Lê Tự Do
(VNTB) – Sài Gòn gọi là múa lân, nhưng dân Bình Dương vì kỵ huý, lại gọi múa cù. Cả hai cách gọi, đều không sai.
Đề án “Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM – Khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020” hoàn thành, Sở Văn hóa và Thể thao đã lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử TP.HCM về 38 tên đường không chính xác.
Qua đó, chia chúng thành 3 nhóm gồm: 5 tên đường sai so với quyết định đặt tên đường của Uỷ ban nhân dân thành phố (UBND TP); 17 tên đường sai do quyết định của UBND TP hoặc quyết định của UBND quận, huyện hay lịch sử để lại và 16 tên đường là tên các nhân vật lịch sử gọi theo phương ngữ hoặc lệ kỵ húy.
Một ví dụ, đường Ngô Thời Nhiệm bị viết sai, tên chuẩn là Ngô Thì Nhậm. Ông là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê – Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Đường Trần Nhân Tôn là tên viết sai của Trần Nhân Tông – vị vua thứ ba của nhà Trần nước Đại Việt. Ông được nhiều sử gia đánh giá là một vị vua anh minh, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Đại Việt cuối thế kỷ 13, cũng như việc bảo vệ nền độc lập và mở rộng cương thổ đất nước.
Hà Tông Quyền là một nhà thơ và làm quan dưới thời nhà Nguyễn. Dưới thời vua Minh Mạng, ông được phong hàm thượng thư Bộ Lại. Để tưởng nhớ ông, TP.HCM đã đặt tên cho con đường dài 700m kéo dài từ quận 5 sang quận 11 nhưng lại ghi sai tên là Hà Tôn Quyền.
Lần giở theo dòng lịch sử, xưa nay, từ vùng đất miền Trung trở vào hay xuất hiện những từ “kỵ húy” trong lời ăn tiếng nói hàng ngày mà người ta thường gặp. Đó là những từ kỵ húy chủ yếu liên quan tới vua chúa triều Nguyễn, từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam gây dựng xứ Đàng Trong.
Theo đó, một vài ví dụ cụ thể:
– Thì thay bằng thời như Ngô Thì Nhậm thay bằng Ngô Thời Nhiệm (Thì là tên thuở nhỏ của vua Tự Đức).
– Chu thay bằng châu như Ngô Tòng Chu thay bằng Ngô Tùng Châu (Chu là tên Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu).
– Tông thay bằng tôn, như Tông giáo, thay bằng tôn giáo để kiêng tên vua Thiệu Trị Nguyễn Phúc Miên Tông. Cũng vì tránh tên ông vua thứ ba của nhà Nguyễn này mà tất cả các chữ Tông đều được đổi thành Tôn: Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Lê Trung Tôn… Chẳng những thế, một dòng họ hoàng tộc vốn phải đọc là “Tông Thất”, nhưng vì kiêng húy chữ Tông này nên lại đọc thành “Tôn Thất” …
– Hoàng được đổi thành Huỳnh vì kỵ tên của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
– Hồng thành hường; Nhậm thay bằng nhiệm để tránh tên Nguyễn Phúc Hồng Nhậm của vua Tự Đức, như nhậm chức thay bằng nhiệm chức.
– Kỷ nguyên được thay bằng kỷ ngươn, Rằm thượng nguyên được thay bằng Rằm thượng ngươn (để kiêng tên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên).
“Nào giờ ông bà đã gọi như vậy, lưu truyền lại như vậy, có ai nói sai? Kỵ huý cũng không có gì là xấu cả. Lấy ví dụ, bạn có muốn có muốn con mình lôi tên mình ra gọi trổng không không? Huống chi ở đây là tên vua, tránh nói tên vua là chuyện rất chi là bình thường. Nhất là với người miền Nam, dù “ai kia” có nói sai về công trạng của bậc tiền nhân, cũng mặc kệ, người dân không thờ sai ai bao giờ.
Đơn cử, Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là một ví dụ. Sai hay đúng nó còn tuỳ từng địa phương, tuỳ từng phong tục tập quán của địa phương cũng như công trạng của bậc tiền nhân với địa phương họ. Nếu sai, sao ông bà không sửa? Mong rằng hậu nhân đừng vì bất kỳ lý do nào thay đổi văn hoá, phong tục của xứ Đàng Trong từ nào giờ”, cựu sinh viên khối ngành khoa học xã hội chia sẻ.
Mỗi đất nước, mỗi địa phương sẽ có phong tục, tập quán cũng như phương ngữ khác nhau. Đơn cử, Sài Gòn gọi là múa lân, nhưng dân Bình Dương vì kỵ huý, lại gọi múa cù. Cả hai cách gọi, đều không sai.
Chính vì lẽ đó, không thể kiên cưỡng áp cách gọi cũng như lịch sử được giảng dạy ngoài miền Bắc vào các con đường từ Đàng Trong đổ vào. Hậu nhân miền Nam làm không khéo, sẽ trở thành kẻ có lỗi vô cùng với tiền nhân, với ông bà tổ tiên của chính mình.