Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Dự án truyền thông của “Nhóm Báo Sạch”, trong chừng mực nào đó, cũng chính là hình thức của doanh nghiệp xã hội
Việt Nam vẫn yêu cầu các hội đoàn xã hội dân sự phải có “cấp chủ quản” là cơ quan hành chính nhà nước nào đó. Vậy thì nếu thành viên nào đó của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, với mong muốn đi tiếp chặng đường tạm dang dở của các nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn về hình thành bước đầu của báo chí tư nhân, thì liệu có thể vận dụng mô hình “doanh nghiệp xã hội” để thúc đẩy quyền tự do làm báo công dân – một quyền hiến định, tuân thủ pháp luật, không phải chịu sự định hướng của cấp chủ quản?
Tính đến nay, bởi tính đa dạng và phức tạp của lĩnh vực mới này, nên khái niệm doanh nghiệp xã hội được phát triển tùy vào điều kiện ở từng địa phương và tùy vào góc độ nhìn nhận. Theo đó, doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tối cao là phát triển xã hội hay bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phương thức hoạt động như một doanh nghiệp.
Tùy theo từng quốc gia, doanh nghiệp xã hội có thể có các hình thức pháp lý khác nhau: tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện, hợp tác xã hay các doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Doanh nghiệp sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Thứ nhất, xét về bản chất, doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, nó được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường, vì lợi ích cộng đồng.
Thứ hai, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, thì doanh nghiệp xã hội có mục tiêu, địa bàn hoạt động xã hội không hạn chế. Như vậy, doanh nghiệp có thể hoạt động trong những địa bàn như: dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, địa bàn biên giới,… và những lĩnh vực như: người yếu thế, vấn đề giáo dục đạo đức cho giới trẻ…
Như vậy, nếu như có một doanh nghiệp xã hội hoạt động theo tôn chỉ về việc bằng quyền tự do báo chí hiến định và luật định để giúp người dân yếu thế/ yếm thế lên tiếng nói đa chiều, thì xem ra điều này nằm trong nhóm nội dung mà Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đề ra và triển khai thực hiện bằng nhiều dự án xã hội còn đang dang dở.
Dự án truyền thông của “Nhóm Báo Sạch”, trong chừng mực nào đó, cũng chính là hình thức của doanh nghiệp xã hội, và tiếc thay phía chính quyền đã hình sự hóa thay cho xử trí vấn đề theo quan hệ pháp luật dân sự.
Câu hỏi đặt ra: vậy thì cụ thể ở lúc này nếu chọn mô thức doanh nghiệp xã hội, thì dự án của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam sẽ tiếp tục là những gì?
Rất có thể đó là dự án truyền thông lên tiếng về quyền tự do tôn giáo, không phân biệt sắc dân, thành phần chính trị, quan điểm chính trị, như vụ việc Chi phái Cao Đài 1997, Cộng đồng H’Mong Minnesota, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Công giáo ở Nghệ An,…
Rất có thể đó là việc dự án hỗ trợ người dân đang yếm thế về pháp lý trong các yêu cầu về quyền sở hữu, chẳng hạn như đất đai.
Đơn cử như từ kết quả của dự án “Tranh chấp thu hồi đất ở Đông Á: Phân tích so sánh và khuyến nghị với Việt Nam” do nhóm giáo sư 3 trường luật tại Úc, Hongkong và TP.HCM thực hiện với tài trợ của Liên hiệp quốc UNDP, sẽ có các dự án tương tự như góp thêm giải pháp của thực thi những khuyến nghị này từ giác độ người dân yếm thế về pháp lý. Và để duy trì kinh phí cho dự án, cần thiết đến mô thức doanh nghiệp xã hội, chẳng hạn từ Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Lưu ý, đề xuất ở trên chỉ có thể thực thi khi mà nhân quyền không bị đe dọa của chụp mũ chính trị từ đảng cầm quyền.