Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dư luận viên hả hê mỉa mai Mỹ, Hàn, nhưng không chịu nhìn lại Việt Nam

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người Việt Nam tìm cách vượt biên, leo rào đến Mỹ, Hàn lao động chui, sống bất hợp pháp.

 

Vụ việc Tổng thống Hàn Quốc bị người dân Hàn cáo buộc là độc tài cùng với việc Tổng thống Mỹ ân xá vĩnh viễn cho con trai, đã khiến dư luận viên Việt Nam có thêm cái cớ để mỉa mai những nền dân chủ hàng đầu thế giới. Đồng thời lực lượng này cũng lợi dụng hoàn cảnh để ca ngợi rằng hệ thống chính trị đơn đảng độc tài của Việt Nam là ổn định và ưu việt hơn.

Trên trang Facebook Tifosi, dư luận viên viết “Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố thiết quân luật rồi Quốc hội Hàn Quốc hủy thiết quân luật sau đó gần 3 giờ đồng hồ. Tổng thống Hàn Quốc bị dân Hàn chửi là độc tài, chuyên quyền, vì đấu đá đảng phái mà làm ảnh hưởng đất nước. Tổng thống Joe Biden vừa ân xá vĩnh viễn con trai phạm hơn 20 cáo buộc. Cũng bị người dân bên đó chửi độc tài, quyết định vì lợi ích cá nhân… Không biết các bạn chống phá dùng văn gì để chửi Việt Nam bây giờ“. (1)

Tuy nhiên, nhìn lại Việt Nam thời gian qua, hàng loạt quan chức đứng đầu hệ thống chính trị tham nhũng, bị lộ ra, như chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, trưởng ban Kinh tế Trung Ương Trần Tuấn Anh, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung… Nhưng người dân không dám, hoặc không thể phản ứng. Vì cứ lên tếng chỉ trích nhà cầm quyền thì chắc chắn bị mời lên đồn công an. Ở Hoa Kỳ và Hàn Quốc, khi lãnh đạo xảy ra bê bối thì người dân hoàn toàn có thể tự do lên tiếng phản ứng mà không sợ bất kỳ thế lực nào.

Cũng cần phải nói rõ rằng mỗi quốc gia vận hành theo hệ thống chính trị khác nhau đều có các cơ chế, văn hóa và nguyên tắc riêng. Các nước có nền tảng dân chủ lâu đời như Mỹ hay Hàn Quốc thì họ có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, cho phép người dân và các thiết chế chính trị đối trọng có thể điều chỉnh sai sót của lãnh đạo nhiều hơn so với các nước phi dân chủ.

Hàn Quốc thì theo mô hình dân chủ nghị viện, tổng thống có quyền ra quyết định lớn, nhưng phải chịu sự kiểm soát mạnh từ Quốc hội và hệ thống tư pháp. Việc ban bố thiết quân luật tại Hàn Quốc có thể xuất phát từ khủng hoảng chính trị, nhưng phản ứng nhanh từ Quốc hội cho thấy có sự cân bằng quyền lực, chứng minh cho sự hoạt động hiệu quả của cơ quan đại diện người dân. Và cũng chứng minh rằng không ai được đứng lên trên Hiến Pháp, kể cả tổng thống. Còn ở Hoa Kỳ thì chính quyền liên bang đặt nhiều quyền tập trung vào tổng thống. Quyết định ân của Tổng thống Biden, dù gây tranh cãi, nhưng vẫn trong phạm vi Hiến định.

Trong khi đó, Việt Nam vận hành theo cơ chế “tập trung dân chủ”, mọi quyền lực đều nằm trong tay đảng CSVN. Thậm chí Hiến Pháp cũng phải nằm dưới cương lĩnh đảng, như lời ông Nguyễn Phú Trọng từng nói năm 2013: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của đảng”. Quốc Hội Việt Nam thì chỉ là bù nhìn cho Trung ương Đảng, khi Trung ương Đảng đã quyết thì Quốc Hội buộc phải thông qua. Từ luật pháp, nghị quyết, tới kỷ luật lãnh đạo, chủ tịch…

Hệ thống chính trị tập quyền độc đảng như ở Việt Nam thiếu những cơ chế rõ ràng để xử lý tham nhũng, và các tiêu cực trong bộ máy. Trên thực tế, Việt Nam đã cố gắng tìm cách chống tham nhũng, lạm quyền trong mấy mươi năm qua, nhưng càng chống thì càng hình thành thêm nhiều phe phái tham nhũng, kẻ mới lên chống lại người cũ, lập ra bang phái khác ngay trong bộ chính trị. Điều này cho thấy quyền lực chính trị bị lạm dụng mà không có biện pháp hay cơ chế nào kiểm soát hiệu quả.

Tự mãn về mô hình chính trị độc tài của mình mà bỏ qua những hạn chế, yếu kém, tiêu cực của chế độ là một cách nguỵ biện vô trách nhiệm. Việc dư luận viên chỉ trích các quốc gia khác cũng chẳng thể giúp cải thiện những vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam, mà còn cho thấy sự tự cao của kẻ tiểu nhân hèn mọn, cười người ta mà không biết nhìn lại mình để học hỏi, cải thiện, sửa đổi.

Nếu tập trung vào các vấn đề quốc tế nên cần phải đặt câu hỏi: “Hệ thống hiện tại của Việt Nam đang phục vụ người dân như thế nào?”. Trong khi Hàn Quốc và Mỹ, dù đang đối mặt với những vấn đề chính trị, vẫn là những nước có nền kinh tế, công nghệ, và hệ thống pháp lý đáng để nghiên cứu và học tập. Hàn Quốc và Mỹ dù có biểu tình, có thiết quân luật, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng ngàn người Việt Nam xếp hàng trước lãnh sự quán để xin visa sang các nước đó để du học, lao động, định cư. Thậm chí người dân Việt Nam phải tìm cách vượt biên, leo rào để được đến các nước đó lao động chui, sống bất hợp pháp…

Việc dư luận viên chỉ trích, móc mỉa những người bất đồng quan điểm trong nước cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với đối thoại dân chủ. Một xã hội phát triển không phải là nơi mà mọi người đồng ý với một quan điểm duy nhất, mà là nơi các quan điểm khác được tôn trọng và tranh luận công bằng. Chính sự đa dạng trong tư duy mới tạo động lực cho sự tiến bộ.

 

____________________

Tham khảo:

(1) https://www.facebook.com/share/p/1DwVMDsPk4/?mibextid=WC7FNe

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lỗ nhưng sao vẫn cắn chặt không nhả?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đổi mới tư duy và sức mạnh để biết những gì bạn không muốn biết

Phan Thanh Hung

VNTB – Cao tốc không nhà vệ sinh: dân phải vượt rào

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo