Chi Lăng
(VNTB) – Tránh tình trạng “làm đúng quy trình, quy định nhưng không chọn đúng người, đúng việc”…
Nếu có người dân nào đó đăng đàn để đưa ra khuyến cáo về chuyện tuy Đảng đang làm đúng quy trình, quy định, nhưng lại ‘nhầm lẫn cố tình’ trong nhiệm vụ ‘chọn đúng người, đúng việc’, thì người đó dễ bị chụp chiếc mũ là chống phá Đảng – bất chấp đây là quyền chính trị Hiến định tại Điều 28.1 “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”.
Các mẫu câu quen thuộc thường thấy về ‘chụp mũ’, đa phần lập luận phiếm chỉ như sau: “Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng và đất nước ta. Việc cán bộ, đảng viên và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, muốn tìm hiểu về công tác lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ trong cơ quan lãnh đạo của Đảng như Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… để gánh vác nhiệm vụ cách mạng cũng là vấn đề bình thường và chính đáng. Tuy vậy, lợi dụng vấn đề này để xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng nhằm chống phá Đảng và sự nghiệp cách mạng của đất nước là điều không thể chấp nhận”.
Trong một bài viết ký tên Nguyễn Phú Trọng, có tựa “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng” mà tất cả các tờ báo đều đã đăng, cho hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng, đã yêu cầu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là những người “phải vừa có Đức, vừa có Tài, trong đó Đức là gốc”.
Tác giả Nguyễn Phú Trọng đã sử dụng từ ngữ ví von: “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”. Chỉ có tổ chức đảng “tai, mắt tinh tường”, giàu sức chiến đấu mới có thể nhìn thấu đáo, xác định được cả nội dung “bên trong” và cả hình thức thể hiện “bên ngoài” của con người là “Hồng vỏ, đỏ lòng”, hay “Ngoài vỏ hồng hồng, bên trong bạc phếch”.
Một thầy giáo dạy Văn hiện đã nghỉ hưu, nhận xét rằng việc chọn “Đức là gốc” cho thấy dường như ông Nguyễn Phú Trọng nghiêng về “Đức trị” hơn là “Pháp trị”. Chính điều này nên Đảng vẫn tự tin vào “Đức” để không màng đến việc cần phải có luật về hoạt động của đảng chính trị, để “Pháp” có thể điều chỉnh hành vi khi “Đức” thật ra chỉ là “Hồng vỏ, đỏ lòng”.
“Hồ Chí Minh bằng tấm gương đạo đức của bản thân đã chinh phục được trái tim và khối óc của nhân dân cả nước, thuyết phục được các sĩ phu yêu nước cũ điển hình là Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại và tầng lớp trí thức tân học theo Người. Thực hiện đức trị, trong suốt thời kháng chiến chống Pháp, Người chỉ xử tử có một người là Trần Dụ Châu.
Vì sao đức trị có thể thực hiện trong thời gian đó? Một là trên chiến khu, đời sống mọi người kham khổ như nhau, nên đức trị còn có tác dụng. Hơn nữa, Hồ Chí Minh lại là tấm gương sáng chói của nền đức trị đó.
Song trong lịch sử có lẽ Hồ Chí Minh thuộc lớp người cuối cùng được đào tạo cơ bản để có được những đức tính trong sáng và cao đẹp của người trị nước theo đúng Nho giáo…” – ông thầy già đã hồi hưu, nhận xét. Một thời gian dài những người cộng sản đã trị nước bằng chỉ thị và nghị quyết, nên giờ việc lựa chọn nhân sự cần phải căn cứ theo khoa học tương ứng về quản trị quốc gia.
“Tôi cho rằng đừng kiêu ngạo cộng sản nữa. Đối với người lớn, tính cách con người đã hình thành khó mà thay đổi, ngoài mặt thì dạ dạ vâng vâng nhưng trong đầu nghĩ gì ai mà biết được!
Tất nhiên ở đây nền đạo đức công vụ mới phải kế thừa và chắt lọc những tinh hoa của truyền thống dân tộc, của nền triết học phương Đông cũng như những thành tựu vĩ đại của nền triết học phương Tây, kể từ Thế kỷ ánh sáng, chứ không phải chỉ loanh quanh bàn luận qua các văn kiện, nghị quyết mang tính duy ý chí ở từng giai đoạn của đảng cầm quyền” – ông thầy giáo dạy Văn góp ý kiến xây dựng như vậy.