Diệp Chi
(VNTB) – EVFTA là câu chuyện mang đến nhiều cảm xúc trái chiều, giữa đòi hỏi về tuân thủ cam kết từ phía Việt Nam, và cả yêu cầu từ EU về chuyện đừng làm lơ khi Việt Nam vi phạm…
Là một trong những hiệp định được không ít người dân mong đợi, EVFTA mở ra cho nhiều ngành thế mạnh ở Việt Nam khi lộ trình cam kết giảm thuế hoàn tất (phổ biến từ 3-7 năm). Theo đó, một số ngành như dệt may, nông sản, giày dép của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều.
“Chú theo dõi tin tức, ngày 1-8, mình bắt đầu có thể đưa hàng qua bên khối EU, châu Âu đó. Vô đó được thì chắc có lẽ lúa cũng hơi bắt đầu có giá hơn. Chú cũng theo dõi đài thường xuyên lắm, hễ nghe mà xuất khẩu được cái chỗ nào cái mừng. Thí dụ như mà doanh nghiệp mình á, ký đâu được mấy trăm ngàn tấn thì cũng mừng lần lần”, nông dân Đỗ Văn Dẻo chia sẻ cảm xúc.
Mặt hàng sữa từ nước ngoài được nhập vào Việt Nam thông qua EVFTA với dỡ bỏ hàng rào thuế quan, người tiêu dùng sẽ thêm được nhiều lựa chọn hơn.
“Tại vì chị có con nhỏ mà, có hai đứa đó, thì chị thường mua sữa lắm. Cái tiếng đó, thì cái tiếng của nước ngoài đó, thì trong nước mình tất nhiên là mình thích hơn, nhưng mà cái giá cả nếu mà đúng gốc đó mà nó cũng tốt như vậy đó thì cũng nên dùng. Cũng nên dùng sữa nước ngoài tại vì cái tiếng hồi nào giờ nó làm chất lượng hơn rồi, nhưng mà cái giá cả thì nó thấp hơn thì mình không biết sao…”, một bà nội trợ nói.
Tuy nhiên, sự việc nào cũng có hai mặt của nó. Nếu như EVFTA đem lại lợi ích cho những ngành nghề nói trên, thì lại là thách thức cho người chăn nuôi. Trả lời báo chí, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận định: “Với EVFTA, người chăn nuôi sẽ phải hy sinh lợi ích cho các công nhân dệt may, da giày”.
“Dì ở đây thì kiểu như là lấy ngắn nuôi dài thôi chứ còn… Đủ ăn, đủ xài thôi chứ tại vì dì không có nuôi nhiều, dì nuôi đủ kinh tế gia đình vậy thôi. Giao cho nó, nó trả 11 ngàn năm trăm. Nó đem nó giao cho công ty sữa Long Thành thôi chứ nó cũng không giao cho công ty sữa Vinamilk nữa. Cái giá sữa hiện thời bây giờ thì không có ăn nhiều đâu, không có lời nhiều mà nếu qua như vậy thì chắc dì không nuôi nữa”, bà Thắm, một nông dân nuôi bò sữa lâu năm kể.
Có ý kiến cho rằng nếu không muốn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, tại sao người chăn nuôi không lo tập trung vào việc cải thiện chất lượng sữa, ngồi đó than trời trách đất được lợi ích gì?
Đã chăn nuôi thì ai lại chẳng muốn mở rộng khu vực chăn nuôi hoặc cải thiện chất lượng bữa ăn cho bò sữa, song với giá thu mua sữa ngay tại địa điểm chăn nuôi, trừ luôn với giá cả thức ăn, người chăn nuôi cũng chẳng hưởng lợi là bao, chủ yếu lấy công làm lời:
“Sữa rộ đó, sữa mà bò nó mới đẻ mà khoảng chừng ba, bốn tháng đầu đó thì có dư. Chứ còn khoảng năm, sáu tháng sau rồi thì chỉ lấy nó nuôi nó, với bơm đồ lại, không có lời được bao nhiêu. Ví dụ như bán một ngày 100 ngàn sữa là thấy cái chi phí của nó lên tới 60 ngàn rồi. Mà trong khi đó dì phải bỏ công ra dì cắt cỏ. Cái công của mình vắt sữa”, bà Thắm kể tiếp.
Đồng ý một điều là công nghiệp hóa sẽ góp phần làm hiện đại hóa đời sống của người dân, song Việt Nam vốn là một quốc gia nông nghiệp. Với những người thuộc tứ tuần hay mấy đời làm nhà nông, không lẽ, vì ba chữ công nghiệp hóa mà họ đi bán đất, xin vào khu công nghiệp để làm? Cho nên có thể nói, nếu không có những biện pháp hữu hiệu và kịp thời nhằm bảo vệ cho những người nông dân chăn nuôi bò sữa, đời sống của họ càng lúc sẽ càng khó khăn hơn.
“Thì nếu mà sữa mà nó nhập qua nhiều quá, giá cả lại rẻ, chắc là không còn ai để mà chăn nuôi nữa”, bà Thắm ngậm ngùi.
Cải tiến chất lượng chăn nuôi bò sữa cũng như chất lượng sữa cung cấp cho người tiêu dùng là điều tất yếu. Song, với những người chăn nuôi, họ cũng cần lắm những chính sách hỗ trợ từ chính phủ để giúp họ có thể duy trì các nghề từ bao đời nay…