nước Đông Âu cho những ai không đọc được ngoại ngữ và cũng là cho những anh em đảng viên hay không đảng viên chung vai sát cánh đấu tranh “từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội” .
Những người đã góp công đầu cho việc từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nga – Đông Âu phần lớn đã bị loại ra sau khi thành công và những cựu đảng viên cộng sản trở lại chính trường với đầu óc độc tài độc đoán mà Tổng thống Putin là một thí dụ.
Một trong những kết luận là người ta đã đấu tranh đơn lẻ và không kết hợp nếu không muốn nói là vô tổ chức.
Ở Nga, Elsine không có một tổ chức nào sau lưng, chỉ có ở Ba Lan có Công đoàn Đoàn Kết làm nòng cốt nên nền dân chủ được giữ vững.
Ở Việt Nam, có khả năng đang lộ dần là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn nắm hết quyền lực trong chức vụ Tổng bí thư rồi gộp chức Chủ tịch nước và TBT làm một như ở Trung Quốc.
Nếu ông Dũng thực hiện được ước vọng được gán cho ông và với hiến pháp không tam quyền phân lập như hiện nay, chúng ta sẽ chuyển từ đảng trị sang nhân trị. Khi đó khả năng độc đoán của một người là rất lớn nếu như ông Dũng không được “giải nhất về học tập làm theo gương Bác” do ông Nông Đức Mạnh đẻ ra.
Nếu sự việc xảy ra như thế trong tương lai thì sẽ không có lực lượng đối trọng, nếu như không có những nỗ lực để kết hợp ngay từ bây giờ giữa những người đang chung vai đấu tranh, trước mắt là về chất, kế đến là về lượng.
Bước đầu không cần đông mà cần sự rõ ràng, quyết tâm.
Những người đang đấu tranh trong nước hiện nay là những người có lòng, có can đảm, không lùi bước trước các thế lực đàn áp. Ai thực hiện được sự kết hợp này thì người đó sẽ là một lãnh đạo tự nhiên, mặc nhiên, được mọi người công nhận và đi theo. Mọi người đang chờ đợi, không được quyền làm cho quần chúng thất vọng.
Hãy từ bỏ tư tưởng ốc đảo, những thái độ tài tử, vì đấu tranh cần sự chuyên nghiệp nếu muốn đưa đất nước ít ra là “từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
VNTB – “Định nghĩa mới” về định hướng XHCN cho phép lãnh đạo tương lai chạy làng?
Nguyễn Trung Chính (VNTB) – Hiện nay chỉ có một người công khai là Bộ Trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, được ai đó chống lưng, đã tuyên bố rạch ròi, không úp mở rằng kinh tế thị trường là tinh hoa của nhân loại, rằng định hướng XHCN ư: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.