Út Sài Gòn
(VNTB) – Đổ thừa cho tụi nhỏ nó dễ hơn mà
– Đúng thiệt là mắc cười hết chỗ nói.
– Gặp anh là lại nghe anh nói mắc cười. Có chuyện gì mà cứ sáng sáng đọc báo là thấy mắc cười hoài vậy? Dạo này nhiều tin tức mang tín hiệu vui về kinh tế hay sao anh Tám?
– Trình độ của mình sao hiểu hết tầm vĩ mô hay vi mô gì gì đó của mấy ông kinh tế. Tui chỉ biết cơm ngày ba bữa, lo cho gia đình rồi phòng ốm đau bệnh hoạn, năm nào cũng khó y chang năm nào. Còn mắc cười ở đây, là tui đang nói cái ý kiến lên tiếng, tạm gọi là bênh vực thế hệ trẻ, lên án những người “tố” thái độ làm việc không phải của thế hệ gọi là Gen Z nè anh Út.
– Là sao anh?
– Thì có ý cho là thế hệ Gen Z đang phải hứng chịu nhiều điều tiếng và phán xét với sự phổ biến của mạng xã hội. Để tui đọc 1 phần cho anh nghe, cái ý kiến đó viết nè: Tôi thấy nhiều lúc tội nghiệp các em Gen Z, đây có lẽ là thế hệ chịu nhiều điều tiếng nhất trong lịch sử, khi mà các đàn anh, đàn chị trong công ty, văn phòng với sự hỗ trợ của mạng xã hội, sẵn sàng tố các em dù chỉ là lỗi nhỏ nhất. Và như một làn sóng, Gen Z bị thế hệ đi trước đánh hội đồng từ đông sang tây.
Trong một hội nhóm chia sẻ về công việc trên mạng xã hội, chỉ lướt chừng một chục bài, thì thấy có khoảng 3-4 bài “tố” thái độ làm việc của Gen Z. Những điểm tố cáo đó là: bị sếp mắng là hờn dỗi, nghỉ việc; nhảy việc quá nhiều; không biết cách làm việc; ăn mặc không phù hợp nơi công sở…
Ở bên Mỹ, Gen Z cũng bị đánh giá là có vấn đề: Chia sẻ với tạp chí The Wall Street Journal, một số chủ doanh nghiệp nhận xét, người lao động ở thế hệ Gen Z “thiếu ý thức học hỏi kinh nghiệm thực hành, có thể khiến họ trở nên lười biếng hoặc không biết gì khi hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản trong công việc”.
Tui có mấy đứa cháu sinh năm 2000, năm nay 24 tuổi và sẵn sàng đi bán cà phê lề đường kiếm tiền trong lúc thất nghiệp. Tui cũng có mấy đồng nghiệp sinh năm 1990, năm nay 34 tuổi rồi nhưng làm biếng trong công việc, đã vậy còn chơi cờ bạc trên mạng và “báo” nhà số tiền không nhỏ.
– Đúng là mắc cười thiệt, cái ý kiến đó nói có thể không sai, nhưng cũng không đúng. Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, đâu phải ai cũng giống như đứa cháu của cái ông hay cái bà đưa ý kiến đó. Như trường hợp nhà tui nè, ba đứa cháu, thế hệ Gen Z, một đứa sinh 2001, đánh ông bà, chú. Một đứa sinh 2002 thì cãi mẹ, gây nợ nần. Một đứa sinh 2003 thì nói xạo, ăn cắp tiền rồi gây biết bao nhiêu chuyện phải để người nhà đi giải quyết.
Đúng là nếu quơ đũa cả nắm là không tốt hết. Nhưng cũng hơi quá đáng nếu như đánh đồng tất cả đều tuyệt vời, là điều sai. Có người này người kia chứ. Như thế hệ 8x, 9x, thành công đâu có ít nhưng mà cũng không phải không có thất bại.
– Thì đó, có binh thì binh cũng cho đúng. Mà nên nhớ một điều, như cái bài đó viện dẫn, từ ý kiến trong nước đến báo nước ngoài đều phản ánh như vậy, tức là có khả năng có vấn đề thiệt. Cái quan trọng là tìm đâu ra vấn đề để khắc phục, sửa chữa. Có phải đến từ quá trình giáo dục hay không? Hay còn nguyên do nào khác? Biết thực trạng, tìm giải pháp chứ.
– Ui, thì cứ phải có nhóm người chịu trận trước, hứng cơn thịnh nộ của toàn dân để thiên hạ thái bình. Đổ thừa cho tụi nhỏ nó dễ hơn là đi kiếm ra tại này tại kia.
__________
Ghi chú:
(*) Gen Z, được định nghĩa theo trung tâm nghiên cứu Pew, là những bạn trẻ sinh năm 1997 đến 2012.
1 comment
“Đổ thừa cho tụi nhỏ nó dễ hơn là đi kiếm ra tại này tại kia”
Rất đúng . Nên vẫn hát ru, nhớ đừng ray rứt, và tiếp tục bào chữa . Nó dư thía lày chả phải bởi tại ai