Hiền Lương
(VNTB) – Đại diện phía hàng không và phòng cháy chữa cháy đều cho rằng việc cứu hỏa, cứu hộ ở nhà cao tầng bằng trực thăng hiện nay là chưa khả thi và không thể thực hiện.
Vụ hỏa hoạn tòa nhà 9 tầng ở Hà Nội khiến 56 nạn nhân thương vong đã xới lại việc nhà chức trách từng tuyên bố sẽ trang bị trực thăng chữa cháy từ năm 2011.
Một ngày sau vụ cháy tháp EVN cao 33 tầng ở phố Cửa Bắc (Hà Nội), ngày 16-12-2011, UBND Hà Nội đã có cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo sở, ngành của thành phố. Lần đầu tiên Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị, phải tính đến việc trang bị máy bay trực thăng để khi xảy cháy nhà cao tầng có thể cứu hộ dễ dàng hơn. Người đứng đầu thành phố đặt câu hỏi cho các lãnh đạo sở, ngành vì sao không nhờ đến trực thăng quân đội vì nếu trực thăng đến thả thang dây có thể cứu nhanh hơn những người mắc kẹt trên nóc nhà.
Tuy nhiên, đại diện phía hàng không và phòng cháy chữa cháy đều cho rằng việc cứu hỏa, cứu hộ ở nhà cao tầng bằng trực thăng hiện nay là chưa khả thi và không thể thực hiện.
Hiện tại, trực thăng Mi-172 được cải tiến để cẩu thêm gầu nước nặng 4 tấn. Khi bay đến đám cháy, phi công sẽ căn chỉnh quán tính, hướng gió nhằm thả “quả bom nước” trúng khu vực có lửa.
Trung tuần tháng 8-2013, hai máy bay trực thăng, 78 xe chữa cháy, xe thang và hàng chục chó nghiệp vụ được huy động để dập tắt đám cháy lớn tại tòa nhà 21 tầng Diamond Plaza Sài Gòn (quận 1, TP.HCM) trong tình huống giả định là có hàng ngàn người bị kẹt trong lửa.
Trước đó, đầu tháng 1-2013, UBND TP.HCM đã phê duyệt dự án quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố đến năm 2025, theo đó sẽ trang bị 6 máy bay phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Chính quyền cho rằng việc đầu tư trang bị máy bay là cấp thiết để tham gia cứu hộ (xảy ra cháy, bão, tai nạn giao thông đường thủy, đường cao tốc, sóng thần…), chữa cháy bởi thành phố đã và đang xây dựng nhiều cao ốc, đường cao tốc, metro…
Một số ý kiến tranh luận cho rằng đô thị ở Việt Nam quy hoạch không thuận lợi cho chuyện chữa cháy bằng trực thăng.
Trước tháng 4-1975 ở Sài Gòn từng sử dụng trực trăng để dập tắt đám cháy ở khu cầu Ông Lãnh, tuy nhiên về sau này với việc khi rủi ro cháy tòa nhà cao tầng trong thành phố thì gặp rất nhiều khó khăn. Vì thành phố bị bao bọc bởi các tòa nhà cao tầng, hệ thống dây cáp, cột sóng di động và nhiều thiết bị khiến máy bay hoạt động không an toàn.
Đã vậy, bản đồ thành phố không cập nhật phần tĩnh không, độ cao cho phép hoạt động của máy bay. Nếu phải cứu hộ, cứu nạn vào đêm tối, phi công sẽ không biết đường mà bay.
Ngoài ra các máy bay chỉ có thể cứu hộ cứu nạn đối với những sự cố lộ thiên như cháy rừng. Với các tòa nhà cao tầng được thiết kế khép kín, nguồn cháy không xác định, chỉ thấy khói bốc cao, nếu sử dụng máy bay trực thăng thả nước xuống tòa nhà thì cũng không hiệu quả.
Giả sử điểm cháy ở ngang hông tòa nhà, máy bay không thể can thiệp vì nó chỉ có thể bay trên nóc, chứ không thể bay ngang phun nước vào, và nhà càng cao, cháy càng lớn thì càng làm máy bay không thể treo cao để cứu hộ được (độ cao treo được để cứu hộ tỷ lệ nghịch với tải trọng máy bay và nước chữa cháy).
Theo chuyên gia hàng không – ông Lương Hoài Nam, thì để trực thăng cứu hỏa hoạt động, cần hoàn thiện quy hoạch vùng trời, trong khi hiện tại các thành phố lớn vẫn đang được quy định là “vùng cấm bay”.
Ở Việt Nam, mọi chuyến bay đều phải xin phép bay và phải được cấp phép bay trước khi cất cánh, với hành trình bay, mực bay cụ thể. Vậy thì làm sao nhà khai thác, công ty khai thác trực thăng biết được bệnh nhân sẽ ở đâu, hỏa hoạn sẽ ở chỗ nào để xin phép bay trước?
Hoặc như trường hợp cháy tòa nhà 9 tầng ở Hà Nội hôm rồi vào lúc mọi người còn đang say ngủ, nếu có máy bay trực thăng cứu hộ đi chăng nữa thì chạy đâu để xin phép bay cấp cứu, cứu nạn, cứu hộ?
1 comment
Dù không dùng được nhưng vẫn phải mua, vì tiền lại quả mua trực thăng rất “thơm”, chia nhau rất sướng, ko dùng được thì rút kinh nghiệm, kiểm điểm, chứ lo gì?