Hàn Lam
(VNTB) – Trong tương lai có thể sẽ hình thành nhiều khu nhà ở xã hội với chủ nhà người Trung Quốc.
Luật ở Việt Nam còn giới hạn việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lãnh vực nhà ở xã hội tại Việt Nam. Thế nhưng không rõ vì sao ở cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính sáng 28-6 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), một số tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội tại Việt Nam.
Tin tức này đã không được báo chí Việt Nam khai thác chi tiết.
Giả dụ như Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý với mong muốn trên, thì liệu ông có thể sử dụng quyền lực của mình để luật hóa chuyện này từ “cho thuê” sang “bán đứt” như trước đây lúc ông còn là Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, ông đã đề xuất thời gian cho thuê đất 99 năm ở dự án đặc khu hành chính – kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh).
Theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh bất động sản trong giới hạn sau đây của Luật kinh doanh bất động sản: Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua.
Như vậy, theo luật thì doanh nghiệp Trung Quốc nếu chọn đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam thì họ chỉ được phép “cho thuê”, không được phép “bán”. Điều đó cho thấy trong tương lai sẽ hình thành nhiều khu chung cư thấp tầng của dự án nhà ở xã hội mà ông bà chủ là người Trung Quốc.
Một vấn đề đặt ra ở đây là nếu Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý các dự án nhà ở xã hội tại Việt Nam do Trung Quốc đầu tư, thì các dự án này sẽ đưa đến một khối lượng khổng lồ các mặt hàng thép, xi măng, đồng và nhôm trong bối cảnh giá các mặt hàng này sụt thê thảm do hoạt động xây dựng giảm tốc từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo quan sát từ một chủ doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì rõ ràng là phía Trung Quốc đã tận dụng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đang mời gọi đầu tư ở Bắc Kinh để nêu ván cược trong chuyện giúp Thủ tướng Việt Nam sớm ghi điểm trong mắt người lao động về chuyện an cư.
Hồi quý đầu năm nay, Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố đề án xây ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030. Trong khi đó thì chính phủ nhìn nhận nhu cầu cũng giai đoạn này khoảng 2,4 triệu căn, tức cầu hơn cung rất nhiều.
Để hoàn thành mục tiêu xây được ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, sửa đổi Luật nhà ở và các quy định pháp luật về thuế…
Theo đó, để dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp… phải xác định rõ diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; coi phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hằng năm của địa phương.
Về vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề án của Chính phủ nêu rõ các địa phương phải xác định phát triển nhà ở xã hội là một hạng mục đầu tư bằng nguồn vốn trung và dài hạn của địa phương; trích một phần thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn để hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án nhà ở xã hội…
Và trong tổng nguồn lực 849.500 tỷ đồng để xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng từ bốn ngân hàng thương mại BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% lãi cho vay bình quân của các ngân hàng.
…Giữa lúc khốn khó với những xoay xở như trên, thì với đề nghị ở hôm 28-6, rằng Bắc Kinh sẽ đầu tư các dự án nhà ở xã hội tại Việt Nam, nếu nhận cái gật đầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, xem ra ngân sách của Hà Nội đã có thể thở phào nhẹ nhõm.
Và ai cũng biết, “hoa hồng” trong làm ăn của giới tài phiệt Trung Quốc là những con số “bôi trơn” đầy ma lực…
2 comments
“Luật ở Việt Nam còn giới hạn việc doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lãnh vực nhà ở xã hội tại Việt Nam”
Nhưng Trung Quốc đâu phải là nước ngoài, vì vậy, luật hổng thể áp dụng cho các doanh nghiệp Trung Quốc .
Muốn bình luận nhưng lại thôi vì mình bé quá.