(VNTB) – Việc đưa tin dối trá này thậm chí còn ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao hai nước khi bôi nhọ năng lực cảnh sát của nước bạn.
Ngày 24/2, trang Facebook Hello Long Thành đưa một đoạn video các xe cảnh sát giao thông, xe biển số xanh hú còi, chạy ngoài đường rồi giật tít “Xoá Bỏ Khu Tự Trị Tam Thái Tử Campuchia”. Trong lời dẫn, trang này ghi: Khu tự trị Tam Thái Tử Campuchia lừa đồng bào, buôn người, nhiều vụ án man rợ. Nếu phía Campuchia không dẹp được hãy để Việt Nam lên tiếng. Cảm ơn bác Phạm Minh Chính đã bảo vệ người dân Việt Nam chúng con”. (1)
Trang Facebook Ba Đình thì đăng video tựa đề “TT Phạm Minh Chính dẹp loạn Tam Thái Tử Campuchia: Nếu Campuchia thấy khó Việt Nam sẽ dẹp hộ. Trong video này, họ đưa tin rằng “công an Việt Nam đã xông trực tiếp vào khu tự trị Tam Thái Tử của Campuchia để cứu người”. Video dài 19 phút 57 giây này cũng liên tục ca ngợi công an Việt Nam tài giỏi, hạ thấp năng lực cảnh sát Campuchia. (2)
Trang Kiềng Ba Chân thì tung lên một video dài 24 giây, quay cảnh một đoàn xe công vụ (có gắn đèn ưu tiên trên nóc và hú còi), chẳng rõ của nước nào, nhưng giật tít rằng: “Cảm ơn bác Tô và bác Chính đã tăng cường hội đàm hợp tác với Campuchia, đồng thời chỉ đạo Bộ Công an và Công an các địa phương đồng loạt lập các chuyên án sang tận Cam xóa sổ khu Tam Thái Tử bắt và di lý hàng loạt tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đã hút máu chính đồng bào mình trong thời gian qua”. (3)
Trang Youtube Con đường thành công, có hơn 183.000 người theo dõi đưa video tựa đề “TT Phạm Minh Chính Tuyên Bố: Nếu Campuchia Không Dẹp Được Lừa Đảo – Việt Nam Sẽ Dẹp Hộ”. Video chủ yếu dùng những hình ảnh trên internet, nhưng tác giả mô tả rằng: “Trong video này, chúng ta cùng tìm hiểu về những chiến công đầy ấn tượng của lực lượng chức năng Việt Nam trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là các tổ chức lừa đảo quốc tế tại Campuchia. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ công dân, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Khi Campuchia không thể tự giải quyết vấn nạn này, Việt Nam đã sẵn sàng can thiệp để triệt phá những mạng lưới tội phạm nguy hiểm”. (4)
Tuy nhiên, tìm hiểu những phát biểu và cuộc gặp gần đây giữa quan chức CSVN và Campuchia thì hoàn toàn không có chuyện này.
Cuộc gặp cấp cao nhất là giữa Tô Lâm và Hun Sen tại TPHCM, ngày 21/2. Báo chí nhà nước chỉ viết rằng “Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ chính trị để định hướng cho tổng thể quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo hai bên, thực hiện hiệu quả các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, du lịch tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước và quan hệ giữa hai Đảng, hai nước”. (5)
Cùng trong ngày 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet cũng gặp nhau, và báo chí nhà nước chỉ viết chung chung là “thủ tướng hai nước cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục và thống nhất một số nội dung trọng tâm cần sớm triển khai trong thời gian tới, đặc biệt là triển khai các sáng kiến về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Campuchia cũng như ba nền kinh tế Việt Nam, Campuchia và Lào”. (6)
Trước đó, ngày 19/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia Sar Sokha có buổi thăm và làm việc tại Việt Nam, gặp thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Trong buổi gặp này, báo chí CSVN đưa tin “Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thời gian tới, Campuchia và Bộ Nội vụ Campuchia tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tăng cường hợp tác, đấu tranh đối với các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm ma túy, mua bán người, đấu tranh với các đường dây lừa đảo trực tuyến sử dụng địa bàn Campuchia để hoạt động. Đồng thời đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá hai nước và quan hệ hai nước; giải cứu, hồi hương công dân Việt Nam đang bị giam giữ, ép buộc lao động do lừa đảo trực tuyến tại Campuchia về nước”. (7)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia cũng có hứa rằng “Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Nội vụ Campuchia sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đấu tranh hiệu quả đối với các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng”. (7)
Như vậy, hai bên chỉ đưa ra những đề nghị và hứa hẹn, chứ cũng chưa có ký kết rõ ràng về việc đưa công an Việt Nam sang Campuchia để triệt phá các đường dây lừa đảo. Cho nên những thông tin về việc ông Tô Lâm hay ông Phạm Minh Chính đưa quân xông vào khu Tam Thái Tử hoàn toàn là dối trá.
Ngoài ra, các băng nhóm lừa đảo tại Campuchia vốn nằm trong các khu tự trị, đặc khu kinh tế mà Campuchia đã cho Trung Quốc thuê đất dài hạn. Trong đó, người Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ, như một lãnh địa riêng, ngay cả cơ quan thực thi pháp luật của Campuchia cũng không thể bước vào khi không được người Trung Quốc cho phép. Cho dù nếu được phép vào thì cũng phải bị an ninh của khu tự trị giám sát, theo dõi, chứ quan chức Campuchia cũng không thể hành động tuỳ tiện trong lãnh địa đó.
Bên cạnh đó, việc đưa công an, quân đội vào lãnh thổ nước khác là hành vi xâm lược. Bởi vậy không thể có chuyện công an Việt Nam xông vào các khu tự trị của Trung Quốc. Có chăng thì Việt Nam chỉ “đón lỏng” những tội phạm lừa đảo khi họ bay về nước thăm quê như những vụ bắt người tại sân bay, cửa khẩu gần đây.
Việc tung tin đồn nhảm này cho thấy sự bất lực của Việt Nam trong việc bảo vệ công dân. Đã không thể tuyên truyền cho người dân cảnh giác mà đưa tin giả thì chỉ khiến người dân ỷ lại, dễ bị lừa hơn. Thậm chí, việc đưa tin dối trá này thậm chí còn ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao hai nước khi bôi nhọ năng lực cảnh sát của nước bạn.
____________________
Tham khảo:
(1) https://www.facebook.com/share/v/1Bbbu2oHeo/?mibextid=wwXIfr
(2) https://www.facebook.com/share/v/1A4s261bhJ/?mibextid=wwXIfr
(3) https://www.facebook.com/share/v/195bc9YaP3/?mibextid=wwXIfr
(4) https://www.youtube.com/watch?v=YemwVtIdsPE