Từ cơm chấm muối ớt…
Trẻ em cần bữa ăn “cơm có thịt” |
(VNTB) – Trên mạng hiện nay đang lan truyền một clip ghi lại cảnh bữa cơm trưa của các em học sinh trường Tiểu học và THCS Trà Khê (Tây Trà – Quảng Ngãi).
Đây là những em phụ đạo hè. Và những món này là do các em tự chế biến để dằn bụng, chỉ vỏn vẹn: cơm trắng và muối ớt.
Hình ảnh đó hoàn toàn trái ngược so với đời sống vật chất của các em học sinh đồng lứa tại các thành phố lớn.
Nhưng nó lại không quá xa lạ với trẻ em miền núi, đặc biệt là thuộc các tỉnh nghèo nhất nước như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên…
Sự “quen thuộc” đó cho thấy nhiều vấn đề trong công tác chăm sóc trẻ khu vực này trước đến nay.
Dù rằng, không thiếu những nghị quyết, chỉ thị về vấn đề này, trong đó có Chỉ thị 20/CT-TW (05/11/2012) của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới: Điều kiện sống và cơ hội phát triển của trẻ em ở các vùng khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ so với trẻ em ở vùng thành phố còn có khoảng cách khá xa. Nguồn lực trong xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu. Huy động cộng đồng vào chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là ở nông thôn còn yếu.
Câu chuyện cơm chấm muối ớt là điển hình về cái gọi là “một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”.
“Em lớn lên trong mùa cách mạng”
Câu hát mang tính tuyên truyền suốt bao năm qua không thay đổi từ ngữ, và càng về sau cái ngữ từ ấy càng trở nên tương phản với thực tế cuộc sống.
Hàng giờ, hàng ngày, ở trên đất nước với 3/4 là núi đồi này, vẫn tồn tại những em học sinh bán trú với các món ăn đạm bạc (từ cá khô, canh đại dương, muối ớt, mì ăn liền, cơm độn khoai-sắn lát…), điều kiện học hành hết sức tồi tệ với nhà tranh-tre-nứa-lá, các em đến trường với quần áo thiếu thốn, chân không giầy, đầu không mũ. Thậm chí, các em ở trường PTCS Háng Đồng nằm trên đại bàn xã Háng Đồng (huyện Bắc Yên, Sơn La) khi hết măng ớt đã phải bẫy chuột để mà ăn.
Cái sướng vui có Đảng trở nên gượng ép khi bản thân “một số” cấp ủy, chỉnh quyền thay vì nhận thức được vai trò chủ nhân của các em lại biến nó trở thành nhận thức về cơ hội kiếm chác. Trẻ em và đầu tư chăm sóc trẻ em trở thành một chiếc bánh đầy hấp dẫn cho không ít các vị quan chức trục lợi.
Sự tương phản về đời sống vật chất nhưng lại giống nhau ở vị trí “con tin” của nhóm người trục lợi
Thế nên mới có chuyện, trong khi chỉ thị 20 kêu gọi cộng đồng tham gia vun vén lớp trẻ thì có người nào đó tại Bộ Nội vụ lại tìm cách ngâm hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động Quỹ cơm có thịt… tới 5 tháng (05/2012 – 10/2012) liền. Và mãi gần đây (04/2014), thì Quỹ mới được cấp phép với Quyết định 142/QĐ-BNV sau khi chịu áp lực của dư luận xã hội.
Những trẻ em vùng cao là thế, còn những trẻ em thành phố cũng không thoát khỏi sự nhòm ngó đó, khi gần đây, Sở giáo dục Tp. Hồ Chí Minh triển khai đề án máy tính bảng cho trẻ em tiểu học với giá từ 3 triệu đồng, trong khi giá gốc là 45 USD (900 ngàn đồng).
Cơm có thịt hay máy tính bảng cũng giống nhau ở việc trẻ con trở thành trò-chơi chấm-mút của không ít quan chức kết hợp với doanh nghiệp. Một trò chơi trục lợi cá nhân – của một nhóm người nhân danh giáo dục, nhân danh lãnh đạo…
“Sướng vui có Đảng tiền phong…”
Chúng ta thường hay nghe nói đến công trình trăm tỉ, nghìn tỉ. Để rồi một lúc nào đó chúng ta cảm thấy nó bình thường. Và vì bình thường, nên đôi lúc khi nghĩ đến việc đảm bảo một bữa ăn với giá 5.000 – 10.000 cho trẻ em vùng cao ta bỗng thấy nó xa lạ.
Vì thế nên, những nhà vệ sinh, những máy tính bảng bạc tỉ trở thành một biểu tượng ngạo nghễ của xã hội cướp giật.
Trong khi đó, nợ công của Việt Nam tính đến ngày 20/08/2014 đã lên đến 83,412 tỉ USD. Nhưng nó không xuất phát từ việc đầu tư chính đáng cho giáo dục hay chăm lo đời sống vật chất – tinh thần tốt nhất cho thế hệ chủ nhân tương lai.
Do đó, thay vì ngồi phòng máy lạnh bày vẽ dự án này – công trình nọ, di chuyển bằng xe hơi tới các vùng sâu xa để chào hỏi xã giao thì các công bộc của nhân dân nên tìm đến những con người khốn khổ của xã hội, để nghe họ nói gì, nghĩ gì. Đừng đứng mãi trên bục cao, ngồi phòng máy lạnh… để nói về những điều cao cả nhưng rỗng tếch.
Tương tự, thay vì bắt học sinh phải rưng rưng khi hát bài quốc ca, ông PPT Vũ Đức Đam nên chịu khó vận động cho những bữa ăn, cái mặc đủ đầy cho trẻ vùng cao để thực tiễn hóa lòng yêu nước.
Có như vậy, thì mọi người, trong đó có trẻ em sẽ “sướng vui vì có Đảng tiền phong lãnh đạo”. Thay vì đặt ra câu hỏi nghi ngờ ngày một lớn, phải chăng, “Đảng đã không còn khả năng tổ chức lại xã hội, họ đang buông và mặc kệ cho xã hội muốn ra sao thì ra”?
Liên Sơn
—————————————–
Dự án “Cơm có thịt” được ông Trần Đăng Tuấn khởi xướng từ tháng 09/2011. Đây là một dự án từ thiện được lập ra để giúp trẻ em các trường mầm non vùng cao có bữa cơm đủ chất hơn. Đến nay đã có 5.841 học sinh ở 46 trường thuộc các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 5,4 tỉ đồng.